Y tế

Bệnh vẩy nến khiến nhiều người trầm cảm

21/11/2024, 18:06

Nhiều người bệnh không tuân thủ điều trị, khiến căn bệnh vẩy nến vốn lành tính trở nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống. Không ít người trầm cảm, thậm chí có ý định từ bỏ cuộc sống vì căn bệnh này.

Trầm cảm vì bệnh kéo dài

Bước vào tuổi 17, trên cánh tay em N.T.D (Bắc Ninh) bỗng nổi các mảng đỏ, sần sùi, sau đó khô lại, đóng vẩy trắng, ngứa ngáy. Đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, D được chẩn đoán mắc bệnh vẩy nến thể mảng. Dùng thuốc uống kết hợp bôi, bệnh của D đỡ hơn.

Bệnh vẩy nến khiến nhiều người trầm cảm- Ảnh 1.

Những mảng tổn thương do bệnh vẩy nến khiến người bệnh dễ mặc cảm (ảnh minh họa).

Điều trị được hơn năm, sốt ruột vì mảng vẩy nến xuất hiện thêm ở vùng mặt, D thử dùng loại thuốc gia truyền do người quen mách. Đáng tiếc, bệnh không thuyên giảm, D bị biến chứng, vảy nến bùng phát toàn thân kèm viêm khớp vảy nến khiến ngón chân, tay lúc nào cũng đau nhức. Lúc này gia đình vội đưa D quay trở lại bệnh viện điều trị.

Theo mẹ D, khi bệnh trở nặng, em gần như sống khép kín, lúc nào cũng buồn bực. Bác sĩ cho hay, em có dấu hiệu của trầm cảm nên ngoài chữa bệnh, D còn được tư vấn tâm lý.

Trong khi đó, anh L.T.T (38 tuổi, Hà Nội) đã sống chung với bệnh vảy nến 20 năm. Theo lời anh, thời gian đầu dùng thuốc theo đơn, phần vẩy nến loang lổ vùng ngực và cánh tay có giảm bớt. Nhưng do kinh tế khó khăn, thay vì định kỳ thăm khám, anh T tự ý dùng thuốc, khi thì theo đơn thuốc cũ, lúc lại dùng thuốc dân gian.

Chính việc này khiến bệnh trở nặng, toàn thân da viêm đỏ, bong tróc vảy trắng. Các khớp ngón chân, tay biến dạng, đau nhức vì viêm sưng, thường phải dùng thêm thuốc giảm đau. Thu nhập ít ỏi từ công việc tự do, cộng thêm bệnh trở nặng, chi phí điều trị tốn kém khiến anh T thấy mệt mỏi, chán nản.

Không thể chữa khỏi hoàn toàn

BS Nguyễn Thị Hà Vinh, Phó trưởng khoa điều trị nội trú ban ngày, BV Da liễu Trung ương cho hay, vẩy nến là bệnh mạn tính, liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể, yếu tố di truyền và môi trường. Bệnh thường xuyên tái phát.

Hiện các phương pháp điều trị chỉ giúp kiểm soát triệu chứng, chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ chỉ định của bác sĩ sẽ giúp kiểm soát bệnh, hạn chế tái phát.

Nếu bệnh không được điều trị kịp thời và đúng cách dễ tiến triển sang các thể nặng hơn như đỏ da toàn thân, viêm khớp vẩy nến gây đau, sưng, cứng khớp, biến dạng khớp vĩnh viễn. Người bệnh cũng dễ mắc thêm đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, nguy cơ tim mạch.

Theo BS Phạm Thị Uyển Nhi, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh vẩy nến. Do bệnh gây tổn thương da từng mảng, da đỏ, sần sùi càng làm cho người bệnh mất tự tin khi giao tiếp, vui chơi giải trí.

Đặc biệt, trẻ em, thanh thiếu niên càng dễ bị tổn thương, khó cân bằng cảm xúc, khó khăn trong học tập. Người bệnh còn phải đối mặt với áp lực về kinh tế khi chi phí điều trị khá cao và kéo dài. Tất cả những điều này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Cần chú ý điều gì?

BS Nguyễn Thị Tuyến, Khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho rằng, người bệnh vẩy nến dễ bị các vấn đề như thiếu tự tin, đôi khi cô lập xã hội, bị phân biệt đối xử, giảm cơ hội trong công việc, giao lưu xã hội. Thậm chí, nhiều trường hợp nặng có thể trầm cảm, có ý định tự tử.

Theo BS Hà Vinh, người bệnh vẩy nến có kèm trầm cảm, ngoài việc điều trị vẩy nến, còn cần được ổn định tâm lý với sự phối hợp của bác sĩ và gia đình. Các bác sĩ hướng dẫn người bệnh tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân vẩy nến; dành nhiều thời gian trò chuyện, thăm hỏi với người bệnh; đồng thời khuyến khích người thân của họ đồng hành, nâng đỡ tinh thần giúp người bệnh suy nghĩ tích cực hơn.

BS Hà Vinh cũng khuyến cáo, nếu được chẩn đoán bị vẩy nến, bệnh nhân cần giữ được tinh thần ổn định, không lo lắng quá mức, không tự ý uống thuốc mà cần theo hướng dẫn của bác sĩ.

"Duy trì tái khám định kỳ rất quan trọng với bệnh nhân vẩy nến, bởi một số loại thuốc điều trị gây tác dụng phụ lên gan, thận. Qua đó, các bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc phù hợp với từng giai đoạn bệnh, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Để kiểm soát bệnh tốt hơn, các bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, giữ vệ sinh da, thân thể, tránh để da bị khô, tổn thương, không hút thuốc lá, rượu bia; có chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt phù hợp", BS Vinh thông tin thêm.

Hiện nay, có nhiều phác đồ để điều trị vẩy nến hiệu quả, như thuốc thoa cổ điển; liệu pháp ánh sáng; thuốc toàn thân như các thuốc ức chế miễn dịch và mới nhất là thuốc sinh học.

Trong đó, thuốc sinh học là bước tiến mới trong điều trị vẩy nến vì kiểm soát các triệu chứng tốt, nhanh và ít tác dụng phụ hơn. Tùy thuộc mức độ bệnh, diện tích cơ thể bị ảnh hưởng, bệnh lý kèm theo, mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, điều kiện kinh tế của từng người bệnh, bác sĩ sẽ vấn phương pháp điều trị phù hợp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.