Bầu tổng thống Nga
Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) thông báo cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian ba ngày từ 15 - 17/3. Đây là lần đầu tiên một cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức trong nhiều ngày.
Đáng chú ý, cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2024 có sự tham gia tái tranh cử của nhà lãnh đạo Vladimir Putin. Trong khi đó Đảng Cộng sản Nga, đảng lớn thứ hai trong Quốc hội Nga, đã chọn ứng viên 75 tuổi Nikolai Kharitonov. Ông Kharitonov từng là ứng viên của đảng Cộng sản Nga trong lần bầu cử tổng thống năm 2004, về thứ hai với 13,69% phiếu bầu.
Còn đảng Dân chủ Tự do (LDPR) tại Nga đã đề cử ông Leonid Slutsky, lãnh đạo đảng và ông Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga (Hạ viện), làm ứng viên.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, nước Nga vẫn chưa có gương mặt sáng giá nào đủ sức cạnh tranh với tổng thống đương nhiệm Putin. Ông Putin từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2000 với 53,0% phiếu bầu, sau đó tỉ lệ này tăng mạnh trong cuộc bầu cử năm 2004 với 71,3% phiếu.
Sau một nhiệm kỳ làm Thủ tướng, ông Putin tiếp tục trở lại Điện Kremlin nhờ chiến thắng với 63,6% phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và 76,7% vào năm 2018.
Hiện, Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và đối mặt hàng loạt lệnh cấm vận từ phương Tây cùng nhiều nước khác. Do đó, sự thay đổi về người lãnh đạo lúc này sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới cục diện nước Nga cũng như có tác động không nhỏ tới thế giới.
Tổng tuyển cử tại Ấn Độ
Cuộc bầu cử tại Ấn Độ - quốc gia vừa vượt Trung Quốc trở thành đất nước đông dân nhất thế giới, nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới cũng thu hút sự chú ý của thế giới.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi được dự báo sẽ tiếp tục chiến thắng vì Đảng Bharatiya Janata của ông khả năng cao sẽ giành được nhiều số ghế nhất trong cuộc bầu cử năm 2024, bất chấp nổi lên nhiều liên minh đối lập.
Ông Modi đã giữ chức Thủ tướng Ấn Độ từ năm 2014 và nhận được sự ủng hộ của người dân trong suốt thời gian cầm quyền. Theo thông tin từ tờ Times of India, tính đến đầu tháng 12, ông Modi nhận được tỉ lệ ủng hộ lên tới 76%.
Bầu tổng thống Mỹ
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 là "sàn đấu" của tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, lặp lại bối cảnh cuộc bầu cử năm 2020.
Với ông Joe Biden, theo Reuters, nếu nhậm chức, ông Biden sẽ là tổng thống lớn tuổi nhất của Mỹ. Ông đang được nhiều người dự đoán sẽ giành được đề cử của Đảng Dân chủ và sẽ tái đắc cử, dựa vào khả năng quản lý nền kinh tế hậu đại dịch Covid-19.
Tuy ông Donald Trump hiện đang đối mặt với nhiều cáo buộc liên bang và hình sự nhưng vẫn dẫn đầu cuộc đua ứng viên đại diện Đảng Cộng hòa.
Kết quả thăm dò ý kiến của Reuters/Ipsos vào tháng 12/2023 cho thấy, 61% đảng viên Đảng Cộng hòa muốn ông Donald Trump làm ứng cử viên, còn các đối thủ khác như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis và cựu Thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley mỗi người chỉ ở mức 11%.
Nếu ông Trump đắc cử, sự kiện này sẽ có tác động rất lớn tới thế giới, đặc biệt chiến sự Nga - Ukraine bởi cựu tổng thống Mỹ là người có quan hệ rất tốt với lãnh đạo Nga Vladimir Putin.
Bầu Nghị viện châu Âu - EP
Tháng 6 là thời điểm quan trọng với tương lai châu Âu khi Nghị viện châu Âu (EP) tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên, kể từ khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cánh hữu có khả năng trở thành phe lớn thứ ba trong EP mới và Nghị viện châu Âu sẽ theo xu hướng bảo thủ hơn.
Nếu như những người theo cánh hữu và chủ nghĩa hoài nghi chiếm đa số tại Nghị viện châu Âu sẽ cản trở loạt chương trình nghị sự theo hướng ôn hòa của EU, đồng thời thúc đẩy lực lượng cánh hữu tại các cường quốc như Đức hay Pháp thêm lớn mạnh.
Trong trường hợp đó, việc viện trợ thêm cho Ukraine, trừng phạt áp đặt đối với Nga, hạn chế nhập cư, hạn chế kiểm soát khí hậu, công lý và pháp quyền trên toàn EU, sự thay đổi trong cách ứng xử của châu Âu với Trung Quốc được dự báo sẽ xáo trộn.
Ngoài các cuộc bầu cử trên, dự kiến năm 2024 còn diễn ra các cuộc bầu cử khác như cuộc tổng tuyển cử tại Bangladesh vào tháng 1.
Sang tháng 2, Pakistan và Indonesia - hai quốc gia có cộng đồng Hồi giáo đông nhất thế giới, sẽ tổ chức bầu cử. Mỗi cuộc cách nhau một tuần. Tại châu Phi, cùng năm cũng diễn ra cuộc bầu cử đáng chú ý tại Nam Phi.
Ở châu Âu sẽ có 9 cuộc bầu cử quốc hội và một trong những thách thức lớn nhất đối với các tân chính phủ sẽ là tìm kiếm các đối tác liên minh để tạo nên thế đa số.
Ở Mỹ Latin, Mexico khả năng sẽ có nữ tổng thống đầu tiên bởi trong số ứng viên của các chính đảng có hai nữ ứng cử viên.
Còn tại cuộc bầu cử ở Venezuela, đương kim Tổng thống Nicolas Maduro được kỳ vọng sẽ giành thêm một nhiệm kỳ nữa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận