Sớm đạt thỏa thuận về thuế quan
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) Hà Nội đã nhanh chóng đưa ra phản hồi.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội, nhận định rằng mức thuế mới do chính quyền ông Trump công bố sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng lãnh đạo hai nước sẽ sớm đạt được một thỏa thuận về thuế quan.
Theo ông Sitkoff, trong hai tháng qua, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã tích cực tiếp xúc với chính quyền Mỹ để xử lý vấn đề mất cân bằng thương mại và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ. Ông đánh giá cao sự chủ động của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi lắng nghe phản hồi từ các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành AmCham Hà Nội. Ảnh: AmCham Hà Nội.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm mở cửa thị trường cho nhà đầu tư Mỹ, bao gồm việc tạo điều kiện cho Starlink và thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng như khí hóa lỏng tự nhiên, nông sản, cũng như ký kết thỏa thuận mua thêm máy bay từ Mỹ.
Ông cũng nhắc đến các hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD mà hai nước đã ký trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên tại Mỹ hồi tháng trước. Ngoài ra, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đại diện một số doanh nghiệp hàng không như Vietnam Airlines và Vietjet Air cũng dự kiến sẽ có chuyến thăm Mỹ sắp tới.
"Chính phủ Việt Nam đang rất chủ động và quyết liệt trong việc duy trì quan hệ với Mỹ, và đó là điều rất đáng ghi nhận. Tôi tin rằng sẽ có thêm những diễn biến tích cực trong thời gian tới, bởi người Việt rất giỏi đàm phán, trong khi Tổng thống Trump cũng nổi tiếng là người giỏi chốt thỏa thuận", ông Sitkoff nhận xét.
Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng vấn đề thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không thể giải quyết ngay lập tức. Ông khuyến nghị Việt Nam cần thể hiện thiện chí trong việc cải thiện tình trạng này, thay vì chỉ dừng lại ở các biên bản ghi nhớ về việc mua hàng hóa Mỹ như máy bay Boeing.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn gắn bó với Việt Nam
Trước lo ngại về tác động của thuế quan đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Sitkoff khẳng định mức thuế mới sẽ không làm chậm lại dòng vốn FDI vào Việt Nam, cũng như không khiến nhà đầu tư nước ngoài rời đi hàng loạt.
"Việc chuyển chuỗi cung ứng khỏi Việt Nam không hề đơn giản. Đây là một quá trình tốn thời gian, phức tạp và tốn kém. Hơn nữa, việc xin cấp phép và xây dựng nhà máy tại Việt Nam đòi hỏi nhiều công sức, nên các công ty sẽ không dễ dàng rời đi", ông giải thích.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp nhờ chi phí lao động cạnh tranh. Ảnh minh hoạ.
Theo đại diện AmCham Hà Nội, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp nhờ chi phí lao động cạnh tranh. Trong khi đó, kế hoạch của ông Trump nhằm đưa sản xuất một số ngành, như giày dép, quay trở lại Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thách thức do chi phí sản xuất tại Mỹ cao hơn đáng kể trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay.
Ông Sitkoff cũng kỳ vọng rằng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập từ tháng 9/2023, lãnh đạo hai nước sẽ có thêm cơ hội đàm phán để giảm bớt thuế quan. Ông nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng thương lượng với các quốc gia đối tác.
"Tôi tin rằng tình hình sẽ sớm có tiến triển tích cực, bởi thuế quan mới không có lợi cho nền kinh tế toàn cầu", ông nói, đồng thời cam kết sẽ phối hợp với các doanh nghiệp Mỹ và chính phủ Việt Nam để thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận