Hôm qua (26/10), Công chúa Mako, cháu gái Nhật Hoàng đã chính thức lên xe hoa với hôn phu là dân thường, rời bỏ tước vị Hoàng gia, chuẩn bị sang New York, Mỹ sinh sống.
Lễ cưới là cái kết hạnh phúc cho cô gái trẻ Mako nhưng cũng là dịp hiếm có để dư luận có thể nhìn thấy một góc những áp lực mà bao thế hệ phụ nữ trong Hoàng gia Nhật Bản đã và đang phải gánh chịu.
Đám cưới của Công chúa Mako đơn giản, không có nghi lễ truyền thống. Ảnh: Kyodo
Lễ cưới đặc biệt
Có lẽ chưa bao giờ Hoàng gia Nhật Bản lại tổ chức một hôn lễ cho Công chúa đơn giản đến thế.
Không còn nghi lễ Hoàng gia truyền thống, không có thủ tục trao tiền hồi môn trị giá hơn 1,3 triệu USD, cô dâu chỉ mặc một chiếc váy đơn giản màu xanh nhạt, điểm xuyết chút trang sức ngọc trai và cầm theo bó hoa nhỏ về nhà chồng.
Trước khi lên xe, cô vẫy chào tạm biệt cha mẹ và em gái Kako. Tất cả các thành viên trong gia đình đều phải đeo khẩu trang theo đúng quy định phòng dịch.
Song, không khó để nhận thấy, ánh mắt cố gượng để ngăn lệ rơi trong ngày vui của con từ Hoàng hậu Masako.
Sau khi Mako chính thức cúi lạy cha mẹ, em gái Kako đã ôm lấy vai chị, cả hai ôm chặt nhau lần cuối trước khi tiễn chị về nhà chồng.
Lễ họp báo tổ chức chiều cùng ngày cũng đặc biệt không kém. Mako cùng chồng tổ chức họp báo tại khách sạn, cả hai chỉ ra thông báo ngắn và gửi câu trả lời bằng văn bản tới báo giới thay vì trả lời câu hỏi đã gửi trước, ngay tại sự kiện.
Dẫn lời một quan chức tại Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA), Truyền hình NHK cho biết, lý do là bởi “một số câu hỏi của báo giới đã lấy thông tin sai để làm sự thật và khiến Công chúa buồn lòng”.
Lễ cưới đặc biệt một lần nữa cho thấy những áp lực nặng nề đè nén và ảnh hưởng tới cuộc sống của Hoàng gia Nhật Bản.
Theo bình luận của tờ New York Times, điều khó khăn nhất với một phụ nữ Nhật Bản có lẽ là làm thành viên Hoàng gia.
Họ luôn bị kìm kẹp trong vô vàn tiêu chuẩn và chịu sự giám sát, chỉ trích từ báo chí, dư luận cho đến giới chức Hoàng gia.
Công chúa Mako chào tạm biệt gia đình, ôm chặt em gái Kako. Ảnh: Reuters
Bà Rika Kayama, Giáo sư, nhà tâm lý học tại Đại học Rikkyo, Thủ đô Tokyo cho biết: “Ngoài công việc của hoàng tộc, phụ nữ trong Hoàng gia Nhật Bản luôn phải chú ý giữ gìn phong cách. Sau khi kết hôn, mục đích chính của họ là sinh con”.
“Tất cả sẽ đổ dồn sự chú ý vào việc bạn có phải là người mẹ tốt không, quan hệ với mẹ chồng thế nào? Bạn sẽ hỗ trợ cho chồng trong đời sống thường ngày ra sao? Rất nhiều việc phụ nữ Hoàng gia Nhật Bản phải làm một cách hoàn hảo, không tì vết. Tôi không nghĩ đàn ông trong gia đình Hoàng gia bị theo dõi sát đến vậy”, bà Rika Kayama nói.
Giữa đất nước Nhật hiện đại, phụ nữ Hoàng gia vẫn phải tuân thủ những giá trị của thời trước. Mọi sự thay đổi, hiện đại trong đời sống, tư tưởng của xã hội Nhật dường như đứng ngoài cánh cửa cung điện Nhật Bản.
Ba thế hệ phụ nữ sống trong áp lực
Bà Michiko là thường dân đầu tiên trong nhiều thế kỷ bước chân vào gia đình Hoàng gia. Bà tự tay chăm sóc các con thay vì giao cho người giúp việc.
Thời điểm ở cương vị Hoàng hậu, bà luôn nỗ lực tháp tùng Nhật Hoàng Akihito đi khắp Nhật Bản và cả thế giới.
Bà xuất hiện với hình ảnh rất gần gũi, sẵn sàng qùy gối nói chuyện với nạn nhân trong các thảm họa hoặc những người khuyết tật, xóa tan khoảng cách giữa gia đình Hoàng gia và người thường.
Nhưng khi bà trang hoàng lại cung điện hoặc mặc những trang phục sắc màu, báo chí đã lên tiếng bức xúc. Có tin đồn, quan chức Hoàng gia và mẹ chồng đánh giá bà Michiko không thể hiện đủ tôn trọng với Hoàng gia.
Biểu tình phản đối lễ cưới của Công chúa Mako. Ảnh: AFP
Năm 1963, bốn năm sau kết hôn, sau một sự cố, bà phải bỏ thai và được chuyển tới một biệt thự để điều trị, tĩnh dưỡng trong vòng 2 tháng.
Lúc đó, có nhiều thông tin cho rằng, bà đã bị suy nhược thần kinh. 30 năm sau, bà tiếp tục ngã gục trước áp lực, mất giọng và phải mất nhiều tháng mới bình phục.
Con dâu bà - Masako, từng tốt nghiệp Đại học Harvard với sự nghiệp ngoại giao đầy hứa hẹn nhưng đã chọn dừng chân để kết hôn với Thái tử Naruhito.
Nhiều người kỳ vọng, với vốn văn hóa và nền tảng đó, bà Masako sẽ giúp hiện đại hóa gia đình Hoàng gia và trở thành hình mẫu cho phụ nữ trẻ “đảm việc nước, giỏi việc nhà” tại Nhật Bản.
Nhưng không, bà Masako bị bủa vây trong những phân tích và đồn đoán về khả năng sinh nở. Sau 1 lần sảy thai, bà Masako sinh hạ con gái - Công chúa Aiko, khiến nhiều người thất vọng vì chưa có con trai nối dõi.
Vì muốn bảo vệ khả năng mang thai của bà, quan chức Hoàng gia Nhật Bản đã hạn chế bà tham gia các hoạt động đi lại, cuối cùng bà Masako phải rút khỏi nghĩa vụ với công chúng.
Trong một phát ngôn được công bố năm 2004, bà Masako chia sẻ bản thân đã quá mệt mỏi, kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần.
Thế hệ phụ nữ gần nhất là Công chúa Mako. Cô đã phải chịu cái nhìn đầy tiêu cực và khắc nghiệt khi công bố kết hôn với bạn học, xuất thân từ gia đình thường dân có bê bối tài chính. Họ cho rằng anh không xứng đáng làm chồng cháu gái Hoàng gia.
Trong lúc cặp đôi âm thầm chuẩn bị cho việc kết hôn, họ liên tục phải nhận lời lẽ công kích từ dư luận.
Thậm chí, thời gian gần đây còn xuất hiện đám đông tuần hành tại Ginza - khu mua sắm nổi tiếng của Tokyo, mang theo những biểu ngữ có nội dung như
“Đừng để cuộc hôn nhân bị nguyền rủa này làm ô uế Hoàng gia” hay “Hãy hoàn thành trách nhiệm trước khi kết hôn”.
Trên mạng xã hội Twitter, nhiều người còn chỉ trích Công chúa Mako là “kẻ trộm thuế”, cho dù cô quyết định từ bỏ của hồi môn Hoàng gia trị giá hơn 1,3 triệu USD.
Công chúa Mako sẽ ở một chung cư trước khi sang Mỹ sinh sống
Theo luật pháp Nhật Bản, sau khi nộp xong giấy tờ đăng ký kết hôn, Công chúa Mako sẽ mất tước vị, đổi tên thành Mako Komuro theo họ chồng. Cô sẽ ở trong một chung cư tại Thủ đô Tokyo để giải quyết nốt các thủ tục, chuẩn bị lên đường sang Mỹ sinh sống cùng chồng, sớm nhất vào tháng sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận