Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại cuộc họp |
Ngày 3/1, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp xây dựng Đề án xác định nhu cầu vốn quản lý, bảo trì quốc lộ đến năm 2030.
Sau khi nghe kiến nghị của Tổng cục Đường bộ VN, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (đơn vị xây dựng dự thảo) để khắc phục tình trạng thiếu kinh phí bảo trì hệ thống quốc lộ, Bộ trưởng cho rằng ngoài nguồn vốn, cần có các giải pháp đồng bộ, tổng thể để nâng hiệu quả bảo trì. Vì vậy, nội dung đề án phải đề cập toàn diện thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp để đổi mới hiệu quả công tác bảo trì hệ thống quốc lộ.
“Bảo trì hiệu quả sẽ giúp giữ gìn tốt tài sản kết cấu hạ tầng hệ thống quốc lộ, phục vụ nhân dân đi lại thuận lợi, bảo đảm ATGT. Đề án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với ngành GTVT, vì vậy, nội dung cần phản ánh đúng thực tế ở từng khu vực, vùng miền, những hạn chế trong công tác bảo trì hiện nay và các giải pháp từ tổ chức quản lý đến nhu cầu vốn, giải pháp để tạo nguồn, ứng dụng công nghệ trong bảo trì”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Công nhân bảo trì một tuyến quốc lộ phía Nam |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết, hệ thống quốc lộ hiện nay đa phần là đường bê tông nhựa; Tuy nhiên, cũng có nhiều tuyến mới chỉ láng nhựa nên thường xuyên xuống cấp. Vì vậy, bảo trì quốc lộ trong những năm tới cần tính đến việc nâng chất lượng các tuyến có kết cấu kém.
“Đáng ra các tuyến quốc lộ đều phải được thảm bê tông nhựa, nhưng do không đủ vốn nên chỉ láng nhựa. Nếu bảo trì chỉ dừng lại ở cấp độ theo tiêu chuẩn trước đây, những con đường đó sẽ mãi chỉ “vá víu”, chất lượng kém, người dân đi lại khổ sở. Phải tính đến việc nâng cấp, thảm bằng bê tông nhựa các tuyến đường này”, Bộ trưởng nêu vấn đề và cho rằng, cơ chế, chính sách trong quản lý, điều tiết vốn bảo trì hệ thống quốc lộ phải minh bạch, khách quan, cũng như có các giải pháp để tăng nguồn vốn dành cho bảo trì, sử dụng vốn hiệu quả nhất
Trước đó, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT Nguyễn Thanh Phong cho biết, hệ thống quốc lộ hiện có hơn 24.000km, trong đó 66% đã quá hạn sửa chữa định kỳ. Do nguồn vốn hiện chỉ đáp ứng được hơn 34,8% nhu cầu thực tế nên công tác bảo trì chưa thực hiện được đầy đủ theo tiêu chuẩn và định mức kinh tế - kỹ thuật. Dự tính đến năm 2030 cần hơn 234.000 tỷ đồng để phục vụ cho công tác bảo trì hệ thống quốc lộ theo tiêu chuẩn.
Tuy vậy, nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, nội dung dự thảo chưa phản ánh hết thực trạng, toàn diện và giải pháp về vốn, nâng hiệu quả hoạt động bảo trì trong giai đoạn đến 2030.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận