Xã hội

Bộ Tư pháp "tuýt còi" văn bản yêu cầu đổi tên trung tâm đào tạo lái xe

23/02/2023, 06:30

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, văn bản yêu cầu đổi tên trung tâm đào tạo lái xe có nội dung trái pháp luật, cần sửa chữa sớm.

Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Hồ Quang Huy vừa ký kết luận kiểm tra Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT ngày 31/12/2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT có nội dung yêu cầu các trung tâm đào tạo lái xe phải đổi tên thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp để "phân biệt với trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề".

Theo cơ quan này, căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp, từ ngày 1/7/2022, sẽ không có "trung tâm đào tạo lái xe".

img

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đổi tên hàng trăm trung tâm đào tạo lái xe thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp là không cần thiết, gây lãng phí

Tuy nhiên, kết luận kiểm tra của Cục Kiểm tra văn bản pháp luật cho biết, qua xác minh, nhận thấy không có quy định về việc các cơ sở dạy nghề thành lập theo Luật Dạy nghề năm 2006 (luật cũ) phải đổi tên nhằm bảo đảm trong tên gọi có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp".

Ngoài ra, Thông tư của Bộ Lao động - thương binh và xã hội có quy định về tên gọi "trung tâm giáo dục nghề nghiệp". Do đó, công văn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là trái pháp luật.

Theo Cục Kiểm tra văn bản pháp luật, việc cơ quan nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa bảo đảm quy định pháp luật về tên gọi nhưng lại yêu cầu các trung tâm này phải thực hiện các thủ tục để đổi tên là không có cơ sở pháp lý, đồng thời, không bảo đảm tính hợp lý.

Việc buộc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp phải thực hiện các thủ tục, nộp hồ sơ, tài liệu để đổi tên có thể dẫn đến những thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và những người đã, đang tham gia đào tạo.

"Công văn số 3033/TCGDNN-PCTT là văn bản hành chính, nhưng có chứa đựng nội dung mang tính quy phạm pháp luật là trái pháp luật, vi phạm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015", kết luận kiểm tra nêu rõ.

Kết luận kiểm tra cũng nhìn nhận, trong khoảng thời gian hơn 6 năm thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn thực hiện thành lập, cho phép thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các trung tâm mà không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về tên gọi.

Các trung tâm dạy nghề, cơ sở đào tạo lái xe ô tô đã được thành lập, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề theo Luật Dạy nghề năm 2006 trong tên gọi không có cụm từ "giáo dục nghề nghiệp" vẫn hoạt động.

Cục Kiểm tra văn bản pháp luật cho rằng, nhìn nhận từ góc độ thực tiễn cho thấy, việc đổi tên thuần túy không mang lại giá trị trong hoạt động của các trung tâm dạy nghề cũng như trong công tác quản lý nhà nước.

Trong khi đó, yêu cầu tất cả các trung tâm dạy nghề đã được thành lập và hoạt động hợp pháp phải đổi tên dẫn đến những thủ tục phiền hà (trong nhiều tình huống gây khó khăn, bất khả thi cho các tổ chức, doanh nghiệp), phát sinh nhiều chi phí xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Lao động - thương binh và xã hội khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật của văn bản này và gửi kết quả về Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này theo quy định của Chính phủ.

Theo thông tin do Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cung cấp tại buổi làm việc với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp (ngày 3/2/2023): Hiện nay có tổng số có 384 cơ sở đào tạo lái xe ô tô vẫn đang hoạt động, trong đó: 242 trung tâm đào tạo lái xe (hoặc trung tâm đào tạo nghề lái xe); 142 cơ sở thuộc Trường Trung cấp nghề và Trường Cao đẳng nghề các loại.

Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tại Công văn số 99/CV-HHVT ngày 15/12/2022 thì "hầu hết các cơ sở đào tạo lái xe ô tô đều phải huy động vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nên hầu hết các loại giấy tờ chứng nhận sở hữu của các tài sản nêu trên đã được thế chấp ở ngân hàng, việc rút các hồ sơ chứng nhận sở hữu tài sản đang thế chấp tại các ngân hàng là rất phức tạp và trong nhiều trường hợp là bất khả thi, nếu đổi tên cơ sở đào tạo mà không chuyển sở hữu các tài sản nói trên thì lại vi phạm các quy định. Sau khi chuyển sở hữu xong lại phải sơn kẻ lại tên cơ sở đào tạo trên các cánh cửa, thành xe…, sẽ phát sinh nhiều chi phí".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.