Xã hội

“Bác sỹ” U80 chuyên trị nền đất yếu cầu, đường

31/08/2022, 11:00

Nghỉ chế độ từ năm 2008 nhưng gần 14 năm qua, ông vẫn quần quật với hiện trường, làm cố vấn kỹ thuật xử lý đất yếu cho hàng loạt công trình lớn.

Hơn 50 năm gắn bó với nghề nghiên cứu địa chất, ông Nguyễn Đình Thứ ghi dấu ấn tại hàng loạt công trình trọng điểm với giải pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu khoa học, giúp các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ…

img

Ông Nguyễn Đình Thứ (thứ hai từ trái qua) cùng Hội đồng nghiệm thu Nhà nước và đại diện Vidifi kiểm tra bấc thấm ngang dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng năm 2010

75 tuổi vẫn lăn lộn công trường

Một buổi chiều giữa tháng 8/2022, sau nhiều lần lỡ hẹn, PV mới gặp được ông Nguyễn Đình Thứ, nguyên cán bộ Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - người vốn nổi tiếng là chuyên gia xử lý nền đất yếu của ngành GTVT. Dù đã bước sang tuổi 75 nhưng trông ông vẫn khá rắn giỏi.

Ông đặc biệt hào hứng khi nhắc tới công việc: “Tôi vừa kết thúc chuyến công tác cùng anh em Công ty CP Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm để giải quyết vấn đề địa chất cho công trình cầu Bạch Xa qua sông Lô ở Tuyên Quang. Một tháng có thể có tới 2-3 chuyến công tác, mỗi chuyến từ 5-8 ngày nên hầu như tôi cũng ít khi ở nhà”.

Nghỉ chế độ tại TEDI từ năm 2008, nhưng gần 14 năm qua, ông vẫn quần quật với hiện trường, tham gia cố vấn kỹ thuật xử lý đất yếu cho hàng loạt công trình lớn như: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cao tốc Bến Lức - Long Thành và hiện là công trình cầu Phước An, các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông…

Nhớ lại cơ duyên đến với lĩnh vực nghiên cứu, xử lý nền đất yếu, ông Thứ kể, khi về công tác tại TEDI năm 1971, giai đoạn đầu ông chủ yếu phụ trách công tác khảo sát địa chất.

Những năm sau đó, quá trình khảo sát địa chất, ông nhận thấy nền các tuyến đường sau thi công rải nhựa chỉ một thời gian là có sự biến dạng, gây mất an toàn.

Tham khảo tài liệu của nước ngoài, ông nhận ra sau khi thi công, nếu mặt đường bằng phẳng, êm thuận, xe có thể lưu thông với tốc độ lớn hơn 100km/h. “Vậy họ xử lý đất yếu bằng giải pháp gì để có sự êm thuận đó?”, ông tự đặt câu hỏi.

“Đến năm 1996, triển khai dự án nâng cấp, cải tạo QL5, trong đó có hai giải pháp xử lý bằng bấc thấm và giếng cát được áp dụng. Kết hợp với thông tin tìm tòi tài liệu trước đó, tôi cho rằng đây là dịp để tiếp cận kỹ thuật mới của nước ngoài”, ông Thứ kể.

Đến năm 1997, phương pháp xử lý đất yếu tại nền đường đầu cầu Vực Giang, cao tốc Láng - Hòa Lạc bằng bấc thấm được ông Thứ thiết kế và áp dụng thi công.

Năm 1999, ông được cử tham gia dự án nâng cấp cải tạo QL1 đoạn Hà Nội - Lạng Sơn. Cũng từ đây, ông coi nghiên cứu và thiết kế các giải pháp xử lý nền đất yếu là nghề chính cho tới tận bây giờ.

Kỷ niệm khó quên tại cao tốc hiện đại nhất Việt Nam

img

Ông Nguyễn Đình Thứ (đầu tiên bên trái) kiểm tra công tác xử lý nền đất yếu tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng năm 2010

Hơn 50 năm công tác, trải qua hàng chục công trình, dự án lớn, nhưng với ông Thứ, dự án khiến ông nhớ nhất chính là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hiện đang được xem là cao tốc hiện đại nhất Việt Nam.

Đây là dự án tiêu biểu có thể rút ra bài học cho các dự án giao thông khác như: Đi qua trầm tích đất yếu với bề dày thay đổi từ vài mét đến lớn hơn 40m. Nhiều giải pháp thiết kế xử lý nền đất yếu được áp dụng: Bấc thấm (46km), giếng cát (29km), cọc cát đầm chặt (9km) và đắp gia tải chờ lún/không xử lý khoảng 20km.

Ông kể, nhớ nhất là câu chuyện về thay đổi giải pháp xử lý đất yếu trong thiết kế kỹ thuật tại Km 48+480 -Km 48+700 thuộc gói thầu EX5.

Khi đó, ông kiến nghị xử lý bằng cọc cát đầm chặt với độ sâu 11m thay vì 28,50m; khoảng cách cọc cát 1,5m thay vì 2,0m như thiết kế kỹ thuật. Phương án này đã được chủ đầu tư chấp thuận và nhà thầu thi công xong đúng tiến độ.

“Phương án kiến nghị tiết kiệm được 8.497m dài cọc cát đầm mà vẫn đảm bảo được các tiêu chí về chất lượng. Với giá thành thời điểm đó, chi phí tiết kiệm được cho dự án khoảng gần 4 tỷ đồng”, ông Thứ nhớ lại.

Là người gắn bó với dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khá lâu, ông Vũ Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cho biết: “Giải pháp bác Thứ đưa ra không chỉ mang lợi về chi phí đầu tư mà còn giúp tiến độ triển khai dự án đảm bảo thời gian so với thiết kế kỹ thuật trước đó (334 ngày)”.

Vẫn còn nhiều trăn trở

img

Ông Thứ chia sẻ về giải pháp kỹ thuật xử lý nền đất yếu khoa học, giúp các công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ. Ảnh: Tạ Hải

Theo ông Thứ, nghề địa chất/địa kỹ thuật hiện nay đã có sự phát triển vượt bậc khi kỹ thuật xử lý nền đất yếu có thêm nhiều giải pháp như kết hợp hút chân không, cọc cát đầm chặt, cọc xi măng đất…

Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là tiến độ hoàn thành các dự án giao thông lớn đang được đặt ra rất gấp rút, đòi hỏi các kỹ sư phải tiếp tục nghiên cứu các giải pháp. Đơn cử như dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... là những dự án phải xử lý đất yếu toàn tuyến.

“Theo tính toán, tại tuyến Cần Thơ - Cà Mau, thời gian thi công xử lý nền đất yếu bằng bấc thấm để đất đạt độ lún dư phổ biến mất từ 10 - 13 tháng, cá biệt có đoạn mất tới 21 tháng. Làm thế nào để đảm bảo tiến độ trong thời gian thi công 2 - 3 năm, vừa đảm bảo chất lượng là bài toán rất khó”, ông Thứ nói và cho rằng, nhiệm vụ này có thể khả thi khi công tác GPMB được ưu tiên triển khai sớm ở những khu vực cần xử lý đất yếu được thi công, xử lý trước.

Cùng đó, phải lựa chọn lực lượng tư vấn giám sát đủ trình độ, nhận định được các vấn đề liên quan đến địa chất, đưa ra các giải pháp phù hợp.

“Hơn 50 năm trong nghề, tôi thấy trang thiết bị khảo sát vẫn quá lạc hậu, đặc biệt là thiết bị lấy mẫu, thiết bị thí nghiệm hiện trường. Nếu lấy mẫu không tốt, kết quả thí nghiệm không tốt, thiết kế sẽ đưa một sản phẩm chưa phải hoàn chỉnh”, ông Thứ chia sẻ.

Khi được hỏi khi nào sẽ “dừng chân” với công địa, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, ông cho hay: “Hiện tại tôi vẫn có sức khỏe, nên vẫn tiếp tục để xứng với cái tên mà Hội Địa kỹ thuật quốc tế định nghĩa về nghề địa kỹ thuật: “Bác sỹ của đất”!”.

Biết đến ông Nguyễn Đình Thứ khoảng 20 năm, trong tâm trí của ông Đặng Công Thuận, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển TEDI, ông Thứ không chỉ có chuyên môn cao về các giải pháp xử lý nền đất yếu mà còn giỏi trong đánh giá cấu trúc địa chất.

“Kỷ niệm nhớ nhất là đêm 23/12/2005, cung đường lên Đèo Cả phía Bắc bị sụt trượt mái taluy do mưa lớn. Khi ấy, tôi được cử đi cùng bác Thứ vào khu vực xảy ra sự cố với vai trò chuyên gia. Tiếp cận hiện trường, bác lập tức đánh giá tình trạng sụt trượt trên cơ sở phân tích đặc điểm cấu trúc địa chất, thủy văn. Giải pháp thiết kế đề cao việc thoát nước ngầm được định hướng cho Công ty Tư vấn 5 và được phê duyệt. Kể từ đó đến trước khi có hầm Đèo Cả, cấu trúc địa chất khu vực được xử lý gần như ổn định”, ông Thuận nhớ lại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.