Đường sắt

Các nước đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao thế nào?

21/06/2021, 18:57

Thời gian qua, các nước tập trung phát triển mạnh đường sắt tốc độ cao phục vụ vận tải khách và đang hướng đến chạy cả tàu hàng, logistics...

img

Các thế hệ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản

Tại dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, ưu tiên hàng đầu sẽ đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. HCM. Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỉ đồng.

Hiện các nước trên thế giới đã và đang triển khai đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao và cao tốc thế nào, Việt Nam có thể học hỏi và rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

18 quốc gia có đường sắt chuyên dụng với tốc độ từ 250 km/h trở lên

Ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ Tổng công ty Đường Đường sắt VN cho biết, đường sắt cao tốc (hay tốc độ cao) đã trải qua một chặng đường dài từ năm 1964 khi các đoàn tàu cao tốc Nhật Bản chạy trên tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trên thế giới - tuyến Tokyo - Osaka Tokaido Shinkansen.

Được khai trương vào tháng 10/1964, đây là tuyến đường khổ tiêu chuẩn dài 515km nối Tokyo với Osaka có tốc độ chạy tàu tối đa 210 km/h. Từ đó đến nay, các tuyến đường sắt cao tốc ngày càng phát triển cả về số km đường và công nghệ.

Hiện nay, 18 quốc gia trên thế giới có đường sắt chuyên dụng với tốc độ tối đa từ 250 km/h trở lên và hầu hết các mạng đường sắt cao tốc đều ở châu Âu và châu Á.

Hiện một số tuyến đường sắt cao tốc đang được xây dựng tại Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ. Nhiều quốc gia khác cũng đang lập kế hoạch cho các tuyến mới.

Tuy nhiên, thành tựu phát triển đường sắt cao tốc đáng chú ý nhất là tại Trung Quốc. Với tuyến đầu tiên nối Bắc Kinh với Thiên Tân dài 115km khai trương vào năm 2008, đến cuối năm 2020, mạng đường sắt cao tốc của Trung Quốc đạt 37.900 km, bao gồm tuyến cao tốc dài nhất thế giới là 3.422 km nối cảng Liên Vân với Ô Lỗ Mộc Tề. Nhiều tuyến có tốc độ vận hành tối đa 350 km/h.

Ngoài Trung Quốc, chỉ có Tây Ban Nha - quốc gia có mạng cao tốc lớn nhất châu Âu, cho phép vận hành đường sắt cao tốc với tốc độ tối đa 350 km/h.

Mạng cao tốc của Nhật Bản được mở rộng liên tục từ năm 1964. Đến nay đã trải dài từ Kagoshima tại Kyushu đến Shin Hakodate-Hokuto tại Hokkaido, với một số tuyến được thiết kế để vận hành với tốc độ 320 km/h. Nhật Bản đã vận chuyển khoảng 6,6 tỷ lượt hành khách bằng đường sắt cao tốc kể từ năm 1964.

Còn ở châu Âu, Italia là quốc gia đầu tiên khai trương đường sắt cao tốc, khu đoạn đầu tiên dài 138km giữa Rome - Florence Direttissima được khánh thành năm 1977. Sau năm 1992, tuyến đường cao tốc dài 254km được hoàn thành và từ đó Italia mở rộng tuyến theo hướng Bắc - Nam với các tuyến có tốc độ vận hành 300 km/h, dần dần tạo thành mạng cao tốc hình chữ T.

Pháp bắt đầu xây dựng tuyến 409km từ Paris - Sud-Est đến Lyon vào năm 1977 với khu đoạn đầu tiên được khai trương năm 1981, với tốc độ tối đa 260 km/h. Năm 1989, Pháp ghi nhận mốc quan trọng với việc khai trương giai đoạn 1 tuyến cao tốc Atlantique - tuyến đầu tiên được thiết kế để vận hành tốc độ 300 km/h.

Tiếp đó, đường sắt Đức hoàn thành tuyến cao tốc đầu tiên từ Hannover đến Wurzberg vào năm 1991 và Tây Ban Nha hoàn thành tuyến đầu tiên từ Madrid đến Seville vào năm 1992.

img

Đường sắt Trung Quốc thúc đẩy phát triển tàu khách cao tốc và bắt đầu chạy tàu hàng tốc hành phục vụ logistics

Tiếp tục hướng đến tàu hàng tốc độ cao

Theo Tạp chí Đường sắt quốc tế, ông Antoine Leroy, phụ trách sức kéo tại Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) cho biết, năm 1981, đoàn tàu TGV đầu tiên chạy với vận tốc 260 km/h. Hai năm sau, tốc độ thương mại tăng lên 270 km/h. Năm 1989, các đoàn tàu TGV Atlantique thế hệ hai xuất xưởng với vận tốc tối đa 300 km/h. Từ năm 2007, các đoàn tàu TGV chạy với vận tốc 320 km/h trên những tuyến cao tốc mới.

Trong khi đó, Trung Quốc có một số tuyến nơi tàu có thể chạy với tốc độ 350 km/h. Khoảng cách giữa các thành phố chính ở Trung Quốc dài hơn nhiều so với ở châu Âu nên có thể điều chỉnh tốc độ cao hơn. Còn tuyến HS2 của Anh sẽ trở thành tuyến cao tốc đầu tiên có tốc độ tối đa 360 km/h.

Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CR) thông báo trong năm 2020 đã khai trương thêm 2.900 km đường sắt cao tốc. Tổng số 4.933 km tuyến mới được xây dựng trong năm đã nâng tổng chiều dài toàn mạng lên 146.300km, gồm 37.900km đường sắt cao tốc. CR dự kiến sẽ hoàn thành thêm 3.700 km trong năm 2021.

Đầu năm 2021, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia (Trung Quốc) cũng phê duyệt kế hoạch mở rộng 342km về phía Tây cho tuyến đường từ Hùng An đến Tân Châu Tây qua Bảo Định, Phú Bình và Ngô Đài, gồm 12 nhà ga với kinh phí dự kiến 57,2 tỷ Nhân dân tệ.

Không chỉ chạy tàu khách cao tốc, đường sắt Trung Quốc cũng có kế hoạch chạy tàu hàng cao tốc. Công ty chế tạo đầu máy toa xe Đường Sơn (thuộc tập đoàn Trung Xa Trung Quốc - CRRC) đã tiết lộ về đoàn tàu 350 km/h được thiết kế dựa trên các đoàn EMU chuyên chở hành khách theo tiêu chuẩn Trung Quốc để phục vụ thị trường logistics cao cấp.

CRRC đã và đang triển khai mục tiêu cung cấp tàu cao tốc phục vụ lĩnh vực logistics và thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, bằng giải pháp tạm thời hoán cải một đoàn tàu CR400BF. Đoàn tàu được hoán cải ra mắt ngày 23/12/2020 được thiết kế để chở được 120 tấn hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.