Thiếu khoảng 3 triệu m3 cát
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, để đảm bảo hoàn thành dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 vào cuối năm 2025 - theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đang tập trung quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, các nhà thầu khẩn trương huy động đầy đủ máy móc thiết bị, nhân vật lực để triển khai thi công.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay của dự án này là tiến độ thi công còn chậm do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Đặc biệt, là đối với Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp, Bộ GTVT đã báo cáo về nhu cầu vật liệu cát đắp cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND các tỉnh An Giang ưu tiên bố trí ngay nguồn cát đắp cho dự án với khối lượng 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3) và Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
Theo tính toán tiến độ thi công phải cấp đủ khối lượng 18,5 triệu m3 vào cuối tháng 6/2024, trong đó năm 2023 phải cấp được 9,1 triệu m3.
Mặc dù Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ để sớm cung cấp vật liệu cho các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ GTVT đã chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhưng tình hình cung ứng vật liệu cho dự án đến nay rất chậm, không đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Cụ thể, tỉnh An Giang đã hoàn thành thủ tục cấp mỏ 1,6 triệu m3 và đang hoàn thiện các thủ tục đối với 5 mỏ nhà thầu đã trình với trữ lượng 4,4 triệu m3.
Tỉnh Vĩnh Long đã hoàn thành thủ tục cấp ba mỏ với trữ lượng 1,82 triệu m3; đã khai thác một mỏ với trữ lượng 0,5 triệu m3 và đang hoàn thiện thủ tục hai mỏ mới với trữ lượng 1,32 triệu m3 và một mỏ nhà thầu đã trình với trữ lượng 1,2 triệu m3.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp đã hoàn thành thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác (trữ lượng 0,977 triệu m3) và 7 mỏ mới (trữ lượng 6,023 triệu m3). Hiện tại, tất cả các mỏ được Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù đang được khai thác.
Tóm lại, về xác định nguồn vật liệu, tỉnh An Giang vẫn còn thiếu 1 triệu m3 cát và tỉnh Vĩnh Long còn thiếu 1,98 triệu m3 cát.
Đồng Tháp hết khả năng hỗ trợ
Nhà thầu đang quyết liệt thi công nhưng cát về công trường chưa đảm bảo nên tiến độ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Thủ tục khai thác cát chưa thông nên chủ đầu tư rất sốt ruột khi mỗi ngày công trường vẫn đang đợi cát như nắng hạn trông mưa.
Trong buổi làm việc vừa qua với tỉnh Đồng Tháp, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - chủ đầu tư Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, mong muốn được tỉnh này hỗ trợ thêm cát để việc thi công của nhà thầu được giao phụ trách thực hiện cao tốc đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã rất nỗ lực trong việc đáp ứng nhu cầu cát đắp nền phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Nhưng hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông bằng nguồn vốn đầu tư công và cũng đang gặp khó khi công trình vẫn đang đợi cát.
Trong khi đó, qua rà soát, đánh giá thì với trữ lượng cát còn lại, Đồng Tháp không thể hỗ trợ thêm cho An Giang và Vĩnh Long theo đề nghị của Ban QLDA Mỹ Thuận.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Bộ GTVT có văn bản trình kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương khẩn trương cấp "bản xác nhận" đối với 6 mỏ nhà thầu đã trình hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và có thể khai thác sớm trong đầu năm 2024. Trong đó, tỉnh An Giang có 5 mỏ, tỉnh Vĩnh Long 1 mỏ.
Đặc biệt, tỉnh An Giang cần chủ động xử lý thủ tục đối với 5 mỏ đã được các nhà thầu hoàn thành thủ tục, đang trình UBND tỉnh.
Theo đó, ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác bảo đảm đủ công suất để đến 30/6/2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan đơn vị rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục để có thể khai thác trước ngày 15/3/2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận