Đối với địa phương, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông được xem như đầu tư chiến lược dài hạn, cũng là nguồn vốn mồi thúc đẩy phát triển.
Đua tiến độ trên các dự án nghìn tỷ
Những ngày này, tranh thủ nắng ráo các nhà thầu trên công trường thi công nút giao Phú Thứ (phường Lam Hạ, TP Phủ Lý) đang nỗ lực thi công đào đắp nền đường để bù cho những ngày mưa trước đó.
Kỹ sư Hồ Minh Hạnh - Chỉ huy trưởng công trường nhà thầu Vinaconex cho biết: "Tuy mới chỉ nhận mặt bằng từ ngày 12/6 vừa rồi, nhưng chúng tôi đã huy động đủ 11/11 mũi thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư. Trên công trường hiện có trên 50 đầu phương tiện, thiết bị, với 100 kỹ sư công nhân làm việc. Chúng tôi đang ưu tiên thực hiện đào đắp hữu cơ đồng thời trên 2 tuyến đường bên dài 1,7km mỗi bên; chuẩn bị công trường để thi công hệ thống cống hộp, cống tròn và tường chắn".
Theo kỹ sư Hạnh, dự án này có đặc thù là nút giao đa tầng. Ở giai đoạn 1, tỉnh Hà Nam đầu tư thi công trước hệ thống đường bên để nối với đường vành đai 5 vùng thủ đô sau này và làm hầm chui cho cao tốc Bắc - Nam. Giai đoạn 2 mới triển khai nút giao và cầu vượt liên thông với vành đai 5. Để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác của tuyến cao tốc hiện hữu, chúng tôi ưu tiên làm trước hệ thống đường bên, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2024, sau đó thông chuyển cao tốc đi sang đường bên, rồi mới triển khai hạ cốt, làm hầm chui cao tốc.
"Do thời gian gấp gáp, trong khi phải mất thời gian xử lý nền đất yếu, nên Ban và tư vấn đã nghiên cứu cho chuyển phương án thi công từ làm giếng cát sang làm cọc xi măng đất. Cách này đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng lại rút ngắn thời gian chờ lún xuống chỉ còn 28 ngày (rút ngắn hơn từ 3 - 5 tháng). Tổng giá trị sản lượng đến nay đã đạt 90/205 tỷ đồng, vượt tiến độ dự kiến khoảng 1 tháng", kỹ sư Hạnh vui mừng nói.
Ở phía Tây đường cao tốc, nhà thầu Trung Chính cũng đang tập trung cao độ trong công tác đào đắp đường bên ở phía Tây cao tốc. Do còn vướng mặt bằng, cộng với phần việc tập trung ở các hạng mục sau của giai đoạn 1, nên sản lượng thấp hơn tuy nhiên vẫn đảm bảo tiến độ được giao.
Ở Dự án đường liên kết vùng nối các xã huyện Thanh Liêm qua nút giao Liêm Sơn lên đền Trần Thương (Lý Nhân) và nối sang đền Trần (Nam Định), các nhà thầu Tập đoàn Xuân Thành, Công ty Đại Phong, Vinaconex, Tập đoàn Cường Thịnh Thi cũng đang không ngừng đua tiến độ. Các đoạn tuyến được triển khai đồng thời trên toàn tuyến. Giá trị sản lượng đến nay đạt 700/1.900 tỷ đồng (tổng dự án 3.600 tỷ đồng. Số tiền tỉnh đã bố trí 1.900 tỷ đồng).
Còn dự án Đường song hành với QL21 đã giải ngân được 90/100 tỷ đồng (nguồn vốn kế hoạch sau điều chỉnh từ 600 tỷ giảm xuống 100 tỷ năm 2023). Ngoài ra, còn có một số dự án được UBND huyện Thanh Liêm và Kim Bảng làm chủ đầu tư, như: cầu Tân Lang và đường liên kết vùng nối đường vành đai 4 với vành đai 5; dự án đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính; đường trục chính huyện Thanh Liêm...
Gỡ khó để sớm phát huy hiệu quả "vốn mồi"
Theo tìm hiểu của PV, các dự án kể trên đều là công trình giao thông đặc biệt quan trọng đối với Hà Nam. Nó không chỉ có ý nghĩa trong việc giải tỏa sức ép hạ tầng giao thông cho địa phương mà nó còn tạo ra sự kết nối, làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế.
"Mọi người vẫn nói vui, nếu như không làm nút giao Phú Thứ thì Hà Nam chỉ có đứng dưới mà nhìn xe đi cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai 5 vùng Thủ Đô (tương lai). Nút giao này sẽ tạo thêm nhánh kết nối, thông trục giao thông Đông - Tây tạo cân bằng giữa các vùng kinh tế của tỉnh. Mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế cho vùng phía Đông tỉnh đang còn chưa được khai thác hết tiềm năng", ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, dẫn giải lý do Hà Nam quyết tâm làm sớm nút giao Phú Thứ.
Theo ông Thắng, các dự án giao thông tỉnh triển khai đều đang đảm bảo tiến độ đề ra. Vấn đề khó khăn chung của các dự án vẫn là mặt bằng. Như dự án nút giao Phú Thứ hiện còn vướng nghĩa trang và nhà của 20 hộ dân (xã Tiên Hiệp, TP Phủ Lý) đang trong quá trình làm thủ tục tái định cư; dự án đường liên kết vùng còn 8/27km mặt bằng xôi đỗ vì chờ định giá đất... Để thực hiện các dự án, tỉnh và chính quyền các địa phương đã làm tốt công tác chuẩn bị, quy hoạch trước các khu tái định cư, tuy nhiên khi vào triển khai thực tế mới phát hiện có nhiều vướng mắc khó khăn hơn, nhất là việc định giá đất. Hiện, tỉnh và các địa phương đều đang tập trung giải quyết.
Vấn đề khó khăn chung thứ hai của Hà Nam hiện nay là vật liệu. Cả tỉnh không có mỏ đất nào, muốn có đất đắp thì phải mua từ các tỉnh lân cận hoặc tận thu đất pha đá từ quá trình cải tạo các mỏ đá. Cùng đó là việc khan hiếm cấp phối đá dăm, cát.
"Tuy Hà Nam là có vùng mỏ đá dồi dào ở khu vực Thanh Liêm, Kim Bảng. Tuy nhiên, do tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận đồng loạt triển khai các dự án dẫn đến đá khai thác xay không kịp cung ứng, đội giá,... các nhà thầu phải ăn đong, mua đắt. Còn giá thành cát đảm bảo đầy đủ hóa đơn, giấy tờ thì rất đắt", ông Thắng cho biết.
"Có dự án giá cát dự toán là 137.000 đồng/m3, cấp phối đá dăm từ 157.000 - 167.000 đồng/m3 nhưng nhà thầu đang phải mua cát với giá 210.000 đồng/m3, cấp phối đá dăm giá 250.000 đồng/m3. Hiện, nhà thầu và Ban đang kiến nghị lên tỉnh để tỉnh chỉ đạo các sở ngành tổ chức khảo sát cập nhật lại báo giá vật liệu xây dựng liên sở, sao cho sát giá thị trường", kỹ sư Hạnh nêu ví dụ.
Trong quá trình triển khai dự án, để đảm bảo chất lượng dự án, ngoài các tư vấn giám sát, Ban QLDA ĐTXD tỉnh Hà Nam còn lập các tổ tư vấn với sự tham gia của các phòng ban nội nghiệp để theo dõi, giám sát với từng dự án. Ngoài ra, định kỳ mỗi tháng một lần lãnh đạo tỉnh sẽ đi kiểm tra, họp kiểm điểm tiến độ từng dự án.
Với tiến độ thi công hiện nay, dự kiến công trình đường liên kết vùng sẽ về đích vào đầu năm 2025. Còn nút giao Phú Thứ, tỉnh dự kiến hết năm 2025 hoàn thành, nhưng nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 8/2025, để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận