Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, trên tuyến đã có quy hoạch hai trạm dừng nghỉ ở mỗi chiều đường.
Một góc trạm dừng nghỉ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang khai thác.
Hai trạm dừng nghỉ được quy hoạch đặt tại Km 144+560 và Km 205+092 (huyện Bắc Bình, Bình Thuận) tại hai chiều đường Bắc - Nam và ngược lại.
Các trạm này sẽ có bãi đậu xe rộng để tài xế đậu và có thể tiếp nhiên liệu, dừng nghỉ, tài xế kiểm tra kỹ thuật xe trước khi tiếp tục lưu thông.
“Các trạm dừng nghỉ này sẽ được triển khai đấu thầu chọn nhà đầu tư, sau đó mới triển khai xây dựng”, ông Huy cho hay.
Tương tự, theo Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, trên tuyến cũng quy hoạch 2 trạm dừng nghỉ tại đoạn giáp ranh hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, đặt tại Km 47+612 (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), đối diện hai chiều đường.
Các trạm này ngoài việc phải đáp ứng các nhu cầu tối thiểu như trạm xăng, dầu, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh còn có các dịch vụ phục vụ tài xế và khách đi xe.
Các trạm dừng nghỉ đều có trạm xăng, dầu tiếp nhiên liệu, bãi đỗ xe đủ rộng phục vụ nhu cầu kiểm tra kỹ thuật xe dành cho tài xế.
Hành khách nghỉ chân tại trạm dừng nghỉ cao tốc Long Thành.
Đại diện Công ty CP cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng cho biết, doanh nghiệp dự án đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT và các đơn vị liên quan chấp thuận giao cho nhà đầu tư BOT thực hiện trạm dừng nghỉ kết hợp với trạm dừng kiểm tra kỹ thuật để đảm bảo an toàn trong công tác Quản lý vận hành hầm Núi Vung.
Theo quy hoạch các trạm dừng nghỉ này được triển khai thành các dự án độc lập, thông qua hình thức đấu thầu đầu tư và khai thác. Các trạm dừng nghỉ này không chỉ đơn thuần là trạm dừng chân trên hành trình cao tốc, mà đây còn là điểm kết nối đến các địa phương.
Quy định Tiêu chuẩn Việt Nam về đường ô tô cao tốc và khoảng cách bố trí giữa các trạm dừng nghỉ đã triển khai trong các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2021 là 50 - 60 km/trạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận