Nhiều người sai lầm trong cách giải rượu bằng nước chanh, thuốc giải rượu |
Mặc dù ra viện đã tuần nay, nhưng anh Nguyễn Quốc H. (Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn dùng thuốc điều trị lâu dài cho bệnh loét dạ dày. Anh H. cho hay, lâu nay cũng cảm nhận được mình có chút vấn đề về dạ dày, nhưng không ngờ cơn đau dạ dày cấp vừa rồi khiến anh buộc phải nhập viện cấp cứu. Qua tư vấn của bác sĩ, anh H. "ngã ngửa" nhận ra chính cách giải rượu bằng cốc vại chanh tươi sau mỗi trận rượu lại là nguyên nhân của căn bệnh dạ dày của mình.
Còn anh Lê Minh S. (Thanh Trì. Hà Nội) cũng vừa may mắn thoát khỏi "cửa tử" vì ngộ độc rượu. Theo vợ anh S., như mọi khi, cứ mỗi lần chồng uống say về nhà là chị thường pha chanh mật ong cho chồng uống để giải rượu và lần này cũng không ngoại lệ. Cho chồng uống xong cốc nước chanh, chị yên tâm là giải rượu xong, nên để yên cho anh ngủ. Nào ngờ anh bị ngộ độc rượu, nên cứ lịm dần đi, may mắn gia đình kịp phát hiện kịp đưa đi cấp cứu.
Chia sẻ với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong dịp lễ Tết, trung tâm tiếp nhận rất nhiều ca ngộ độc rượu. Trong đó đáng lưu ý, thói quen uống nước chanh giải rượu vốn rất phổ biến, và được nhiều người "tín nhiệm" sử dụng lại là nguyên nhân khiến nhiều người phải nhập viên.
Theo BS. Nguyên, nước chanh không có tác dụng giải rượu, vì nó chứa hàm lượng axit nên dễ làm tổn thương dạ dày, nhất là khi uống rượu mọi người thường ít dung nạp các chất tinh bột. Chính vì vậy, khi chất cồn trong dạ dày gặp thêm axit sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, lâu gây loét dạ dày.
"Bên cạnh đó, mọi người cũng không nên quá đặt lòng tin vào các loại thuốc giải rượu hiện có. Thực tế, các loại thuốc này chủ yếu chỉ cung cấp hỗ trợ thêm các loại vitamin, chất điện giải... nếu quá tin vào thuốc, sẽ uống rượu mà thiếu kiềm chế, dễ dẫn đến ngộ độc rượu", BS. Nguyên cảnh báo.
Cũng theo khuyến cáo của BS. Nguyên, điều tốt nhất là nên "uống rượu có trách nhiệm", còn nếu đã say rượu, để phòng tránh bất trắc, bất cứ ai cũng phải nhớ 4 điều cấm kỵ sau: Tuyệt đối không uống nước chanh, không gây nôn, không ra ngoài gió nhanh, không uống thuốc giải rượu.
Theo lý giải của BS. Nguyên, việc cố gây nôn đối với người đã uống say rất dễ khiến thức ăn, chất nôn sặc vào phổi dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Còn khi đã say, các mạch máu trong cơ thể đang giãn, nếu vội bước ra ngoài, nhất là khi trời lạnh sẽ khiến các mạch máu co đột ngột, có thể gây choáng, gây bất tỉnh...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận