Chiều 31/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
Sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tiến hành hội đàm cấp cao.
Quan hệ chặt chẽ giữa hai Đảng sẽ thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước
Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, trong cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh ngày 31/10, hai nước đã nhất trí tăng cường đối thoại chiến lược, nâng cao sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, hướng đến đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện lên tầm cao mới.
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết 13 văn kiện hợp tác về công tác đảng, kinh tế thương mại, bảo vệ môi trường, văn hóa và du lịch, tư pháp, hải quan và giữa các địa phương.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh - Xinhua
Với việc hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết một loạt văn bản hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các nhà phân tích cho rằng, động thái này thể hiện sự tin cậy chính trị ở mức độ cao và đặt nền tảng cho việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương trong tương lai giữa bối cảnh môi trường quốc tế ngày càng phức tạp.
Chia sẻ tới tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá, điều này thể hiện mối quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí, láng giềng, đối tác và bạn bè tốt đẹp.
Đồng thời, cũng có một truyền thống lâu đời rằng mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Toàn cảnh cuộc hội đàm. Ảnh - Xinhua
Báo Trung Quốc cũng dẫn lại chia sẻ của Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và đại dịch Covid-19, đang tác động tiêu cực, đa chiều đến tình hình kinh tế chính trị toàn cầu, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiếp tục nâng cao và làm sâu sắc hơn quan hệ Việt - Trung, củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ hai nước lên một giai đoạn phát triển mới”.
Bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của khu vực
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, điều chỉnh chiến lược phát triển và thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như y tế và chăm sóc sức khỏe, phát triển xanh, kinh tế số và biến đổi khí hậu.
Đối với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, việc tuân thủ đường lối chính trị đúng đắn là điều tối quan trọng, ông Tập Cận Bình nói.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho biết, Trung Quốc coi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng và là khu vực then chốt trong hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao, đồng thời coi trọng vai trò của Việt Nam trong ASEAN.
Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, ông Sun Xiaoying, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Quảng Tây nhận định, một trọng tâm trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hợp tác kinh tế và thương mại.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem các văn kiện hợp tác đã ký giữa hai bên sau hội đàm tại Bắc Kinh chiều 31/10. Ảnh - Xinhua
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua và Việt Nam vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số các thành viên ASEAN.
Thị trường tỷ dân của Trung Quốc mang lại cơ hội to lớn cho các ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản.
Mặt khác, Việt Nam không chỉ là thành viên chủ chốt của ASEAN mà còn là nền kinh tế quan trọng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận được Trung Quốc và các nền kinh tế chủ chốt khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 55,9 tỷ USD, tăng 37 lần so với năm 2002.
Vì vậy, cả Trung Quốc và Việt Nam đều có nhu cầu tăng cường quan hệ song phương mạnh mẽ bởi hai bên coi nhau là đối tác chiến lược quan trọng để thúc đẩy hơn nữa đà phục hồi và hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt khi thế giới đang ở trong tình trạng bất ổn nghiêm trọng, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nhận định của các nhà phân tích cho biết.
Trước chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trung Quốc và Việt Nam đã tổ chức cuộc họp lần thứ 11 của Ủy ban Hợp tác Kinh tế và Thương mại Trung Quốc - Việt Nam vào tháng 10, trong đó hai nước đã trao đổi quan điểm về hợp tác trong thương mại, đầu tư và chuỗi công nghiệp, đồng thời đạt được đồng thuận trong một số lĩnh vực kinh tế và thương mại chính của khu vực.
Ông Xu cũng lưu ý rằng trong những năm gần đây, Việt Nam đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ASEAN, và mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn giúp phục hồi kinh tế ở châu Á.
Các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc và Việt Nam đều là hai nước xã hội chủ nghĩa và đã khai phá thành công con đường phù hợp với điều kiện dân tộc mình nên dù gặp khó khăn, vướng mắc, cả hai đều có chung một mục tiêu là đưa chủ nghĩa xã hội theo kịp thời đại và chống chọi được với những tác động từ bên ngoài.
Và đây là lý do tại sao hai nước là "đồng chí, láng giềng, đối tác và bạn bè" có thể giải quyết các vấn đề một cách hòa bình và có chung niềm tin vào việc phục vụ nhân dân và bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của khu vực.
Chiều 31/10, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến 13 văn kiện đã được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm chính thức lần này, bao gồm:
- Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác hữu nghị giai đoạn 2022 - 2027 giữa Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị Đối ngoại nhân dân Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Tư pháp nước CHND Trung Hoa.
- Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa thành phố Hà Nội, Thủ đô nước CHXHCN Việt Nam và thành phố Bắc Kinh, Thủ đô nước CHND Trung Hoa.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Thương mại nước CHND Trung Hoa về tăng cường hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng Việt - Trung.
- Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước CHND Trung Hoa về xây dựng lĩnh vực ưu tiên hợp tác.
- Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực sinh thái và môi trường giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Sinh thái và Môi trường nước CHND Trung Hoa.
- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước CHND Trung Hoa về an toàn thực phẩm trong thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc.
- Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước CHXHCN Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam nước CHND Trung Hoa về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại.
- Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch nước CHND Trung Hoa giai đoạn 2023 - 2027.
- Bản ghi nhớ về tăng cường giao lưu hợp tác trong lĩnh vực tài sản nhà nước và doanh nghiệp nhà nước giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nước CHXHCN Việt Nam và Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước CHND Trung Hoa.
- Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nước CHXHCN Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước CHND Trung Hoa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận