Đường bộ

6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cao tốc, quốc lộ

02/03/2024, 12:30

Thủ tướng Chính phủ quyết định phân cấp 6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc.

Một dự án vừa được dùng ngân sách địa phương, vừa có thể dùng vốn địa phương khác hỗ trợ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ.

6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cao tốc, quốc lộ- Ảnh 1.

Phối cảnh một đoạn tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Theo quyết định được ban hành, UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan chủ quản hai dự án: Nâng cấp, mở rộng đường QL14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành và Dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước

UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.

UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (QL61C).

UBND TP Cần Thơ làm cơ quan chủ quản dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ).

UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa.

Chịu trách nhiệm cơ quan chủ quản, 6 tỉnh, thành phố nêu trên được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư các dự án đường quốc lộ, cao tốc.

Tại quyết định, Thủ tướng Chính phủ cũng giao 13 tỉnh, thành phố giữ vai trò cơ quan chủ quản 14 dự án giao thông khác, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công đối với các dự án.

Cụ thể, UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan chủ quản dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

UBND tỉnh Bắc Kạn làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - Hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang.

UBND tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

UBND TP Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu.

UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản hai dự án: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An và xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (dự án thành phần 2).

UBND tỉnh Ninh Thuận được giao làm cơ quan chủ quản dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đi ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

UBND tỉnh Cà Mau làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến trục Đông - Tây và cầu Gành Hào.

UBND tỉnh Cao Bằng làm cơ quan chủ quản dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

UBND tỉnh Vĩnh Long làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre theo hình thức PPP.

UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C).

UBND tỉnh Hòa Bình làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.

UBND tỉnh Bến Tre làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng cầu Cửa Đại thuộc tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang.

UBND tỉnh Trà Vinh làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2, kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh.

Như vậy, theo nội dung quyết định, dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C) do UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản vừa được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư, vừa thuộc diện được được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công.

Không chỉ là câu chuyện nguồn lực, với việc giao thẩm quyền chủ đầu tư cho địa phương, mạng lưới giao thông sẽ có được tính tích hợp cao với quy hoạch kinh tế của tổng thể của địa phương.
6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cao tốc, quốc lộ- Ảnh 2.PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN

Tăng tính trách nhiệm để địa phương huy động nguồn lực

Trao đổi với Báo Giao thông, một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, theo Luật Ngân sách hiện hành, vốn Trung ương không được mang đi đầu tư dự án, công trình của địa phương.

Vốn của địa phương này không mang đi đầu tư dự án ở địa phương khác. Thực trạng này dẫn đến nhiều địa phương cần tuyến kết nối nhưng không đủ tiềm lực để triển khai.

Vì vậy, cơ thế thí điểm đặc thù đực Quốc hội ban hành, cho phép địa phương có điều kiện kinh tế được đầu tư các dự án ở địa phương khác khi thực hiện các dự án mang tính kết nối vùng là rất cần thiết.

"Đây là giải pháp phù hợp, vừa "chia lửa" với Bộ GTVT, vừa tăng tính trách nhiệm cho địa phương trong huy động nguồn lực trong bối cảnh giai đoạn 2021-2025, khối lượng triển khai dự án rất khổng lồ", lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng khẳng định.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực giao thông (xin giấu tên), với các địa phương có nguồn thu ngân sách cao, việc có cơ chế giao địa phương làm cơ quan chủ quản sử dụng nguồn vốn địa phương đầu tư các dự án giao thông (quốc lộ, cao tốc) thuộc nhiệm vụ chi và phạm vi quản lý của cơ quan T.Ư sẽ thực hiện triệt để việc phân cấp, phân quyền.

"Với cơ chế này, các địa phương sẽ cân đối nguồn lực, cắt giảm các dự án đầu tư manh mún, nhỏ lẻ để tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm, mang tính đột phá.

Việc được hưởng trực tiếp lợi ích từ dự án sẽ gắn liền với trách nhiệm của địa phương trong công tác GPMB, tái định cư; kiểm soát ngay từ đầu việc cấp phép các nguồn vật liệu", vị này nhận định.

Tại quyết định ban hành, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trong việc rà soát hồ sơ của các địa phương được phân cấp, giao cơ quan chủ quản đối với các dự án; Hỗ trợ UBND các địa phương được giao cơ quan chủ quản triển khai các dự án theo đúng quy định của pháp luật; Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện và kịp thời đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết các vướng mắc phát sinh (nếu có).

Các Bộ: GTVT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương triển khai dự án theo đúng tiến độ đã đề ra, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực gây thất thoát tài sản và tiền vốn của Nhà nước.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.