Trao đổi với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quy định pháp luật về TTATGT.
Có cần ứng phó TNGT như cuộc chiến?
Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong tuyên truyền đảm bảo ATGT thời gian qua?
Tuyên truyền, giáo dục là một trong những giải pháp căn bản trong công tác bảo đảm ATGT. Trong đó, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng luôn có vai trò quan trọng nhất, giúp đưa quy định, chính sách về ATGT đến toàn xã hội.
Thực tế cho thấy, tuyên truyền qua báo chí đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức của người tham gia giao thông, kết quả kiềm chế, kéo giảm TNGT cả về số vụ, số người chết liên tục qua các năm là minh chứng rõ ràng nhất. Các cơ quan báo chí luôn chủ động lựa chọn hình thức, chủ đề bám sát thực tiễn công tác bảo đảm ATGT, chuyển tải đến người dân những thông tin, các quy định của pháp luật về trật tự ATGT một cách kịp thời, rộng khắp và hiệu quả.
Nhưng không phải là không còn những trăn trở trong công tác này, thưa ông?
Cũng giống như các mặt công tác khác, truyền thông về ATGT luôn phải đổi mới hơn.
Bên cạnh những thông tin có tính phổ biến pháp luật, cảnh báo nguy cơ tai nạn giao thông hay hướng dẫn tham gia giao thông an toàn, chúng tôi cũng mong muốn có nhiều hơn các tác phẩm báo chí đi sâu nghiên cứu, phân tích đánh giá về tác động thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi của các giải pháp bảo đảm ATGT, ngay cả đánh giá về hiệu quả của hoạt động truyền thông về ATGT.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về bảo đảm TTATGT, phân công rõ trách nhiệm cho bộ, ngành, chính quyền các cấp về truyền thông trong công tác bảo đảm TTATGT. Ví dụ, ngay trong Luật GTĐB hiện nay cũng không giao ngành Giáo dục và Đào tạo phải đưa quy định về ATGT vào chương trình đào tạo, mà chỉ ghi chung chung là các bộ, ngành.
Có lẽ chúng ta vẫn chưa coi việc phòng chống vi phạm giao thông như một cuộc chiến. Nếu chúng ta tập trung như chống dịch Covid-19, chắc hẳn số người chết sẽ giảm mạnh, không đau xót như hiện nay. Ông nghĩ sao về điều này?
ATGT không bao giờ tạo ra được mối quan tâm hay sự sợ hãi với người dân như thiên tai, địch họa, dịch bệnh. Thiên tai, địch họa, dịch bệnh là tình huống bất thường và được đặt trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia. Nhưng ATGT lại là tình huống thường xuyên nên khó đòi hỏi sự tập trung nguồn lực theo kiểu đánh trận như chống dịch bệnh. Nếu chúng ta ứng phó ATGT đến mức như dịch bệnh thì tình trạng khẩn nguy của ATGT đã lên mức cao.
Tuy không cần phải đẩy lên đến mức khẩn nguy như dịch bệnh, nhưng chúng ta cũng cần đặt vấn đề một cách nghiêm túc về thực trạng mỗi ngày có hơn 20 người chết vì TNGT. Thiệt hại về người và tài sản do TNGT gây ra rất lớn nên sự quan tâm của xã hội cũng cần nhiều hơn.
Tạo ra những quả “bom” truyền thông
Để có sự quan tâm của xã hội, cơ quan quản lý phải tạo ra các sự kiện hay bản thân sự kiện tạo ra làn sóng truyền thông?
Một mặt là cơ quan quản lý nhà nước, nhưng mặt khác các cơ quan truyền thông phải chủ động. Hiện nay, sau mỗi vụ TNGT, báo chí chỉ đưa tin là bao nhiêu người chết và bị thương, nguyên nhân tại sao. Tuy nhiên, những sản phẩm truyền thông có tính chiều sâu, tạo ra được chấn động xã hội không nhiều.
Ví dụ, vụ hai xe máy đâm nhau khiến 5 học sinh bị chết ở Gia Lai, rất ít người quan tâm, và bị chìm trong lặng lẽ. Ngược lại, vụ tai nạn tại Hầm Kim Liên (Hà Nội) có 2 người lớn chết, trong khi 2 người này nếu đội mũ bảo hiểm chưa chắc đã bị tử vong, đã tạo ra sự chấn động lớn trong xã hội. Tại sao 2 người mất trong vụ tai nạn đó lại được sự quan tâm của giới truyền thông, tạo được sóng truyền thông mạnh. Bởi vì, bạn bè của họ là những người nổi tiếng và nhiều người làm lãnh đạo trong các cơ quan báo chí.
Trẻ em bị TNGT rất thương tâm, nhưng không ai quan tâm tạo ra đợt sóng truyền thông. Điều này đòi hỏi trách hiệm của các cơ quan chịu trách nhiệm về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người ta không dành sự quan tâm đúng mức, không lên tiếng bảo vệ các cháu.
Đầu tiên phải là các cơ quan chăm sóc bảo vệ trẻ em, cụ thể hơn nữa là ngành giáo dục, đoàn thanh niên, chính quyền địa phương phải quan tâm. Sau đó mới đến các nhà báo, các cơ quan truyền thông. Sự việc có thể tạo ra “quả bom” truyền thông nếu cơ quan chức năng, báo chí muốn. Nếu ngành giáo dục, Ủy ban Chăm sóc bảo vệ trẻ em nhi đồng lên tiếng hay sẽ làm được việc đó.
“Nói nhiều bị ghét”
Nhiều người đang coi công tác truyền thông có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Tôi cho rằng có một bộ phận nhỏ những người có trách nhiệm vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của truyền thông trong công tác bảo đảm TTATGT. Người ta quan niệm, tôi được phân công làm bảo trì thì tôi lo làm sao bảo trì cho tốt, còn trách nhiệm nói với xã hội tại sao lấy tiền thuế của dân để chi chi việc đó, chi như thế nào, lợi ích ra sao là trách nhiệm của người khác, của báo chí chẳng hạn.
Hiện nay, việc giao nhiệm vụ về truyền thông của chúng ta không rõ ràng. Thêm nữa, là nhận thức của các cơ quan liên quan, nhiều khi dự toán kinh phí dành cho truyền thông bị gạch bỏ vì bị cho rằng nó là vấn đề không đong đếm được.
Câu hỏi truyền thông thay đổi nhận thức như thế nào, mang lại nhiều lợi ích gì khiến người ta e dè. Phần nữa, văn hóa Á Đông thích làm không thích nói, “nói nhiều bị ghét”. Vì thấy việc phát ngôn hay đưa tin thì sẽ nhận được lời khen và cả tiếng chê trong khi im lặng thì chẳng ai biết gì mà chê trách, chắc chắn sẽ không ai chỉ ra mình sai sót gì. Từ đó dẫn đến tâm lý “im lặng là vàng”.
Đôi khi báo chí cũng bị lợi dụng để truyền thông lệch lạc về một vấn đề nào đó, quan điểm của ông thế nào?
Chúng ta cần nhìn ở hai khía cạnh. Thứ nhất, cần đặt ra câu hỏi tại sao lại tạo ra dư luận xấu? Đó là do có người có chủ ý tạo ra thông tin tiêu cực về một sự việc nào đó và nỗ lực để biến tạo nên dư luận xấu về sự việc đó.
Trong khi bên chịu hậu quả xấu thì hoặc là yếu thế hoặc là có tư duy “im lặng là vàng”, thì khi đó xã hội sẽ hiểu sự việc đó là xấu.
Trong lịch sử Trung Quốc còn lưu truyền sự tích “Tăng Sâm giết người” là ví dụ điển hình. Có người nói với mẹ Tăng Sâm là con bà giết người, bà không tin, người thứ 2 nói, bà vẫn không tin, nhưng đến người thứ 3 nói bà mẹ bắt đầu nghĩ con mình giết người, và tìm cách chạy trốn.
Trong trường hợp có người chủ ý tạo dư luận xấu, cơ quan truyền thông được xem như là phương tiện hay vũ khí, trong trường hợp này truyền thông trở thành khẩu súng trong tay người bắn, người chủ mưu.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy một thực tế là, khi các cơ quan truyền thông khai thác vấn đề tiêu cực mà vấn đề đó nhận được sự quan tâm của người dân thì rõ ràng lượng bạn đọc, lượng view và cơ hội khai thác quảng cáo của cơ quan truyền thông được tăng lên.
Điều này giải thích vì sao những gương người tốt, việc tốt trong đảm bảo ATGT lại ít được báo chí đề cập?
Tất nhiên, dư luận cũng luôn quan tâm, tìm kiếm những tác phẩm báo chí về gương người tốt, việc tốt, ví dụ như tài xế Phan Văn Bắc dìu xe khách được đưa lên facebook sau đó đã trở thành sự kiện truyền thông, nhận được sự quan tâm rất lớn. Nhưng tôi cũng công nhận là số lượng những gương người tốt, việc tốt trên truyền thông còn ít và cũng ít khi tạo nên những sự kiện thu hút dư luận.
Mặt khác, tôi cũng hiểu rằng cơ quan truyền thông cũng phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, cần cung cấp tin, bài là sản phẩm thị trường cần. Hay cụ thể hơn là báo chí sống vì bạn đọc, những bài báo nêu lên những vấn đề có tính mâu thuẫn cao, tạo tranh luận chiều, cả tích cực và cả tiêu cực thì sẽ thu hút được sự quan tâm của bạn đọc, như thế sẽ có lợi cho cơ quan báo chí. Chúng ta không nên yêu cầu hay kỳ vọng báo chí chỉ đưa những thông tin xuôi chiều, có lợi, vì nó tạo ra sự nhàm chán và chắc chắn ít người đọc, ảnh hưởng tiêu cực đến sứ mệnh truyền thông của báo chí.
Vậy truyền thông có tác động ngược lại chính sách đảm bảo ATGT thế nào, thưa ông?
Rõ ràng nhất là chúng ta thấy quy định đã uống rượu bia không lái xe, tạo ra dư luận xã hội. Bình thường, người ta không đồng ý với chuyện đó nhưng họ không nói ra nhưng khi vụ việc xảy ra được báo chí quan tâm.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí đối với vụ tai nạn ở hầm Kim Liên đêm 30/4/2019 đã tạo ra sự kiện truyền thông chấn động xã hội, tạo dư luận rất thuận lợi để Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia, cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe.
Những người làm công tác ATGT như chúng tôi ghi nhận vai trò đặc biệt quan trọng của truyền thông làm thay đổi các quy định của pháp luật.
Cảm ơn ông!
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia:
Truyền thông trên 4 mặt trận
Theo tôi, việc tuyên truyền ATGT thời gian tới phải được thực hiện trên 4 mặt trận. Thứ nhất là trong mặt trận giáo dục. Giáo dục ATGT phải có trong hệ thống giáo dục để có văn hóa tôn trọng pháp luật. Đây là yếu tố quan trọng số 1 và có tính chất chiều sâu, giúp hình thành kiến thức và kỹ năng cho người trẻ để khi họ trưởng thành sẽ có kiến thức, kỹ năng, thói quen chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật ATGT nói riêng.
Thứ hai là tuyên truyền giáo dục ATGT trong các tổ chức. Có lần tôi đến họp tại Trung đoàn 102 thấy có hai cảnh vệ trẻ kéo theo xe có chở đầy khóa dây. Hỏi ra mới biết họ đi kiểm tra và xem xe nào không treo mũ bảo hiểm sẽ bị khóa lại, nếu cán bộ, chiến sĩ có xe bị khoá mà trình Mũ bảo hiểm thì cảnh vệ sẽ mở khoá cho đi, nếu không sẽ không được đi.
Đây là mô hình rất tốt trong xây dựng văn hoá giao thông trong đơn vị. Vì vậy từng tổ chức nhà trường, doanh nghiệp, từng cơ quan đơn vị nên chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng văn hoá giao thông an toàn, có từng hành vi, chỉ tiêu cụ thể, ví dụ 100% cán bộ, nhân viên chấp hành tuyệt đối “Đã uống rượu bia- Không lái xe”, hay “xe máy phải có gương đầy đủ”...
Thứ ba là vai trò của báo chí, truyền thông đại chúng để tạo thành dư luận cho những vấn đề về ATGT, làm cho những gương người tốt, những hành vi chuẩn mực được biết đến, lan toả và đồng tình ủng hộ, những hành vi không đúng sẽ bị phê phán, phản đối hay lên án, đòi hỏi phải có chế tài để xử lý.
Cuối cùng là đào tạo người lái xe, truyền thông đầy đủ và tạo dựng hành vi chuẩn mực cho những người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Bốn mặt trận trên phải thực hiện tốt như nhau và có sự phân vai rõ ràng, trách nhiệm cụ thể và có đánh giá hiệu quả tuyên truyền. Phải có giám sát, đánh giá thực sự, thực chất việc tuyên truyền. Mỗi bài viết, mỗi vấn đề phản ánh có tác động thay đổi chính sách đảm bảo ATGT, các cơ quan chức năng có quan tâm khắc phục hay không.
Phải có rà soát đánh giá rõ ràng thì mới có thể giải quyết được. Hiện nay có thể nói hạn chết nhất là kiểm tra đánh giá, kết quả, hiệu quả của công tác truyền thông, giáo dục về ATGT. Cái cần đổi mới làm tốt hơn chính là việc này. Việc định lượng tuyên truyền tuy khó nhưng cũng có thể thực hiện được, vấn đề có làm hay không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận