Mặc dù cơ quan chức năng và các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp, song tình trạng ùn tắc trước các cổng trường trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra như cơm bữa…
Phụ huynh thản nhiên đỗ xe tràn lòng đường để chờ con
16h45 chiều 7/9, có mặt tại khu vực gần nút giao đường Nguyễn Khánh Toàn - Nguyễn Văn Huyên, ghi nhận của PV Báo Giao thông, tình trạng ùn tắc diễn ra nghiêm trọng, phương tiện ken cứng nhích từng tí một trong tiếng còi xe inh ỏi.
Nguyên nhân chính là do thời điểm tan tầm buổi chiều cũng là lúc hàng nghìn học sinh Trường THCS Dịch Vọng và Trường Tiểu học Dịch Vọng B tan học. Hàng nghìn phụ huynh học sinh cố chen chúc chờ con. Trong khi vỉa hè trước Trường Tiểu học Dịch Vọng B nhỏ hẹp không đủ, nhiều người thản nhiên dừng, đỗ xe tràn ra lòng đường.
Phía đối diện (hướng về Trần Đăng Ninh) cũng bị các xe ô tô BKS: 30F - 225.94, 30A - 449.97, 29C - 875.40, 30E - 229.62… cùng hàng trăm xe ô tô khác của phụ huynh lấn chiếm, trải dài từ đầu ngã tư Nguyễn Khánh Toàn - Nguyễn Văn Huyên đến vòng xuyến Nguyễn Khánh Toàn - Trần Đăng Ninh.
Trong vòng 20 phút quan sát, PV chứng kiến không ít hình ảnh học sinh luồn lách giữa “biển” phương tiện rồi nháo nhác tìm bố mẹ. Một số học sinh khác thì nối chân phụ huynh, vượt qua những mũi xe để sang bên đường, nguy cơ va chạm luôn thường trực.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại khu vực trước cổng Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trên đường Hoàng Minh Giám (quận Cầu Giấy). Ghi nhận trong sáng 8/9, PV chứng kiến cả vài chục chiếc xe ô tô như các xe BKS: 30A - 906.11, 30A - 835.22, 29H - 411.34, 30S - 7863... từ đường Lê Văn Lương đi lên liên tục táp vào lề đường, trước cổng trường để đưa con đến lớp, bỏ mặc phía sau dòng phương tiện bị dồn lại từ nút giao Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám đến khu vực trước cổng trường.
Tại khu vực cổng Trường Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa) - một “điểm nóng” ùn tắc, mất ATGT mỗi giờ tan học mà Báo Giao thông đã từng phản ánh, tình trạng trạng ùn tắc vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Chị Nguyễn Thanh Thảo, một phụ huynh có con học ở Trường Tiểu học Khương Thượng cho biết, hiện nhà trường đang cho học sinh tan học theo thứ tự khung giờ (các khối lớp sẽ ra về theo khoảng thời gian từ 15 - 20 phút), tổ chức tiếp nhận học sinh ở cổng chính, phụ huynh đón con ở cổng phụ...
“Mặc dù vậy, do đường Tôn Thất Tùng ngắn, lại có tới 3 trường (1 trường tiểu học, 1 trường THCS và 1 trường đại học) cùng 3 nút giao có đèn tín hiệu giao thông nên đến giờ cao điểm học sinh tới trường thường xuyên ùn tắc”, chị Thảo nói.
Ông Kiều Cao Chinh, Phó Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Hà Nội) cho biết, khu vực các cổng trường: Tiểu học Dịch Vọng B, Hà Nội - Amsterdam, Tiểu học và THCS Nghĩa Tân đều là những vị trí Sở GD&ĐT Hà Nội đưa vào diện “điểm nóng” trong giờ cao điểm vào lớp/tan học. “Riêng khu vực Trường Tiểu học Dịch Vọng B và THCS Dịch Vọng, mặc dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT Cầu Giấy điều chỉnh lệch giờ học giữa hai trường để hạn chế áp lực giao thông trong cùng một thời điểm, song hiệu quả vẫn chưa rõ rệt”, ông Chinh thừa nhận.
Ba bước thiết lập lại trật tự ATGT cổng trường
Đánh giá về nguyên nhân dẫn đến ùn tắc thường xuyên tại các khu vực cổng trường, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, hiện nhiều cổng trường nằm trong các khu phố nhỏ, khi tất cả cùng dồn vào khu vực cổng trường thì tình trạng lộn xộn, ùn tắc chắc chắn xảy ra, ngay cả khi có lực lượng chức năng và tự quản tham gia điều tiết giao thông.
Để thiết lập môi trường giao thông an toàn trước cổng trường học, theo TS. Trần Hữu Minh, các cơ sở giáo dục cần phải nghiên cứu, áp dụng một quy trình ba bước.
Đầu tiên là cơ quan quản lý về giao thông địa phương phải làm việc với cơ sở giáo dục và chính quyền sở tại xây dựng phương án tổ chức giao thông hợp lý nhất, đặc biệt là việc mở thêm cổng đón/trả (nếu có thể).
Bước 2 là phải bố trí, mở rộng không gian đón trả có bán kính 100 - 200m tính từ cổng trường thay vì chỉ tập trung ở cổng chính. Việc này đồng nghĩa phải đầu tư các hành lang học sinh có thể tiếp cận trường học một cách an toàn (vỉa hè đủ không gian, có cây xanh, mái che, chiếu sáng, kiểm soát tốc độ <30km/h, camera an ninh, tổ chức giao thông qua đường), thiết lập rõ những vị trí để phụ huynh dừng đón học sinh từ xa (xây dựng bản đồ phát cho từng phụ huynh).
Với trường trong các khu phố nhỏ cách đường lớn 100m, nếu phụ huynh có thể dừng nhanh ở đường lớn, đường trước và các đường quanh cổng trường để học sinh đi bộ vào trường thì chắc chắn khu vực trường học sẽ trở nên thông thoáng. Với các cổng trường trên đường quốc lộ, việc tổ chức giao thông đón/trả ở đường ngõ xung quanh, nghiêm cấm dừng trên quốc lộ.
“Bước cuối cùng là nhà trường cần họp tất cả phụ huynh vào đầu năm, phổ biến rõ phương án đón trả và có khuyến cáo phương án cụ thể với từng hướng đi chính. Ví dụ nếu phụ huynh đi ô tô từ hướng Bắc tới trường thì đi theo phố nào, dừng ở đâu, thời gian dừng bao lâu, sau đó phải đi tiếp tới tới đâu mới được rẽ, không rẽ không quay vòng ở những điểm nào...”, TS. Minh nói.
Cũng theo TS. Trần Hữu Minh, để có căn cứ thực hiện, những giải pháp trên cần được cụ thể hóa trong hướng dẫn tổ chức giao thông khu vực trường học và cần được ban hành để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
“Về lâu dài, cơ quan chức năng phải tiếp tục xây dựng quy hoạch đô thị với mật độ dân cư thấp hơn và mật độ trường học cao hơn. Nếu những giải pháp này được thực hiện, chắc chắn giao thông khu vực cổng trường sẽ không còn là nỗi kinh hoàng của nhiều phụ huynh và học sinh như hiện nay”, TS. Minh cho hay.
Ông Kiều Cao Chinh, Phó Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết, Sở đã thống nhất, lựa chọn 4 điểm trường ở các cấp học, gồm: Trường THPT Hà Nội - Amsterdam; Trường THCS Ba Đình, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm và Trường THPT Việt Đức thí điểm mô hình “Cổng trường an toàn”. Đây đều những điểm trường có số lượng phụ huynh đưa, đón học sinh bằng xe cá nhân và số lượng xe đưa đón của nhà trường cao. Các trường này cũng là điển hình đặc thù về khu vực (trong và ngoài phố cổ), đặc thù về cấp học (Tiểu học, THCS và THPT).
Cũng theo ông Chinh, dự kiến việc thí điểm sẽ bắt đầu trong tháng 10/2020, ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội và cơ quan chức năng thống nhất được khung tiêu chí, điều kiện bảo đảm ATGT chung. Sau khoảng 2 - 3 tháng thí điểm, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đánh giá, nếu khả quan, Sở GD&ĐT TP Hà Nội sẽ phối hợp để nhân rộng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận