Vận tải

Sẽ đấu thầu khai thác các tuyến vận tải khách liên tỉnh

09/07/2015, 06:35

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm 725 tuyến mới và sẽ đấu thầu khai thác.

 

Chỉ những tuyến vận tải có lưu lượng khách lớn mới
Chỉ những tuyến vận tải có lưu lượng khách lớn mới đấu thầu. Ảnh: Xuân Đoàn.

Bộ GTVT vừa ban hành Quyết định số 2288, phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh. Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm 725 tuyến mới. Đặc biệt, quy hoạch đưa ra giải pháp đấu thầu khai thác các tuyến vận tải liên tỉnh có lưu lượng lớn để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Quy hoạch gần 5 nghìn tuyến vận tải khách liên tỉnh

Quy hoạch chi tiết phải đáp ứng các tiêu chí trong quy hoạch định hướng tại Quyết định 4899, được ban hành năm 2014. Từ định hướng trên, quy hoạch chi tiết đến năm 2020 đã bổ sung thêm 725 tuyến mới trên cả nước và được phân bổ hợp lý cho các địa phương. Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2030, sẽ ưu tiên khai thác hiệu quả các bến xe xã hội hóa đã đầu tư xây dựng chưa đủ công suất và tổ chức các tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tỉnh đối với tuyến có thời gian giãn cách giữa các chuyến xe ngắn. Đặc biệt, căn cứ vào yêu cầu thực tế để bổ sung, điều chỉnh tiêu chí xây dựng quy hoạch chi tiết, danh mục tuyến, tần suất hoạt động trên mỗi tuyến phù hợp đảm bảo tổng lưu lượng vận chuyển hành khách tuyến cố định liên tỉnh toàn quốc đến năm 2030 đạt khoảng 48 nghìn chuyến/ngày.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), để thực hiện quy hoạch chi tiết này, sẽ có nhiều giải pháp mới được áp dụng như: Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng và ban hành mã số bến xe (kể cả các bến xe quy hoạch), mã số tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh để thống nhất quản lý. Bên cạnh đó, sẽ quản lý mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh bằng bản đồ số và tăng cường kiểm tra, giám sát thông qua thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT). Đối với các tuyến có tần suất khai thác lớn, giãn cách chạy xe bình quân 10-15 phút/chuyến, có cự ly dưới 100 km, khuyến khích chuyển dần sang vận tải hành khách bằng xe buýt liên tỉnh theo lộ trình…

Đây là một vấn đề khá mới mẻ, có thể tác động đến sự ổn định của các doanh nghiệp nên Bộ GTVT đang nghiên cứu rất kỹ, xây dựng tiêu chí rồi sẽ làm thí điểm trước khi thực hiện rộng rãi”.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ GTVT triển khai nghiên cứu, xây dựng công phu quy hoạch luồng tuyến và dự báo phát triển luồng tuyến, lưu lượng để triển khai thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình.

Đấu thầu tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ

Một điểm đáng chú ý tại quy hoạch là việc nghiên cứu triển khai đấu thầu khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có lưu lượng vận tải lớn, có nhiều doanh nghiệp vận tải cùng tham gia khai thác trên tuyến.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện nay việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải rất khó. Các doanh nghiệp sau khi tham gia kinh doanh thường hoạt động vĩnh viễn trên tuyến. Cũng một chiếc xe đó nhưng hoạt động 10-12 năm. Khi không hoạt động nữa, họ bán “lốt” cho doanh nghiệp khác. Vì tâm lý đó nên các đơn vị vận tải không chịu thay đổi, nâng cao chất lượng phục vụ.

Vì thế, để nâng cao chất lượng dịch vụ, cần nghiên cứu để đấu thầu khai thác tuyến dựa trên việc xây dựng tiêu chí của các tuyến đưa vào đấu thầu và căn cứ vào tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp.

“Cần lưu ý là không phải tất cả các tuyến đều có thể đấu thầu. Chỉ những tuyến có lưu lượng lớn và tần suất cao mới đấu thầu. Chất lượng dịch vụ sẽ dựa vào chất lượng phương tiện, lái xe, bộ máy quản lý… Từ đó sẽ định lượng để tính điểm, xếp hạng cho các doanh nghiệp làm cơ sở lựa chọn”, bà Hiền nói và cho biết, một tuyến vận tải có cả nhu cầu về chất lượng cao, chất lượng trung bình. Vì thế, không phải chỉ có doanh nghiệp chất lượng cao mới được tham gia đấu thầu tuyến. Trên cơ sở các tiêu chí nêu trên, cũng phải bảo đảm sự ổn định và phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế của nhân dân. Trong đó sẽ ưu tiên cộng điểm cho các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định trên tuyến.

Cũng theo bà Hiền, để tiến hành việc đấu thầu, sẽ tính toán về khả năng thu hồi khấu hao của doanh nghiệp (từ 3-5 năm) từ đó tính thêm thời gian có lãi (khoảng 7-8 năm tính từ khi đầu tư). Thay vì để các doanh nghiệp hoạt động vĩnh viễn trên tuyến, sau thời gian này sẽ tiến hành thu hồi và đấu thầu nhằm lập lại chất lượng dịch vụ. Khi đó, các doanh nghiệp mới, có chất lượng tốt hơn sẽ được tham gia đấu thầu với các doanh nghiệp cũ.

Trước ý kiến cho rằng, không thể coi luồng tuyến vận tải là một loại hàng hóa để mang ra đấu thầu, bà Hiền cho rằng, khi đã có một lượng hành khách đi lại ổn định và chắc chắn thì khai thác sẽ có hiệu quả cao, đó chính là một loại tài sản. Giá trị hàng hóa ở đây chính là giá trị được trả bằng tiền bởi một lưu lượng hành khách đi lại lớn.

Giá trị của luồng tuyến vận tải cũng như dịch vụ du lịch, đó là tài sản vô hình. Muốn thúc đẩy được chất lượng phục vụ tuyến, phải có chế độ, chính sách, đó chính là việc đấu thầu tuyến và xếp hạng dịch vụ vận tải. Chẳng hạn như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, theo quy hoạch chỉ giới hạn khoảng 100 phương tiện với 300 lượt xe/ngày thì có thể sẽ không nâng tần suất lên nữa nhưng cần có các biện pháp để nâng cao chất lượng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.