Bốn tình huống CSGT được dừng xe
Bộ Công an đã ban hành Thông tư 32/2023/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/9 (thay thế Thông tư 65/2020), quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT).
Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, có bốn trường hợp cảnh sát giao thông (CSGT) được dừng xe kiểm soát trên đường.
Một là, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác.
Hai là, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Ba là, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Bốn là, có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Quyền hạn của CSGT khi tuần tra, kiểm soát
Theo Thông tư 32/2023, CSGT được dừng các phương tiện đang lưu thông theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; được kiểm soát người, phương tiện, giấy tờ của người điều khiển, giấy tờ của phương tiện và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đó.
CSGT được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, Thông tư nêu rõ, trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác để sử dụng theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
CSGT cũng được trang bị, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc... theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.
Ngoài ra, CSGT được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ khi có tình huống ùn tắc, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Phân cấp tuyến địa bàn tuần tra, kiểm soát
Cũng theo Thông tư 23/2023, Cục CSGT chỉ đạo Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, bố trí lực lượng tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến đường cao tốc đi qua địa giới hành chính từ hai tỉnh, thành phố trở lên.
Khi cần thiết, Cục CSGT cử lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với công an các đơn vị, địa phương và lực lượng liên quan tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi toàn quốc, theo kế hoạch của Cục trưởng Cục CSGT trở lên ban hành.
Đối với CSGT công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương gồm: Đường cao tốc chỉ nằm trong phạm vi địa giới hành chính của 1 tỉnh, thành phố; Quốc lộ trọng điểm, quốc lộ có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp; các tuyến đường bộ có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương; Đường đô thị thuộc thành phố gồm các tuyến đường chính; tuyến đường có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
Trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì, phối hợp với công an huyện, quận, thị xã, thành phố và lực lượng liên quan tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường bộ theo kế hoạch của giám đốc công an tỉnh, thành ban hành.
Còn công an cấp huyện được bố trí lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông đường bộ trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận