Mất 2 giây cài dây an toàn nhưng cứu cả mạng người
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn bàng hoàng khi nhớ về vụ xe 29 chỗ chở 18 khách hợp đồng di chuyển theo hướng TP Sơn La đi huyện Sông Mã để ăn cưới bất ngờ rơi xuống vực sâu 40m làm 4 người chết và 10 người bị thương. Lực lượng chức năng cho biết, hầu hết các nạn nhân không thắt dây an toàn thời điểm xảy ra tai nạn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, thắt dây an toàn sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong đối với người ngồi ghế trước, giảm 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng, giảm 75% nguy cơ tử vong và bị thương ở ghế sau nếu xảy ra tai nạn.
Các chuyên gia cho biết, đây chỉ là một trong số hàng nghìn vụ tai nạn xảy ra tại Việt Nam mỗi năm gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng con người mà lẽ ra thương vong có thể giảm đi rất nhiều nếu tất cả người ngồi trên ô tô đều thắt dây an toàn.
Theo các chuyên viên kỹ thuật, khi bị đâm từ phía trước, người lái xe chỉ có thể giữ cho mình không bị chấn thương trong điều kiện xe đang chạy với tốc độ 5km/h. Khi xe chạy với tốc độ 70km/h theo quy luật của lực quán tính, người ngồi trong xe có tốc độ gần bằng tốc độ của xe, nếu ô tô dừng đột ngột, lái xe thắt dây an toàn sẽ được giữ chặt vào ghế nhưng nếu không sẽ bị lao người về phía trước với tốc độ 70km/h.
Nếu lái xe có trọng lượng 70kg khi bị đâm chính diện sẽ phải chịu một lực đập mạnh lên người khoảng 3 tấn. Còn nếu tốc độ lên tới 80km/h thì lực quán tính đó sẽ đạt tròn 9 tấn. Đây chính là bản án tử hình mà người lái xe tự ký cho bản thân và những người đồng hành.
Ông Bùi Huynh Long, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, thắt dây an toàn sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong đối với người ngồi ghế trước, giảm 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng, giảm 75% nguy cơ tử vong và bị thương ở ghế sau nếu xảy ra tai nạn.
Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc người lái và hành khách phải thắt dây an toàn. Tỷ lệ thắt dây an toàn cũng khác nhau với từng quốc gia, dao động từ 27 - 98%, tại các quốc gia phát triển có tỷ lệ thắt dây an toàn trên 80%. Đối với hành khách ngồi ghế sau, tỷ lệ thắt dây an toàn dao động rất lớn từ 3 - 98%, với tỷ lệ trung bình dưới 80%.
Theo thống kê của một số nước tiên tiến trên thế giới như Thuỵ Sĩ, từ khi Luật bắt buộc thắt dây an toàn khi lái xe được áp dụng đã làm giảm số thương vong nặng trong các vụ tai nạn xuống 3 lần. Ở Nhật Bản, các chuyên gia đã công bố rằng tỷ lệ dây an toàn sẽ cứu người lái xe khỏi lưỡi hái tử thần khi bị đâm va mạnh lên tới 75%, trong các vụ tai nạn bị lật đổ xe thì tỷ lệ này đạt 91%.
“Việc cài dây an toàn chỉ mất 2 giây nhưng có thể cứu cả mạng người. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ý thức tự bảo vệ mình của người lái xe và người đi xe còn chưa cao. Đa số đều có suy nghĩ rằng việc thắt dây an toàn chỉ làm vướng víu, bất tiện. Hiện nay, hầu hết các dòng ô tô trên thị trường đều trang bị tính năng nhắc nhở người dùng thắt dây an toàn đặc biệt ở ghế lái và ghế phụ xe. Mặc dù vậy, một số người lại tìm đến các phụ kiện để đối phó”, ông Long nói.
Không thắt dây an toàn nếu xảy ra va chạm có thể khiến lái xe và người ngồi phía sau lao về phía trước, để lại hậu quả nghiêm trọng.
Sửa Luật, tăng chế tài xử phạt
Ông Long cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Xe ô tô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn.
Tuy nhiên, theo Điều 7 Công ước Viên về giao thông đường bộ 1968 mà Việt Nam là thành viên, việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn, trừ trường hợp ngoại lệ theo quy định của luật quốc gia.
Như vậy, đang có sự khác nhau giữa quy định về việc thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô trong Luật GTĐB năm 2008 và Công ước kể trên.
Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất: Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật TTATGT đường bộ diễn ra sáng 16/5 do Viện Nghiên cứu lập pháp và Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, quy định này chưa đủ toàn diện.
Theo ông Minh, quy định trên đồng nghĩa với việc hành khách vẫn có thể không thắt dây an toàn ở những vị trí không có. Với một số xe xuất xưởng từ lâu, có thể không có dây an toàn do chưa có quy định yêu cầu dây an toàn tại thời điểm sản xuất xe.
Do đó, ông Minh đề xuất sửa theo hướng: "Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ".
Theo đó, mọi hành khách trên xe phải thắt dây an toàn; yêu cầu tất cả các ghế trên xe ô tô (gồm xe mới và xe cũ) đều phải có dây an toàn. Với những xe xuất xưởng từ lâu, hiện không có dây an toàn, cần ban hành quy chuẩn với dây an toàn và hướng dẫn lắp đặt bổ sung.
“Ngoài ra, người trưởng thành chịu trách nhiệm về việc hành khách phải thắt dây an toàn trên xe ô tô. Người lái xe chịu trách nhiệm bảo đảm người chưa trưởng thành (dưới 18 tuổi) trên xe ô tô phải thắt dây an toàn; người lái xe bị xử phạt nếu để người chưa trưởng thành không thắt dây an toàn trên xe ô tô đang chạy (với xe cá nhân)”, ông Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, đề xuất quy định tất cả người ngồi trên ô tô đều phải thắt dây an toàn là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho người ngồi trên xe khi tham gia giao thông.
Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cũng cho hay, việc luật hóa quy định thắt dây an toàn đối với tất cả hành khách trên ô tô là cần thiết, nếu được thực thi nghiêm túc chắc chắn sẽ tránh được nhiều trường hợp bị thương tích nặng hoặc tử vong đáng tiếc.
Trong khi đó, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, Nghị định 100/2019 quy định người điều khiển xe không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 800.000 - 1 triệu đồng; người được chở ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
“Mức phạt này hiện còn khá thấp, cần tăng mức xử phạt để tạo tính răn đe”, luật sư Bình nhìn nhận.
Ông Bùi Huynh Long cũng nhấn mạnh: Cần bổ sung thêm hình phạt bổ sung đối với lỗi vi phạm này, đơn cử như trừ điểm bằng lái, tăng cường ứng dụng công nghệ trong phát hiện xử phạt nguội hành vi không thắt dây an toàn.
“Theo kinh nghiệm quốc tế, nếu chính sách này áp dụng một cách chặt chẽ và hiệu quả, có thể kéo giảm từ 50% số thương vong nghiêm trọng đối với các vụ va chạm giao thông liên quan tới ô tô, tương đương 1.000-1.500 người/năm”, ông Huynh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận