Chủ đầu tư và đơn vị tín dụng không có tiếng nói chung
Trạm thu phí BOT trên có vị trí tại xã Cam Thịnh (Cam Ranh, Khánh Hòa), thu phí cho dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1488-1525 qua tỉnh Khánh Hòa, theo hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty CP Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 (ký năm 2012). Tổ chức tín dụng tài trợ cho dự án là Ngân hàng Vietcombank (VCB).
Chủ đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn (VCB) chưa tìm được tiếng nói chung nên hiện DNDA không có chi phí trả lương cho nhân viên và vận hành trạm thu phí. Ảnh: Đặng Đại.
Dự án BOT Cam Thịnh có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 2.700 tỷ đồng. Dự án về đích trước tiến độ 3 tháng và bắt đầu thu phí từ 20/1/2016.
Chị Trần Thị Hồng Tỉnh, kế toán của doanh nghiệp dự án (DNDA) cho biết, đến nay cán bộ, nhân viên vẫn chưa nhận được tiền lương tháng 7, tháng 8. "Nguyên nhân là do không có tiếng nói chung giữa chủ đầu tư (Công ty 194) với đơn vị tài trợ tín dụng VCB", chị nói.
Theo hợp đồng ký kết giữa Bộ GTVT với chủ đầu tư dự án, doanh thu thu phí hằng tháng sau khi trừ đi các chi phí, sẽ được sử dụng để chi trả phần lãi vay phát sinh trong kỳ. Kinh phí còn dư, sẽ dùng để thanh toán nợ gốc của ngân hàng và chi trả cho nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó tổng giám đốc Công ty 194, doanh thu thu phí hằng tháng sau khi trừ đi các chi phí có nghĩa là "doanh thu thu được phải ưu tiên chi trả cho chi phí vận hành DNDA, gồm chi phí điện nước, tiền lương nhân công".
"Nhưng hiện nay khoản chi phí này không được ngân hàng chi trả đúng thời hạn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và sự vận hành liên tục của DNDA", ông nói và cho rằng, nguyên tắc vận hành của các trạm thu phí BOT là DNDA thu hộ cho các bên tham gia trong hợp đồng.
Ở đây là BOT Cam Thịnh thu hộ cho Nhà nước, nhà đầu tư và VCB. Do đó, khi ngân hàng "nắm đằng chuôi" thì nhà đầu tư không có nguồn để trả lương cho người lao động.
Tiền thu phí giảm mạnh
Vướng mắc về việc trả lương cho cán bộ nhân viên và các chi phí thiết yếu vận hành trạm thu phí BOT Cam Thịnh chưa phải là chuyện lớn. Mấu chốt chính là những vướng mắc mà hai bên chưa tìm được tiếng nói chung cho phương án tài chính của dự án, vốn đang bị sụt giảm.
Trong các cuộc làm việc trước đó, phía VCB và Công ty 194 đều xác định doanh thu của trạm thu phí BOT Cam Thịnh không đáp ứng được phương án tài chính nên "phải đàm phán lại". Tuy nhiên, hiện chưa có phương án nào khả thi.
Báo cáo cập nhật doanh thu lưu lượng xe thực tế ở BOT Cam Thịnh cho thấy: Bình quân từ 2016-2023, mức thu không đạt so với phương án tài chính là -54%; riêng trong 2 tháng 5 và 6/2024, mức thu -57,8%. Cụ thể, tính bình quân trong tháng 5-6/2024, dòng tiền doanh thu thu phí từ bình quân 830 triệu đồng/ngày giảm còn 300 triệu đồng/ngày.
Theo ông Trần Nam Trung, Tổng giám đốc Công ty 194, hiện dự án đã đến kỳ trung tu lần thứ 2 (4 năm trung tu 1 lần) nhưng VCB vẫn chưa đồng ý tài trợ vốn (thời điểm thực hiện là cuối năm 2023). Điều này dẫn đến việc trung tu đình trệ, có nguy cơ gây mất ATGT trên tuyến.
Ngày 14/5, Công ty 194, DNDA và VCB đã có cuộc làm việc nhưng không thống nhất được phương án tài trợ vốn cho kỳ trung tu này, khoảng 72 tỷ đồng. Ngày 20/5, Công ty 194 tiếp tục có công văn gửi VCB Chi nhánh Nam Sài Gòn đề nghị đẩy nhanh phương án cấp vốn trung tu.
Nguy cơ nợ xấu
Về đề xuất của chủ đầu tư và DNDA (tiếp tục cung cấp vốn), ông Hồ Trung Dũng, Phó giám đốc khối Quản lý khách hàng doanh nghiệp của VCB, Chi nhánh Nam Sài Gòn, phản hồi: Ngoài doanh thu của dự án đang sụt giảm rất sâu, phương án tài chính bị "vỡ" cũng đang đưa dự án vào nhóm nợ xấu.
Theo ông Dũng, công ty có khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ theo lịch cho ngân hàng trong thời gian tới nên cần cơ cấu lại lịch trả nợ. Nếu không thống nhất được, VCB sẽ ghi nợ của chủ đầu tư từ nhóm 1 sang nhóm 3 (nợ xấu) và có thể chuyển sang nhóm nợ xấu hơn (nhóm 4).
Để tránh điều này, theo ông Dũng, Công ty 194 phải xử lý các khoản nợ của DNDA trong tháng 10/2024. Nếu không, với nhận định "nợ xấu", Công ty 194 sẽ gặp bất lợi khi giao dịch với các ngân hàng.
Về khoản vay thêm 72 tỷ đồng để trung tu lần 2, VCB cho rằng việc này phụ thuộc vào doanh thu từ hoạt động thu phí của BOT Cam Thịnh. Trong đó, có thẩm định dòng tiền thu phí từ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Công ty 194 là đồng chủ đầu tư - PV) để đánh giá mức độ ổn định của dòng tiền, làm cơ sở đề xuất cơ cấu phương án lịch trả nợ hoặc vay thêm khoản trung tu.
Tuy nhiên sau các cuộc làm việc, đến nay hai bên vẫn chưa có phương án thống nhất.
Để giải quyết vấn đề cấp bách về khoản 72 tỷ đồng trung tu lần 2, Công ty 194 đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN cho phép nhà đầu tư được huy động vốn từ các cá nhân, các tổ chức tín dụng và huy động vốn theo hình thức BCC (hình thức huy động ở dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo).
Ông Trần Nam Trung bày tỏ: "Nếu đề xuất trên được chấp thuận sẽ gỡ được thế khó cho nhà đầu tư và nhà tài trợ tín dụng ở thời điểm này".
Theo nhà đầu tư, một trong những lý do mức thu BOT Cam Thịnh không bảo đảm phương án tài chính là do ảnh hưởng của việc không được tăng giá thu phí theo lộ trình.
Do đó, chủ đầu tư cũng đang đề xuất Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN cho dự án được tăng mức phí theo lộ trình để giải quyết những khó khăn trước mắt và bảo đảm công bằng cho nhà đầu tư như hợp đồng BOT đã ký kết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận