800.000 thuyền viên cần được đào tạo lại
Ngay trong tháng 12 này, Việt Nam sẽ hoàn tất các thủ tục nội bộ cuối cùng để gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu 2004 (Công ước BWM 2004).
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) vừa diễn ra tại Vương quốc Anh.
Theo thứ trưởng, thời gian qua, Việt Nam đã liên tục chủ động triển khai các quy định sửa đổi của nhiều công ước hàng hải quốc tế như Công ước Solas 1974 (Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển), Công ước Marpol 73/78 (Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển), Công ước STCW (Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên)...
Việc gia nhập nhiều công ước quốc tế đặt ngành hàng hải Việt Nam đứng trước cơ hội, song cũng là thách thức không nhỏ trong bối cảnh ngành hàng hải quốc tế đang "chạy đua" giảm phát thải khí nhà kính, không chỉ với trang thiết bị, kinh phí mà còn là yếu tố nhân lực.
Theo tờ Seatrade Maritime (Anh), tới năm 2030, có tới khoảng 800.000 thuyền viên phục vụ trên các con tàu biển toàn cầu cần nâng cao kỹ năng để đáp ứng tham vọng khử carbon của ngành.
Các nghiên cứu đang tìm cách đảm bảo những người đi biển - tuyến đầu của quá trình khử carbon, sẽ được chăm sóc và đào tạo đúng cách về quá trình chuyển đổi năng lượng trong vận tải biển. Đây được coi là nhu cầu cấp thiết và cần bắt đầu triển khai các cơ sở hạ tầng đào tạo.
Các chuyên gia nhận định, nhiệm vụ này nên được thực hiện từ bây giờ để các thuyền viên sẵn sàng và có thể đáp ứng cho các công nghệ động cơ mới sẽ được triển khai trên các con tàu tương lai. Cùng với tốc độ phát triển của công nghệ, tự động hóa, các thuyền viên phải nâng cao năng lực và kỹ năng, hiểu biết về kỹ thuật số. Các sĩ quan trên tàu có thể sử dụng các hệ thống kỹ thuật số và tự động hóa để thực hiện các công việc hàng ngày.
Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) Đặng Hồng Trường cho biết, các tàu chạy bằng nhiên liệu mới sẽ có công nghệ mới nên có thể có quy trình vận hành khác so với hiện nay.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch đào tạo thuyền viên hiện nay gặp khó do sự thiếu rõ ràng về việc sử dụng nhiên liệu thay thế.
Tới nay thế giới đang thử nghiệm, nghiên cứu các con tàu chạy bằng nhiên liệu sạch. Chưa có gì rõ nét để các doanh nghiệp có thể đưa ra phương án đào tạo, huấn luyện ở thời điểm hiện tại. Các loại máy được đào tạo hiện nay chủ yếu là máy móc chạy bằng nhiên liệu truyền thống.
Đào tạo theo hướng hài hòa
Theo các chuyên gia, hiện nhiều tàu đang đóng mới của Việt Nam và thế giới chủ yếu vẫn là tàu chạy bằng dầu truyền thống hoặc các tàu tiết kiệm nhiên liệu. Số lượng tàu chạy hoàn toàn bằng nhiên liệu sạch không nhiều.
Đội tàu đang khai thác đa số là tàu thế hệ cũ và hoàn hoàn chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Với những quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) liên quan tới việc giảm phát thải, các chủ tàu chỉ cần mua và cài các phần mềm để giới hạn động cơ, không cần sự tác động quá nhiều từ con người.
Do đó, các cơ sở đào tạo thuyền viên vẫn tiếp tục các chương trình đào tạo đang thực hiện dựa trên những quy định của IMO và Công ước STCW.
Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải VN Phạm Xuân Dương cho hay, hiện nay để trang bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo thuyền viên về các loại nhiên liệu mới là bất khả thi.
Các hệ thống, máy móc chạy bằng các nhiên liệu sạch như amoniac, LNG... đều có giá đắt đỏ, có khi lên tới cả triệu USD. Chưa kể, do có ít tàu biển xanh nên cũng không có môi trường thực tiễn để các học viên, thuyền viên thực hành sau khi học.
Hơn nữa, việc đào tạo tại trường học thường tập trung vào những yếu tố cốt lõi, căn bản. Thực tế, các doanh nghiệp khi tuyển dụng vẫn cần tiếp tục đào tạo, cập nhật kiến thức để thuyền viên có thể đáp ứng được công việc theo yêu cầu của mỗi doanh nghiệp.
Dù các quy định và xu hướng đều chưa rõ ràng, song ông Dương khẳng định trong chương trình đào tạo của trường sẽ lồng ghép những kiến thức mới. Chẳng hạn, với những bài giảng về động cơ diesel cho tàu thủy sẽ lồng các thông tin về những định hướng, xu hướng về các loại nhiên liệu trong tương lai mà các đội tàu có thể áp dụng.
"Từ đó, người học có kiến thức để sau này dễ tiếp cận với các công nghệ mới. Thuyền viên Việt Nam khi đi "đánh thuê" cho các con tàu hiện đại của quốc tế vẫn có thể hoàn thành tốt công việc", ông Dương nói và cho rằng, nguyên tắc đào tạo thuyền viên hiện nay theo hướng hài hòa, vừa đáp ứng các nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp, vừa hướng tới xu hướng của thế giới.
Theo đại diện Cục Hàng hải VN, việc chuyển đổi tàu sử dụng nhiên liệu xanh đã có lộ trình ở cả Việt Nam và quốc tế. Các cơ sở đào tạo cũng sẽ đào tạo nhân lực theo lộ trình được đặt ra.
Hiện nay, cục đang nghiên cứu và chuẩn bị ban hành chương trình đào tạo thuyền viên về chứng chỉ IGF theo Bộ luật IGF. Đây là chứng chỉ về nghiệp vụ an toàn cho thuyền viên trên tàu sử dụng nhiên liệu khí hoặc nhiên liệu có điểm chớp cháy thấp, đào tạo các kiến thức, kỹ năng về vận hành an toàn tàu, phòng chống nguy hiểm trên tàu, phòng chống ô nhiễm môi trường do rò rỉ nhiên liệu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận