Khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt
Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà Cục Đường sắt VN đã đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm.
Việc xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch được thực hiện hiệu quả, nổi bật là xây dựng hồ sơ Luật Đường sắt (sửa đổi). Công tác lập quy hoạch được đặc biệt chú trọng, đã tham mưu Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực để thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt.
Nêu những thách thức trong năm 2024, nhất là ảnh hưởng từ suy giảm của các nền kinh tế lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng tác động đến nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng cho biết, đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là đầu tư quan trọng nhất và chiến lược nhất, đóng góp ngay vào tăng trưởng GDP, tạo ra động lực tăng trưởng, tạo thuận lợi cho liên kết vùng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương, của vùng, tác động trở lại thu ngân sách.
"Bộ GTVT sẽ được giao rất nhiều dự án. Đây là nhiệm vụ, thách thức rất lớn đối với các cơ quan đơn vị, đặc biệt là các cục chuyên ngành. Đối với lĩnh vực đường sắt, theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, sẽ cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư, từ đường sắt tốc độ cao đến các tuyến đường sắt kết nối ngang.
Với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, phải quyết tâm cao để làm. Đường sắt đô thị, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM phải làm nhanh, không thể để như giai đoạn vừa qua, hơn mười năm mới làm xong một tuyến. Đây là nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 và các năm tiếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng lưu ý Cục Đường sắt VN tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt 2017, cùng đó chuẩn bị đầy đủ các văn bản quy phạm như nghị định, thông tư để khi luật được phê duyệt có thể ban hành, triển khai được ngay. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật, mỗi chính sách sau khi sửa phải đánh giá kĩ tác động, tính khả thi và lượng hóa được hiệu quả, để đảm bảo hiệu lực thực thi.
Cùng đó, xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đầu tư, vận hành, khai thác đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, kinh doanh vận tải đường sắt.
Xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành đường sắt; tiếp tục tập trung hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền 4 quy hoạch có tính chất kĩ thuật chuyên ngành đường sắt; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt; phối hợp với các địa phương, cục chuyên ngành để triển khai các quy hoạch hiệu quả, đồng bộ, kết nối.
Về xây dựng đề án, Cục cần chủ động phối hợp với các cơ quan để hoàn thiện hai đề án lớn, phức tạp là Đề án quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật, định mức lĩnh vực đường sắt.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đường sắt VN thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc để ký hiệp định vận tải đường sắt thay thế cho hiệp định đường sắt biên giới đã ký từ năm 1992; Đàm phán phương án nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển xây dựng mới đường sắt tốc độ cao. Xây dựng kế hoạch nguồn lực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng trong đầu tư, khai thác hạ tầng, trang thiết bị đường sắt để đáp ứng cam kết của Việt Nam chống biến đổi khí hậu và cam kết đưa phát thải ròng về 0 tại COP26.
Thường xuyên, liên tục công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn với nhiệm vụ được giao, đảm bảo các hoạt động công khai, minh bạch, tuân thủ đúng các quy định pháp luật; kết hợp với thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền đến đảng viên, công chức, viên chức. Công tác tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch cán bộ, nhân lực phải công khai, minh bạch, khách quan, chọn được người tài, có đạo đức công vụ, dám làm, dám chịu, không né tránh việc, xông xáo.
"Quý I/2024 là cao điểm về trật tự, ATGT gắn liền với dịp Tết. Vì vậy, đề nghị Cục Đường sắt VN tăng cường kiểm soát, tuyên truyền về công tác an toàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đảm bảo thông suốt trên các tuyến đường sắt, tạo thuận lợi cho người dân về quê ăn Tết. Cùng đó xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với các tình huống đảm bảo an toàn đường sắt trong cả năm 2024.
Đặc biệt, phải nêu cao tinh thần đoàn kết. Đoàn kết giữa ba đơn vị đường sắt: Cục Đường sắt VN, Ban QLDA đường sắt và Tổng công ty Đường sắt VN và đoàn kết nội bộ Cục, có vậy mới giải quyết được công việc, vì mục tiêu chung", Bộ trưởng chỉ đạo.
Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cam kết, Cục sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kĩ năng cần thiết của công chức, viên chức để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành trong tình hình mới.
Gỡ khó thể chế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, năm 2023 Cục đã nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành hầu hết các mặt công tác.
Cục đã chủ động, phối hợp tốt với các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đảm bảo tiến độ, chất lượng; ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 7 văn bản QPPL; tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Đường sắt 2017 và hoàn thành Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi), trình Chính phủ; hợp nhất 3 văn bản QPPL; kiểm tra, rà soát, xử lý theo thẩm quyền 42 văn bản QPPL.
Công tác lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, phối hợp xây dựng đề án, dự án đảm bảo chất lượng. Trong đó, hoàn thành lập Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; lập Điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và 4 quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Phối hợp cùng Vụ Kế hoạch Đầu tư Bộ GTVT, Ban QLDA đường sắt xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Hoạt động vận tải đường sắt có tín hiệu tích cực, trong đó có sự chủ động phối hợp giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của cơ quan quản lý Nhà nước từ Bộ GTVT đến Cục Đường sắt VN. Theo đó, hành khách lên tàu tăng 135,62% so với năm 2022. Tuy nhiên, vận tải hàng hóa có tấn xếp chỉ bằng 79,45% do nhu cầu thị trường giảm mạnh.
Cùng đó, phối hợp tốt với Tổng công ty Đường sắt VN, Ban QLDA đường sắt trong các dự án sửa chữa đường sắt giúp trạng thái kết cấu hạ tầng được nâng lên, điểm xóc lắc bình quân giảm, ATGT chuyển biến tích cực. Việc triển khai Quyết định số 358 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý lối đi tự mở được đẩy mạnh, năm 2023 các địa phương và cơ quan, tổ chức đã xóa bỏ được 184 lối đi.
Sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời các tiêu chuẩn cơ sở phù hợp với nhu cầu thực tiễn hoạt động trong đầu tư, quản lý KCHT đường sắt hiện có...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận