Khi nào CSGT được hóa trang đi tuần tra?
Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15/9, cảnh sát giao thông (CSGT) được bố trí một tổ cán bộ hóa trang (mặc thường phục), phối hợp với lực lượng công khai để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Các trường hợp tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình an ninh trật tự (ANTT) hoặc trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ phức tạp.
Thông tư nêu rõ, CSGT hóa trang phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được cấp có thẩm quyền ban hành. Nội dung kế hoạch cần nêu rõ phương pháp thực hiện; lực lượng; trang phục; phương thức liên lạc, thời gian, tuyến, địa bàn tuần tra, kiểm soát; phương tiện, thiết bị nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng.
Ngoài ra, bộ phận cán bộ hoá trang và bộ phận cán bộ tuần tra, kiểm soát công khai trong tổ CSGT phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Về thẩm quyền, Cục trưởng Cục CSGT, giám đốc công an cấp tỉnh; trưởng phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt; trưởng phòng CSGT, trưởng công an cấp huyện quyết định việc mặc cảnh phục, mặc thường phục khi tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang.
Cảnh sát hóa trang phát hiện, xử lý người vi phạm như thế nào?
Về quy trình thực thi nhiệm vụ khi hóa trang của CSGT, Thông tư 32/2023 quy định khi tuần tra kiểm soát, bộ phận cán bộ hóa trang có nhiệm vụ trực tiếp quan sát, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ giám sát tình hình trật tự ATGT.
Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác. Khi phát hiện vi phạm, họ phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý theo quy định.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng về giao thông đường bộ hay ANTT xã hội, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, làm thiệt hại đến tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông, cán bộ hóa trang sử dụng giấy chứng minh công an nhân dân để thông báo, vận động nhân dân phối hợp, ngăn chặn ngay hành vi vi phạm.
Sau đó, bộ phận hóa trang thông báo và phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai để giải quyết tại nơi phát hiện vi phạm, hoặc đưa đối tượng vi phạm về trụ sở cơ quan công an nơi gần nhất để giải quyết theo quy định.
CSGT có được dùng vũ lực khống chế người vi phạm?
Ngoài những quy định sắp được áp dụng nêu trên, đối với tình huống người vi phạm có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ, Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.
Theo đó, để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, CSGT có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như giải thích cho người vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó.
Nếu người vi phạm không chấm dứt hành vi vi phạm, thì cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.
Nghị định số 208/2013 cũng cho phép trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, cán bộ thực thi công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận