Tài chính

“Biến nguy thành cơ”, bản lĩnh doanh nghiệp thời Covid

03/02/2022, 06:38

Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã thể hiện bản lĩnh, không những trụ vững mà còn tăng trưởng khá mạnh.

Bí quyết nào đã giúp họ vươn lên trong gian khó?

Ông Nguyễn Văn Khoa (Tổng giám đốc FPT):
Tăng trưởng nhờ nền tảng số

img

Ông Nguyễn Văn Khoa

Cũng giống như các lãnh đạo doanh nghiệp, tôi cũng có rất nhiều mối lo, làm sao bảo vệ sức khỏe cho hơn 40.000 cán bộ nhân viên của mình, làm sao đảm bảo văn phòng FPT hoạt động trên 27 quốc gia được thường xuyên, liên tục và quan trọng hơn nữa là giữ được công việc, không để họ mất việc. Kết quả cuối cùng là chúng tôi đảm bảo phần sản xuất được liên tục, không bị gián đoạn.

Trong giai đoạn sau khi dịch bệnh thuyên giảm, chúng tôi tổ chức, ra quyết định rất khoa học. Các khu vực làm việc được chia theo màu, theo nhóm công việc để làm sao thu nhỏ hẹp nhất khu vực làm việc, không gian làm việc của các nhóm. Nhờ vậy đã giúp chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng trong các tình huống hiểm nguy.

Với một nền tảng số tốt, chúng tôi chuyển toàn bộ môi trường làm việc tại văn phòng được bảo mật, được quy trình hóa, được sắp xếp mọi thứ theo lịch làm việc, mang môi trường ấy về nhà. Tất cả mọi hoạt động của chúng tôi, tìm mọi cách, mọi ý tưởng sáng tạo để không sử dụng giấy.

Chúng tôi đã áp dụng và đưa vào rất nhiều giải pháp của FPT để giải quyết một cách quyết liệt, đó là hợp đồng điện tử, là hóa đơn điện tử, giao việc điện tử, nhận việc điện tử và trong thời gian giãn cách, khi chúng tôi làm việc cao điểm, 85% làm việc tại nhà thì chúng tôi đã tăng được 15% năng suất.

Ngoài ra, trong việc chăm sóc khách hàng, chúng tôi đặt ra tiêu chí, giãn cách càng xa thì phải dùng dữ liệu để kết nối khách hàng lại gần thông qua tương tác tại nhà, tại cửa hàng sang không gian số. Cụ thể, chúng tôi đã chuyển được hơn 8 triệu, thậm chí 9 triệu văn bản/giao dịch trước đây là giao dịch trực tiếp, giờ đây đã chuyển sang giao dịch số, sử dụng nền tảng số.

Trong năm qua, chúng tôi có hơn 2.500 sáng kiến mới được triển khai xuyên suốt tập đoàn và những sáng kiến này đã giúp chúng tôi tăng thêm gần 30% năng suất lao động.

Kết quả tới cuối năm 2021, doanh thu của tập đoàn FPT đã tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và chúng tôi đã có thêm 16 dự án mới, có những dự án quy mô chục triệu USD đã được chúng tôi ký kết trong thời gian mà dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam.

Ông Lê Mạnh Hùng (Tổng giám đốc PVN):
Trách nhiệm với đất nước trong giai đoạn khó khăn

img

Ông Lê Mạnh Hùng

Hai năm qua, đối với ngành dầu khí Việt Nam, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển dưới “tác động kép” của đại dịch và giá dầu diễn biến bất thường, đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả 5 lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính.

Trước tình hình đó, với phương châm hành động xuyên suốt năm 2020 là: “Quản trị biến động - Tối ưu giá trị - Đẩy mạnh tiêu thụ - Nỗ lực vượt khó - Nắm bắt cơ hội - An toàn về đích” và năm 2021 là: “Quản trị biến động - Tối đa giá trị - Mở rộng thị trường - Tận dụng cơ hội - Liên kết đầu tư - Phục hồi tăng trưởng”; Tập đoàn đã tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả Gói giải pháp đồng bộ với 5 nhóm giải pháp cụ thể về quản trị, tài chính, đầu tư, thị trường và cơ chế chính sách.

Kết quả, năm 2020, trong khi hoạt động của nhiều công ty dầu khí lớn trên thế giới lâm vào khó khăn, hoạt động đình đốn, thua lỗ, thậm chí phá sản, xa thải công nhân thì Petrovietnam là một trong số ít các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới có lãi. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 566.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 83.000 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 19.900 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2021, trước đà suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ dầu khí hiện hữu sau thời gian dài khai thác và công tác đầu tư phát triển mỏ mới gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, việc duy trì và hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác là thách thức rất lớn với Petrovietnam.

Mặc dù vậy, Tập đoàn đã tập trung nỗ lực ứng dụng các giải pháp khoa học, kỹ thuật, công nghệ, áp dụng nhiều giải pháp nâng cao thu hồi dầu...

Tới cuối năm, sản lượng khai thác dầu đạt khoảng 10 triệu tấn, vượt 2,5% kế hoạch; sản xuất đạm, xăng dầu, các sản phẩm dầu khí khác cũng bám sát kế hoạch, hướng tới hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Lũy kế 11 tháng 2021, Petrovietnam nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 84.7000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Cũng trong năm 2021, Petrovietnam đã dành gần 1.000 tỷ đồng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đóng góp vào Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 hơn 554 tỷ đồng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương các trang thiết bị, vật tư y tế giá trị như máy thở, xe cứu thương... nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group):
Sải bước vững chắc trên đường xa vạn dặm

img

Ông Nguyễn Đăng Quang

Với hơn 30 nhà máy sản xuất cùng hệ thống hơn 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+ trên cả nước, Masan đối mặt với không ít khó khăn.

Nỗ lực vượt thách thức, đảm bảo chuỗi cung ứng, Masan Group và các công ty thành viên đã xây dựng nhiều kịch bản ổn định vận hành, tăng lượng cung ứng và dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân trong mọi diễn biến của dịch bệnh.

Năm 2021, Masan cũng thực hiện nhiều bước đi chiến lược quan trọng. Theo đó, không dừng lại ở mô hình bán lẻ cung cấp nhu yếu phẩm thuần túy, tầm nhìn của của Masan là xây dựng một nền tảng “Point Of Life” đáp ứng các nhu cầu về nhu yếu phẩm, tài chính, y tế, dịch vụ số, giáo dục, giải trí…. những lĩnh vực đang chiếm đến 80% ngân sách của người tiêu dùng. Đây sẽ là nền tảng xuyên suốt từ “offline” đến “online” giúp khách hàng tận hưởng cùng một trải nghiệm vượt trội dù đang ngồi tại nhà hay mua sắm các cửa hàng.

Tăng tốc xây dựng nền tảng “Point Of Life”, Masan thu hút vốn đầu tư nước ngoài và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Đơn cử, chỉ sau hơn 1 năm thành lập, The CrownX (hệ sinh thái Tiêu dùng - Bán lẻ hợp nhất Masan Consumer Holding và Wincommerce), đến nay đã thu hút nguồn vốn hơn 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

Về phía các doanh nghiệp Việt, tháng 5/2021, Masan mua lại 20% Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage, thử nghiệm mô hình kiosk Phúc Long tại VinMart+.

Tháng 9/2021, Masan tiếp tục mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast - đơn vị sở hữu mạng di động Reddi, bước đầu “lấn sân” sang lĩnh vực viễn thông. Masan cũng hợp tác với Techcombank, Phano Pharmacy tích hợp dịch vụ tài chính và quầy dược phẩm vào các cửa hàng VinMart+.

Masan đã thí điểm các cửa hàng CVLife theo mô hình mini-mall tại Hà Nội và TP.HCM. Tại đây khách hàng có thể mua nhu yếu phẩm (VinMart+), giao dịch tài chính (Techcombank), thưởng thức trà - cà phê (Phúc Long), mua dược phẩm (Phano Mart) và sử dụng tại dịch vụ số (mạng di động Reddi) ngay tại một địa điểm. Bên cạnh đó, tính đến cuối tháng 11, gần 400 kiosk Phúc Long đã được tích hợp vào VinMart+ tại 13 tỉnh thành.

Đường xa vạn dặm. Khai trương những cửa hàng CVLife đầu tiên, chúng tôi đang tiến những bước nhỏ đầu tiên trên con đường đã chọn. Chúng tôi tin rằng, từ đây, Tập đoàn Masan sẽ sải những bước dài vững chắc trên hành trình phụng sự người tiêu dùng Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.