Chủ yếu đầu tư công
Theo Bản đồ đường sắt tốc độ cao thế giới năm 2023, Tây Ban Nha là nước đứng đầu châu Âu, đứng thứ 2 thế giới về số km đường sắt tốc độ cao.
Có được kết quả này, Tây Ban Nha đã phải trải qua một hành trình đầu tư dài với không ít khó khăn.
Theo thông tin của Báo Giao thông, Tây Ban Nha đã "bắt tay" hiện đại hóa đường sắt từ cuối những năm 1980 với quyết định đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên (được gọi là AVE - Alta Velocidad Española).
Tuyến đường sắt này được xây dựng nhằm phục vụ Thế vận hội Olympic Barcelona và Triển lãm Seville 92.
Việc đầu tư tuyến đường sắt này của Tây Ban Nha gây khá nhiều tranh cãi nguyên nhân do Chính phủ nước này quyết định đầu tư đường ray khổ1.435mm cho phép kết trực tiếp với hệ thống của Pháp trong khi thời điểm đó, mạng lưới đường sắt ở Tây Ban Nha đang sử dụng khổ đường ray 1.668mm.
Sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên khai thác vào năm 1992,Tây Ban Nha tiếp tục chủ trương đầu tư lớn vào đường sắt tốc độ cao với mục đích rõ ràng "đảm bảo thời gian di chuyển từ Thủ đô Madrid tới tất cả các trung tâm khác đều dưới 4 giờ".
Bộ GTVT Tây Ban Nha cho biết Chính phủ nước này đã xây dựng các khung pháp lý để đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao theo phương thức PPP. Tuy nhiên, thực tế các dự án chỉ áp dụng hình thức đầu tư công. Nước này cũng chưa có ý định áp dụng phương thức PPP trong tương lai gần.
Công ty Quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt Tây Ban Nha (ADIF) cho biết thêm: Đoạn tuyến nối Tây Ban Nha với Pháp là dự án duy nhất áp dụng thử nghiệm đầu tư theo phương thức PPP nhưng không thành công. Chính phủ Tây Ban Nha sau đó đã buộc phải tiếp nhận lại và chuyển sang đầu tư công.
Về đầu tư đầu máy và toa xe, các doanh nghiệp vận tải tự đầu tư và kinh doanh từ nguồn vốn của doanh nghiệp.
Do nhu cầu kết nối nhanh giữa thủ đô Madrid với các trung tâm khác, đáp ứng lượng khách du lịch lớn nên hầu hết các tuyến đường sắt tốc độ cao tại Tây Ban Nha được thiết kế với tốc độ tối đa từ 300km/h đến 350km/h để vận chuyển riêng hành khách.
Việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu được đảm nhận bởi mạng lưới đường sắt thông thường.
Tuyến từ Perpignan đến Figueres (kết nối với Pháp) chạy hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng thuộc hệ thống đường sắt liên vận của Châu Âu. Tuyến này có vận tốc thiết kế 350km/h và khai thác tàu khách với tốc độ khoảng 310km/h, tàu hàng khoảng 160km/h, năng lực thông qua gồm 50 chuyến tàu khách và 10 chuyến tàu hàng/ngày.
Tại Tây Ban Nha, đường sắt tốc độ cao được điều hành bởi 4 trung tâm. Mỗi trung tâm phụ trách một số tuyến. Việc xây dựng biểu đồ chạy tàu hoàn toàn được tự động, khung giờ khai thác là từ 5h-24h, còn từ 0h-5h dành cho công tác bảo trì.
Trước lợi ích thấy rõ của phương thức vận tải này trong phát triển kinh tế, năm 2005, Tây Ban Nha triển khai đầu tư đường sắt tốc độ cao theo Kế hoạch chiến lược cơ sở hạ tầng giao thông - PETIT, tổng kinh phí lên tới 240 tỉ EUR nhằm xây dựng mạng lưới đường sắt tốc độ cao hiện đại đảm bảo 90% dân số có thể tiếp cận nhà ga đường sắt tốc độ cao trong bán kính tối đa 50km,
Làm chủ công nghệ và xuất khẩu
Tuy phát triển mạng lưới đường sắt tốc độ cao nhanh như vậy nhưng những tuyến đầu tiên, Tây Ban Nha cũng không tự "sản xuất" được mà phải nhập khẩu công nghệ.
Theo đó, Tây Ban Nha đã sử dụng công nghệ của Pháp đối với phần phương tiện, của Đức đối với phần thông tin tín hiệu theo khung tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên, các thỏa thuận bao gồm rằng ít nhất 80% vật liệu phải được sản xuất ở Tây Ban Nha để có lợi cho ngành công nghiệp quốc gia.
Sau 10 năm, Tây Ban Nha đã làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao và đến nay đã xuất khẩu, chuyển giao sang nhiều nước. Hiện nay, Tây Ban Nha có hai tập đoàn sản xuất đầu máy, toa xe là CAF và TALGO với các sản phẩm đầu máy sử dụng cả công nghệ động lực phân tán và động lực tập trung; hệ thống đường sắt tốc độ cao của Tây Ban Nha hiện có các đoàn tàu sử dụng cả hai công nghệ này.
Hệ thống thông tin tín hiệu cơ bản sử dụng theo tiêu chuẩn vhâu Âu (ETCS) và hiện đang đi đầu trong việc tích hợp, điều chỉnh để chuyển đổi sang hệ thống quản lý giao thông đường sắt châu Âu ERTMS, đảm bảo bất kể đoàn tàu của quốc gia châu Âu nào cũng có thể vận hành trên hạ tầng đó.
Hơn nữa, Tây Ban Nha có nền công nghiệp đường sắt phát triển và xuất khẩu trên thị trường quốc tế (Anh, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arab Saudi, Ấn Độ, Mexico, Mỹ, Latvia, Estonia,...). Thế mạnh là chế tạo các bộ ghi có tốc độ theo hướng thẳng đạt 350km/h, theo hướng rẽ đạt 220km/h, thiết bị đặt ray trên nền đá balat khoảng 2km/ngày…
Chiều dài đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) của Tây Ban Nha đang khai thác là 3.917km, trong đó:
- Tốc độ khai thác tối đa trên 200km/h gồm 11 tuyến, chiều dài 691km, chiếm 18% tổng chiều dài ĐSTĐC.
- Tốc độ khai thác tối đa trên 250km/h gồm 03 tuyến, chiều dài 794km, chiếm 20% tổng chiều dài ĐSTĐC.
- Tốc độ khai thác tối đa trên 300km/h gồm 12 tuyến, chiều dài 1.944km, chiếm 62% tổng chiều dài ĐSTĐC.
Như vậy, xu hướng chủ đạo của ĐSTĐC của Tây Ban Nha có tốc độ khai thác trên 250km/h chiếm 82%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận