Diễn biến bất lợi của thị trường vận tải biển
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Yên Bái về chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích các tập đoàn trong nước đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận tải biển để xóa sự độc quyền của các doanh nghiệp vận tải biển nước ngoài.
Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi các thị trường xa như Châu Âu, Mỹ vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng tàu nước ngoài - Ảnh minh họa
"Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số nước đồng loạt áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thương; nhiều cảng biển nước ngoài, đặc biệt là Châu Âu, Châu Mỹ trong tình trạng hàng triệu container bị ùn tắc. Một số cảng biển áp dụng biện pháp chống dịch dẫn đến thời gian quay vòng tàu kéo dài hơn", Bộ GTVT thông tin.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu của Châu Mỹ, Châu Âu đối với hàng hóa Trung Quốc, Châu Á tăng cao dẫn đến mất cân bằng container giữa hàng xuất và hàng nhập. Những nguyên nhân ấy làm giá cước vận tải tăng cao và thiếu hụt container rỗng trên toàn cầu, ảnh hưởng đến doanh nghiệp XNK Việt Nam.
Theo thống kê, quy mô đội tàu của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Đội tàu biển Việt Nam có khoảng 1.494 tàu với tổng trọng tải trên 11,6 triệu DWT, tổng dung tích 7,1 triệu GT.
“Trước diễn biến bất lợi của thị trường vận tải biển, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp triển khai các giải pháp như: thành lập Tổ công tác liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài vận tải hàng hóa XNK đi Châu Âu, Mỹ.
Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng cho tàu thuyền; tăng hiệu suất khai thác cảng, kiểm tra, rà soát, quản lý chặt về giá, phụ phí. Cục Hàng hải VN cũng làm việc với các hãng tàu và hãng tàu đã có thông báo không tăng giá cước”, Bộ GTVT cho biết.
Liên quan đến cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu biển Việt Nam, theo Bộ GTVT, những năm qua, Chính phủ, Bộ GTVT có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển như: hỗ trợ vay vốn đóng tàu, miễn thuế thu nhập cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài, hạn chế tuổi tàu hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu.
“Trước bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt lĩnh vực hàng hải có tính quốc tế cao, cạnh tranh theo cơ chế thị trường rất gay gắt, cuối năm 2021, Bộ GTVT giao Cục Hàng hải nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam để giảm chi phí và nâng cao tính chủ động cho hoạt động XNK, tăng thị phần vận tải của đội tàu biển Việt Nam.
Đề án này dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2022. Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để vận tải biển đáp ứng tốt nhu cầu của toàn xã hội”, Bộ GTVT khẳng định.
Đội tàu vận tải biển quốc tế của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu hoạt động trên các chặng ngắn và kích cỡ nhỏ - Ảnh minh họa
Nhiều chính sách hỗ trợ chủ tàu
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đội tàu, Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế Cục Hàng hải xây dựng trình Bộ GTVT xem xét đề xuất hàng loạt chính sách.
Cụ thể, Cục Hàng hải kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chủ tàu Việt Nam phát triển đội tàu hàng rời, tổng hợp có trọng tải lớn, tuổi tàu thấp thay thế dần các tàu nhỏ, cũ hiện nay; Cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với chủ tàu thay thế tàu cũ của mình hiện có bằng tàu biển mới có tuổi dưới 15 tuổi hoặc có trọng tải lớn hơn.
Đồng thời, miễn thuế nhập khẩu và miễn giảm 50% phí trọng tải trong thời gian 5 năm khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG và các tàu chở LNG.
Nhằm thu hút thị phần hàng hóa để đội tàu có động lực phát triển, Cục Hàng hải cũng kiến nghị miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 10 năm đối với các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có sản lượng container xuất nhập khẩu hàng tháng từ 500 TEUs trở lên; Miễn thuế cho các chủ hàng Việt Nam ký hợp đồng vận chuyển dài hạn với số lượng lớn với các chủ tàu Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận