Phá thế độc đạo, mở tuyến đường du lịch
Một buổi sáng cuối tháng 2, đi dọc tuyến đường ven biển Ninh Thuận, PV Báo Giao thông không khỏi ngỡ ngàng với phong cảnh tuyệt đẹp núi non hùng vĩ, một bên là núi đá Vườn Quốc gia Núi Chúa, một bên là vực sâu với nước biển xanh ngút tầm mắt.
Phía xa là những hòn đảo như tô thêm vẻ đẹp tựa như chốn “bồng lai, tiên cảnh”.
Tuyến đường ven biển Ninh Thuận nhìn từ trên cao
Là người đồng hành trong chuyến đi cùng PV, anh Phạm Hoàng (Biên Hòa, Đồng Nai) trầm trồ trước cung đường đẹp này.
Thấy cảnh núi non, biển xanh ngát, ngồi trên xe anh còn mở máy điện thoại livestream cho người thân tận Biên Hòa xem cùng.
“Vào các dịp nghỉ lễ, gia đình cũng hay đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa khi nào được đi tuyến đường ven biển với cảnh đẹp hoang sơ như thế này. Những chuyến du lịch sắp tới, tôi nhất định đưa gia đình cùng trải nghiệm”, anh Hoàng nói.
Dọc tuyến đường ven biển bố trí nhiều điểm check-in để du khách nghỉ ngơi thư giãn, ngắm cảnh
Trên tuyến có nhiều điểm cho tài xế dừng chân nghỉ ngơi khi vượt đèo, check - in vẻ đẹp của vịnh Vĩnh Hy. Dọc đường, du khách có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt những resort, homestay, các dự án du lịch đang xây dựng…
Khi đi qua cung đường núi, biển đến địa phận huyện Ninh Hải là những cánh đồng nho tấp nập du khách tham quan và mua nho tại vườn.
Vừa cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm tại một điểm dừng chân tại vịnh Vĩnh Hy, chị Phạm Thị Yến, du khách TP.HCM cho hay, gia đình chị đi du xuân muộn vì tránh cảnh đông đúc dịp Tết.
“Từ khi có đường ven biển, mỗi khi có dịp đi qua Ninh Thuận, thay vì đi QL1 tôi đều đi đường ven biển để lưu lại những tấm ảnh có view rất đẹp ở vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái. Nhiều tỉnh, thành dọc đất nước đều có đường ven biển nhưng với tôi đoạn Cà Ná - Bình Tiên là đẹp nhất”, chị Yến nói.
Ghé thăm vườn nho ven đường, chị Nguyễn Thị Vân, quản lý vườn nho Lang Phượng (huyện Ninh Hải) cho hay, trước kia đường nhỏ hẹp, vườn nho nhà chị chủ yếu bán cho thương lái đến thu mua, dù ổn định nhưng giá cả bấp bênh.
“Từ khi mở đường lớn, khách du lịch rất đông, người dân ven đường đã có hướng kinh doanh mới, mời khách tham quan và tự tay cắt nho tại vườn. Lượng khách đông hơn, cuộc sống khá hơn trước, ngoài nho tại vườn bà con còn giới thiệu các mặt hàng như nho sấy khô, rượu nho, sirô nho… tất cả đều rất đắt hàng”, chị Vân khoe.
Một bên núi dựng đứng, một bên là biển với vực sâu
Đôi bạn trẻ chụp ảnh lưu niệm trên đường ven biển
Để mở đường băng ngang núi và thời tiết bất lợi ở Ninh Thuận, địa chất phức tạp, ít ai biết, các đơn vị thi công phải băng rừng vượt núi hiểm trở, thi công lưng chừng núi với nhiều khó khăn, thử thách.
Nhớ lại thời điểm bạt núi thi công mở đường ven biển, ông Nguyễn Trường Tiên, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Cầu đường NewSun (hiện đang thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) cho biết, năm 2014, ông là chỉ huy trưởng mũi thi công thuộc Liên danh nhà thầu Đồng Tâm - Liên Minh, phụ trách thi công đoạn Phú Thọ - Mũi Dinh.
Đây là đoạn bắt đầu tuyến kết nối Cam Ranh (Khánh Hòa) với huyện Ninh Hải (Ninh Thuận). Việc nổ mìn phá đá hàng chục nghìn khối kéo dài hàng năm trời.
Điều kiện thời tiết thi công rất khắc nghiệt, đúng với câu “Nắng như rang, gió như phang” ở Ninh Thuận, nhiều lúc mưa gió sạt lở liên tục xảy ra. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo tiến độ, công tác an toàn lao động phải đặt lên hàng đầu.
“Để đảm bảo an toàn thi công nổ mìn phá đá, chúng tôi phải làm thận trọng, vừa canh thời tiết vừa thi công. Khối lượng đất đá lớn, nhà thầu phải làm liên tục, thi công cuốn chiếu trong hai tháng liền tránh mưa lũ, sạt lở”, ông Tiên nhớ lại.
Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận (nguyên Trưởng phòng Dự án 1, Ban QLDA thuộc Sở GTVT - phụ trách dự án đường ven biển) nhớ lại, dự án đường ven biển là công trình trọng điểm của tỉnh, quá trình thi công rất khó khăn.
Bài toán đầu tiên phải giải quyết là phương án thi công xẻ núi mở đường, là việc không hề đơn giản. Thời điểm đó, khi lãnh đạo tỉnh, Sở GTVT, Ban QLDA phải đi ca nô trên biển khảo sát hướng tuyến, lập phương án thi công, giải bài toán lớn đặt ra là làm thế nào để thi công an toàn giữa một bên là núi dựng đứng và một bên là biển với vực sâu.
Sau khảo sát, các đơn vị tư vấn thiết kế phải luồn rừng cắm cọc mốc hướng tuyến, các thiết bị máy móc đo đạc phải khiêng vác lên những mỏm núi cao ngất, nguy hiểm giữa thời tiết oi bức, gió khắc nghiệt.
Cũng theo ông Tân, một khó khăn khác là khối lượng nổ mìn, phá đá cực lớn với chiều dài hơn 40km đi lưng chừng núi. “Có lần đang khoan đá thì gặp mưa lớn, lũ cuốn phăng hai rô bốt đang khoan đá rơi xuống biển sâu. Do mực nước ước tính sâu hơn 5.000m nên các thợ lặn giỏi nhất cũng đành lắc đầu chịu thua”, ông Tân nhớ lại.
Trên tuyến có cầu An Đông dài hơn 1km (kết cấu dây văng ESTRADOS), vị trí thi công lại nằm ngay cửa sông Dinh đổ ra biển, dòng nước chảy xiết cản trở tiến độ thi công. Điều đáng nói địa chất lòng sông sâu và gặp đá cứng nên nhà thầu phải khoan nhiều lần xuống độ sâu gần 50m, cứ khoảng 5m là gặp đá cứng.
“Nhiều lần khoan trúng đá cứng, thợ khoan chưa có kinh nghiệm nên gãy mũi khoan, mất mấy ngày để xử lý”, ông Tân kể và cho hay, với sự cố gắng quyết tâm cao nhất, công trình đã thông xe vào dịp tháng 4/2015.
Sau khi tuyến đường này hoàn thành đã mở ra không gian phát triển du lịch, đánh thức tiềm năng kinh tế biển của tỉnh nghèo Ninh Thuận. Dọc tuyến là những resort cao cấp, khu du lịch… tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân.
Tuyến đường ven biển tỉnh Ninh Thuận có tổng chiều dài 106,4km, tổng mức đầu tư hơn 4.551 tỷ đồng. Dự án đường ven biển được chia làm 8 dự án thành phần.
Điểm đầu tuyến giao với QL1 tại xã Công Hải, huyện Thuận Bắc tiếp giáp với tỉnh Khánh Hòa. Điểm cuối tuyến giao với QL1 tại xã Cà Ná, huyện Thuận Nam gần ranh giới tỉnh Bình Thuận.
Đầu tháng 1/2023, tuyến đường ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận được đặt tên là đường Võ Nguyên Giáp, có chiều dài 44km, điểm đầu tiếp giáp đường Yên Ninh, TP Phan Rang - Tháp Chàm và điểm cuối kết nối QL1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận