Trên mạng xã hội hiện đang lan truyền thông tin và hình ảnh về sự việc một người đi xe máy ngược chiều trong phạm vi vỉa hè trước cửa tòa nhà chung cư cao cấp Imperia Garden, 203 Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) bị bảo vệ tòa nhà ra chặn bắt rồi lập biên bản phạt tiền 100.000 đồng.
Theo đó, biên bản sự việc được lập vào lúc 9h25 sáng 1/6. Người vi phạm là anh V., không phải cư dân sinh sống tại tòa nhà nói trên. Tại biên bản trên, đại diện Ban quản lý tòa nhà chung cư Imperia Garden đã lập phiếu thu đối với anh V. số tiền là 100.000 đồng với lý do “khắc phục vi phạm do đi ngược chiều”.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Công ty TNHH ADEN Services Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội, là đơn vị quản lý tòa nhà cho rằng, đây không phải là quyết định xử phạt mà phiếu khắc phục vi phạm, do đây là đường nội khu của chung cư thì tức là thuộc sở hữu riêng của toàn bộ cư dân tòa nhà. Nội quy này đã được Ban Hội nghị nhà chung cư thông qua.
Dưới góc độ pháp lý, mọi hành vi vi phạm hành chính đều có thể bị xem xét xử lý theo quy định. Các văn bản pháp luật có liên quan đưa ra các quy định bắt buộc để các chủ thể phải chấp hành trong các lĩnh vực xã hội, nếu ai vi phạm thì sẽ phải chịu chế tài là xử phạt, bồi thường, khắc phục hậu quả. Đáng chú ý, chỉ duy nhất các cơ quan có thẩm quyền hành chính mới có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Tất cả các chủ thể còn lại không có chủ thể nào được xử phạt vi phạm hành chính.
Riêng với những hành vi vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị thì các thành viên trong cơ quan, đơn vị đó sẽ bị xử lý theo quy định của nội quy, quy chế. Tuy nhiên, nội quy, quy chế đó cũng không được trái quy định của pháp luật.
Trong khi đó, với các quy định của pháp luật do Nhà nước ban hành thì áp dụng chung cho tất cả mọi công dân. Còn nội quy, quy chế thì chỉ áp dụng có tính chất nội bộ trong khu vực, cơ quan, đơn vị với những đối tượng là những người thuộc tổ chức, cơ quan, đơn vị đó. Đây là những quy tắc Hiến định, là nguyên tắc áp dụng pháp luật chung trong hệ thống pháp luật.
Thời gian gần đây không ít trường hợp các cơ quan, đơn vị, khu chung cư đã tự ý ban hành những quy định nội bộ nhưng lại áp dụng chung cho tất cả mọi người, mọi công dân, thậm chí tự đưa ra chế tài xử phạt, tự đưa ra mức phạt, tự đưa ra trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính như hoạt động lập pháp, hoạt động tư pháp của Nhà nước. Hoạt động tùy tiện như vậy là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nếu không vì lợi ích chung, không có một trong số các yêu tố tích cực (thu tiền xung công quỹ để sử dụng chung) thì hành vi này có thể được xác định là hành vi cưỡng đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật... Bởi bản chất của những hành vi này là không đúng trình tự, thủ tục, không đúng thẩm quyền, không có căn cứ theo quy định pháp luật, thực hiện các công việc, những quyền hạn mà chỉ có các cơ quan chức năng mới được phép thực hiện...
Trong vụ việc nêu trên, chính quyền địa phương cần vào cuộc làm rõ các quy định của khu chung cư này, yêu cầu hủy bỏ các quy định trái pháp luật và trả lại tài sản cho công dân. Trường hợp các đơn vị tự quản tự ý thu tiền trái pháp luật, không trả lại tiền cho công dân khi được yêu cầu thì hành vi này là chiếm giữ trái phép tài sản. Hành vi này có thể bị xem xét xử lý hành chính, thậm chí có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu sự việc đến mức độ nghiêm trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận