Vận tải

Bộ GTVT đối thoại DN vận tải: Sở được cấp phép xe siêu trường

21/07/2015, 13:37

Chưa bao giờ khối lượng các kiến nghị của DN lại được trả lời và giải quyết nhanh như vậy.

11
Cách trả lời rõ ràng, thẳng thắn của Bộ trưởng Đinh La Thăng đã thực sự khiến các doanh nghiệp vận tải tin tưởng vào một môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. (Ảnh chụp tại Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tuấn

Tất cả các câu hỏi, kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp (DN) tại Hội nghị đối thoại với các DN vận tải diễn ra sáng 20/7 tại Bộ GTVT đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng và các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT trả lời thấu đáo. Chưa bao giờ khối lượng các kiến nghị của DN lại được trả lời và giải quyết nhanh như vậy.

Nên bỏ việc xác nhận hai đầu tuyến

Ngay đầu cuộc họp, một vấn đề thời sự trong lĩnh vực vận tải hiện nay là việc thực hiện quy hoạch tuyến vận tải đã được nhiều doanh nghiệp (DN) đề cập. Một số DN kiến nghị, đã có quy hoạch rồi lẽ ra DN cứ đăng ký là được tham gia sao vẫn phải xin phép chấp thuận của cơ quan quản lý hai đầu tuyến?

Khi được Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cho biết ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội lập tức bác bỏ kiến nghị nêu trên. Theo ông Linh, quy hoạch rồi nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước, sự thống nhất giữa các Sở GTVT, bởi đây là đầu mối cuối cùng để quản lý xem các DN có chạy đúng quy hoạch, biểu đồ hay không.

Bộ trưởng yêu cầu các Thứ trưởng theo lĩnh vực được phân công phụ trách, trực tiếp cùng với các cơ quan của Bộ trong tháng 7 phải giải quyết các vấn đề liên quan được nêu tại hội nghị này bằng văn bản. Bộ trưởng cũng yêu cầu các Vụ, Cục, Tổng cục tiếp tục lắng nghe, tiếp tục cung cấp đường dây nóng để các cơ quan, các đơn vị có liên quan phản ánh để trực tiếp xử lý…”

Khi được Bộ trưởng chất vấn: “Doanh nghiệp đã đăng ký vào tuyến theo quy hoạch mà hai Sở GTVT đầu tuyến thống nhất có cần xin xác nhận nữa không?”. Ông Linh trả lời: “Vẫn cần xác nhận để quản lý, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng không biết tuyến đó đã hết hay còn công suất”.

Trước ý kiến của ông Linh, Bộ trưởng nói ngay: “Nếu thế chỉ cần các DN đăng ký với Sở GTVT chứ không cần xác nhận. Trên tuyến quy hoạch 100 xe khi đã đủ 100 xe thì dừng không cho tham gia nữa. Như vậy DN không cần phải xin giấy xác nhận của Sở nữa”.

Cho biết thêm quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch luồng tuyến mà Bộ GTVT ban hành chính là mục tiêu xoá bỏ quy định chấp thuận tuyến. Nếu bỏ quy định phải có sự chấp thuận của hai Sở GTVT hai đầu tuyến sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều DN. Đây là mong muốn của nhiều DN để giảm bớt chi phí làm thủ tục chấp nhận tuyến.

Chốt lại vấn đề, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Khi có quy hoạch tuyến tức là đã có sự đồng thuận của cơ quan quản lý hai đầu tuyến. Vì thế không cần thiết phải có xác nhận của Sở mà DN chỉ cần đăng ký với hai sở GTVT nơi đi - nơi đến là được”.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên tiếp tục kiến nghị về việc cấp phù hiệu cho xe tăng cường giải phóng khách vào dịp cao điểm hiện nay cần được giải quyết tức thời thay vì DN phải có thủ tục trình Sở xem xét, phê duyệt. Theo ông Mạnh, cơ quan cấp phù hiệu cần bố trí một bộ phận thường trực tại điểm nóng bến xe để cùng DN giải quyết, giải phóng khách ngay.

Trước kiến nghị nêu trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý ngay. Vào dịp lễ, Tết, khi lượng khách tăng đột biến, cơ quan cấp phù hiệu phải trực tiếp cấp ở bến xe để giải quyết kịp thời.

12
Nhiều vấn đề nóng được các doanh nghiệp đặt câu hỏi

Ủy quyền cho Sở GTVT cấp giấy phép xe siêu trường, siêu trọng

Theo ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty CP Giao nhận vận tải Phương Lâm (Hải Phòng), hiện nay, việc xin cấp xe siêu trường, siêu trọng phải đến các Cục QLĐB nên mất thời gian từ 2 - 3 ngày trong khi chỉ được cấp với thời hạn 30 ngày. Vì thế, kiến nghị tiến tới cấp bằng điện tử và cấp thời hạn ba tháng.

Trả lời ông Phương, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thời gian qua Tổng cục đã chỉ đạo phân cấp việc này cho các Sở GTVT. Các Cục QLĐB chỉ cấp cho các phương tiện đi qua nhiều tỉnh.

Về phản ánh tình trạng vẫn tồn tại xe quá tải đầu vào cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh và kiến nghị phải kiểm soát ngay đầu vào thay vì chỉ kiểm soát đầu ra như hiện nay,  Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, vai trò của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh là hết sức quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức của hội viên để họ không chở quá tải, không vi phạm pháp luật.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề xuất ủy quyền toàn bộ việc này cho các Sở GTVT thực hiện. Theo đó, xe nằm trên địa bàn Sở nào, Sở đó cấp. Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN làm thủ tục ngay để các Sở cấp loại giấy phép này.

Liên quan đến kiến nghị của Giám đốc Công ty Mai Linh Kon Tum về việc cấp phù hiệu taxi mới phải sơn logo hai bên thành cửa xe trong khi đường nông thôn, va quệt rất nhiều nên đề nghị chỉ gắn logo, không gây tốn kém cho DN, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GTVT phải tự kiểm tra, không được gây khó cho DN.

Phát biểu từ đầu cầu Tây Nguyên, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Thống nhất Gia Lai bức xúc: “DN chỉ quản lý gián tiếp lái xe nhưng khi lái xe vi phạm tốc độ do TBGSHT, DN vẫn bị xử lý là không đúng người, đúng tội. DN không phải là “bảo mẫu”. Trước ý kiến này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN trả lời hội viên của mình.

Theo ông Thanh, Nghị định đã quy định trách nhiệm của DN là phải quản lý lái xe trên đường. “Nếu anh bảo không quản lý được lái xe, không nên làm vận tải nữa. Quan điểm của Hiệp hội là cần xử lý cả lái xe và DN làm kinh doanh vận tải, đơn vị có trách nhiệm quản lý vận tải”, ông Thanh cho biết.

Góp thêm ý kiến, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trách nhiệm của DN là ký hợp đồng với lái xe, không thể khoán trắng cho lái xe. Vì thế, cùng với xử lý người vi phạm trực tiếp cần phải xử lý DN quản lý vận tải.

Trước ý kiến của ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho rằng, hiện nay lực lượng kiểm tra tại các trạm kiểm soát tải trọng xe lại kiểm tra nhiều loại giấy tờ khác ngoài lỗi vi phạm tải trọng là không hợp lý, Đại tá Lê Xuân Đức, Trưởng phòng Tuần tra đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết: “Hiện có quy định lực lượng CSGT được kiểm tra bốn loại giấy tờ: GPLX, đăng ký xe, giấy kiểm định và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Ngoài ra, có thể kiểm tra các loại giấy tờ theo mật báo như xuất xứ hàng hóa… Vì vậy, việc kiểm tra tải trọng đồng thời kiểm tra các loại giấy tờ khác theo quy định là bình thường”…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng hoan nghênh và đánh giá cao sự ủng hộ của đại đa số các doanh nghiệp đối với các chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ trong việc siết chặt quản lý kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng xe. Đặc biệt, ngành GTVT năm nay thực hiện chủ trương: “Vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”. Do đó, các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ tiếp thu đầy đủ. Những kiến nghị trả lời trực tiếp sẽ có văn bản trả lời ngay trong ngày nhằm đem lại sự hài lòng, thuận lợi nhất cho DN.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.