Đô thị

Báo động nạn tắc đường vành đai Thủ đô

07/12/2020, 05:57

Nhiều tuyến đường đô thị Thủ đô đồng thời là tuyến đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh đi qua dẫn đến ùn tắc.

img

Sự chậm trễ về tiến độ các tuyến đường Vành đai khiến giao thông khu vực cửa ngõ Thủ đô luôn trong tình trạng quá tải (Trong ảnh: Cảnh ùn tắc kéo dài từ đường Vành đai 3 trên cao đến cầu Thanh Trì). Ảnh: Nam Khánh

Sau gần 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, các phân đoạn đầu tư của tuyến đường này vẫn “nằm trên giấy”.

Vì thế, nhiều tuyến đường đô thị đang phải đảm nhận chức năng vừa là đường đô thị vừa là tuyến đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh quá cảnh đi qua, dẫn tới ùn tắc giao thông, đặc biệt là tuyến đường Vành đai 3 trên cao Hà Nội.

Ùn tắc liên miên vì lưu lượng xe quá lớn

16h chiều 4/12, có mặt tại cầu Thanh Trì (Hà Nội), PV Báo Giao thông ghi nhận hình ảnh dòng phương tiện dày đặc nối đuôi nhau nhích từng tí một lên cầu hướng về quận Long Biên.

Càng lúc, tắc nghẽn càng trở nên nghiêm trọng. Các làn xe đều ken đặc xe cộ, kéo dài hàng cây số. Để thoát ách tắc, không ít tài xế đã ngang nhiên điều khiển xe tải vào lấn làn của xe máy, xe thô sơ khiến giao thông trên cầu thường trực nguy cơ TNGT.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, tình trạng ùn tắc tại khu vực cầu Thanh Trì diễn ra như “cơm bữa”, nhất là các khung giờ cao điểm từ 6h - 11h30 và 16h - 19h hàng ngày.

“Cầu Thanh Trì đang bị quá tải nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện thực tế lưu thông trên cầu bình quân hiện nay khoảng 120.000 xe/ngày đêm, trong khi đó, lưu lượng thiết kế của cầu chỉ là 15.000 xe/ngày đêm. Chỉ cần một va chạm nhỏ trên cầu sẽ dẫn tới ùn tắc ngay”, Trung tá Tuấn nói.

Không chỉ cầu Thanh Trì, nhiều năm qua, người tham gia giao thông trên đường Vành đai 3 trên cao cũng luôn ngán ngẩm trước tình trạng ùn tắc xuất hiện trên tuyến đường này.

Điển hình là đoạn từ Pháp Vân đến nút giao Trần Duy Hưng, vào các khung giờ cao điểm, ô tô từ đường trên cao dồn xuống liên tục xung đột với phương tiện ở đường dưới thấp khiến quá trình lưu thông trên cả hai tuyến đường đều bị cản trở.

Đặc biệt, tại nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi và Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến, giao thông luôn trong tình trạng nghẹt thở khi những xe container, xe tải trọng lớn và phương tiện cơ giới cá nhân từ hướng Đại lộ Thăng Long liên tục đổ ra để lên Vành đai 3 trên cao lưu thông ra khu vực phía Nam Thủ đô.

Số liệu khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho thấy, lưu lượng xe trên tuyến đường Vành đai 3 bình quân khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn.

“Đây là lý do khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Vành đai 3 thường xuyên xảy ra khi có các sự cố hoặc khi có sự gia tăng đột biến của phương tiện giao thông vào các dịp lễ, Tết”, đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội cho biết.

Theo ghi nhận trong gần 4 tháng qua khi cầu Thăng Long “đóng cửa” để sửa chữa mặt cầu, trục đường cầu Nhật Tân trở thành trục xương sống chính giúp hàng nghìn xe ô tô di chuyển về sân bay Nội Bài và các huyện phía Bắc TP Hà Nội.

Tình trạng này khiến các tuyến đường hướng về cầu Nhật Tân thường xuyên rơi vào cảnh ùn ứ. Việc qua khu vực cầu Nhật Tân giờ đây trở thành nỗi ám ảnh của nhiều lái xe vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều.

30 năm chưa xong Vành đai 3

Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Ngọc Long, nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ Thủ đô Hà Nội hiện nay xuất phát từ việc chậm trễ xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3 và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chưa được đầu tư.

Theo ông Long, đường Vành đai 3 Hà Nội được bắt đầu xây dựng đoạn tuyến đầu tiên từ cầu Thăng Long lên sân bay Nội Bài khoảng từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Nhưng đến 30 năm sau, vào năm 2010, tuyến đường Vành đai 3 mới xây dựng xong khoảng 57km. Trong khoảng thời gian đó, lưu lượng phương tiện tăng trưởng quá nhanh nên ùn tắc là điều khó tránh khỏi.

“Để giải quyết tình trạng lỗi nhịp của tuyến đường Vành đai 3, đặc biệt là sự quá tải trên cầu Thanh Trì và các tuyến trong nội đô, giải pháp lâu dài là chúng ta phải tức tốc làm đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội nhưng đến nay dự án này triển khai quá chậm trễ”, ông Long nhận định.

Thông tin với Báo Giao thông, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 1287 ngày 29/7/2011.

Theo đó, dự án có chiều dài khoảng 98km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km) và Bắc Ninh (21,2km). Dự án có quy mô 6 làn xe, tiến độ xây dựng trước năm 2020, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự án được xác định từ vốn ngân sách Nhà nước, ODA, từ khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua.

Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, các tuyến đường vành đai được tách thành các dự án độc lập theo từng địa phương. UBND các tỉnh, thành phố lập dự án, huy động nguồn vốn để đầu tư và là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nếu đầu tư theo hình thức PPP.

Tuy nhiên, sau khoảng 9 năm từ khi có quyết định, tiến độ triển khai đầu tư tuyến đường này không đáp ứng yêu cầu của quy hoạch nên nhiều tuyến đường đô thị phải đảm nhận chức năng vừa là đường đô thị vừa là tuyến đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh quá cảnh đi qua, dẫn tới ùn tắc giao thông, nhất là đường Vành đai 3 Hà Nội.

Trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2021

img

Do chậm đầu tư đường Vành đai 4 nên toàn bộ phương tiện qua Hà Nội đi các tỉnh đều phải đi đường Vành đai 3 dẫn đến tắc đường thường xuyên

Theo ông Huy, nguyên nhân dẫn tới việc chậm đầu tư tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn.

Đồng thời, nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội.

Ngoài ra, các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh, thành phố, chưa chú trọng đến giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông liên vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường.

“Do nhu cầu đầu tư đã quá cấp bách, để đảm bảo tính đồng bộ, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT triển khai thực hiện tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 2 tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Khi nào hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lúc đó, chúng ta mới có thông tin sơ bộ về cơ cấu nguồn vốn, thời gian xây dựng cụ thể của tuyến đường này”, ông Huy chia sẻ.

Về phía đơn vị chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đại diện Ban QLDA2 cho biết: “Đây là dự án quan trọng quốc gia, quy mô lớn và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kết nối liên vùng giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh xung quanh.

Hiện nay, chúng tôi đang rốt ráo tiến hành nghiên cứu, rà soát, cập nhật số liệu để sớm hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự kiến, trong năm 2021, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án sẽ hoàn thành để Bộ GTVT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án này”.

Ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI:
Chậm triển khai do nguồn lực quá lớn

img

Việc triển khai xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội quá chậm do nguồn lực quá lớn.

Ngay cả đoạn tuyến đi qua địa phận Thủ đô Hà Nội đoạn từ QL32 đến QL6, trước đây Hà Nội đã giao TEDI nghiên cứu đến bước thiết kế kỹ thuật để triển khai đầu tư bằng hình thức BT nhưng cũng không thể thực hiện được.

Rồi đoạn từ QL6 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được chia thành nhiều đoạn tuyến riêng lẻ để kết nối cũng phải dừng lại do điều kiện về thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT phức tạp, khó khăn.

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tuyến đường được dự báo có lượng xe rất lớn, giảm bớt phương tiện đi qua trung tâm Hà Nội, tăng cường và kết nối liên vùng nên vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Bộ GTVT đảm nhiệm vai trò đầu tư tuyến đường này bằng nguồn ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, TP Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện đường Vành đai 3, đường Vành đai 3,5 và các tuyến đường đô thị để giải quyết tình trạng tắc nghẽn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.