Hạ tầng

Cải tạo cầu Đuống, gỡ nút thắt giao thông thủy

17/03/2020, 08:02

Cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902, tĩnh không thấp, chỉ tàu trọng tải nhỏ mới lưu thông được, là nút thắt cản trở vận tải thủy...

img
Cầu Đuống hiện là điểm cản trở giao thông nhất trên hành lang đường thủy số 1

Ông Đỗ Cường Quốc, Trưởng phòng Kỹ thuật Cảng thủy container Hải Linh (sông Lô, TP Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, mấy tháng nay hai tàu SB chuyên chở container từ cảng phải nằm chơi vì không tổ chức vận chuyển được chuyến hàng nào đi cảng biển Hải Phòng.

“Khách gọi đặt vận chuyển nhưng nhiều lần chỉ gom được 14-15 container, không ghép nổi đủ tàu. Nếu chạy phải bù lỗ nên không dám nhận nên nói khách thông cảm chuyển sang chạy bằng ô tô. Có lần hàng đủ chuyến tàu thì nước sông cạn, phải chờ nước lên khiến thời gian di chuyển dài ngày nên cũng không dám nhận”, ông Quốc kể.

Theo ông Quốc, hiện trên trục vận tải Hải Phòng - Bắc Ninh - Hà Nội - Việt Trì có 4 cảng thủy bốc dỡ container, trong đó 3 cảng đều nằm ở hạ lưu sông Đuống và thuận lợi hơn vì luồng nước ổn định, đảm bảo cho tàu hoạt động đủ tải quanh năm. Còn cảng Hải Linh phải đi qua tuyến sông Hồng, sông Lô và cầu Đuống nên gặp khó khăn cả trong mùa lũ lẫn mùa cạn.

“Mùa nước lũ tàu muốn qua cầu Đuống phải chờ đợi đến khi nước hạ xuống, phải giảm tải mới qua được. Mùa nước cạn, một số đoạn luồng trên sông Hồng, sông Lô bị cạn, muốn đi cũng phải giảm tải, thậm chí phải chờ nước lên”, đại diện cảng Hải Linh cho biết thêm.

Công ty vận tải biển Vinalines Container (đơn vị mở tuyến vận tải thủy container Việt Trì - Hải Phòng) cho biết, từ tháng 6/2017 đơn vị khai thác container đường thủy bằng sà lan 22-26 TEUs tại khu vực phía Bắc. Mục tiêu mở tuyến là mỗi tuần chạy 2-3 chuyến chở vỏ container rỗng từ Hải Phòng tới Cảng Hải Linh, đóng hàng tại các nhà máy cảng khoảng 10km và chở container hàng từ cảng để xếp tàu vào miền Trung, miền Nam. Do hạn chế về tĩnh không cầu Đuống và luồng lạch, sà lan đi từ đoạn Việt Trì đi cầu Đuống chỉ có thể hoạt động vào ban ngày. Do đó, hàng hóa từ Việt Trì đi khu vực Hải Phòng và ngược lại thường mất khoảng 2 ngày và sà lan chỉ chở được tối đa 2 lớp container nên không tận dụng tối đa được hệ số lợi dụng dung tích và trọng tải.

Theo Công ty vận tải biển Vinalines Container, giá thành vận chuyển mỗi container tuyến Việt Trì - Hải Phòng rẻ hơn 500.000 - 600.000 đồng/container 20feet so với đường bộ. Tuy vậy, lợi thế trên đang bị mất do điểm nghẽn cầu Đuống, khiến thời gian vận chuyển dài, không khai thác được tối đa trọng tải sức chở phương tiện nên khó giảm chi phí vận tải. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ “nút thắt” cầu Đuống để phát triển vận tải thủy.

img
Cầu Đuống được sử dụng chung cho đường sắt và đường bộ, hiện là điểm cản trở giao thông nhất trên hành lang đường thủy số 1

Theo Bộ GTVT, Hành lang đường thủy số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì qua sông Đuống) có chiều dài 250km, là tuyến vận tải thủy quan trọng để vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng container, hàng rời như vật liệu xây dựng, apatit, phân bón... Đến nay tuyến đã được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng tàu trọng tải đến 800 tấn tận dụng thủy triều để lưu thông.

Tuy nhiên, trên hành lang này hiện có cầu Đuống (xây dựng từ năm 1902, dùng chung đường bộ và đường sắt), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8m vào thời điểm nước cao, chiều rộng khoang thông thuyền chỉ khoảng 26m. Do vậy, chỉ tàu trọng tải đến 600 tấn, sà lan sức chở 24 TEUs (chỉ xếp được 2 lớp) mới lưu thông được qua trong điều kiện chờ nước xuống, làm tăng thời gian và chi phí vận tải, cũng như nguy cơ cao xảy ra va chạm giữa tàu và trụ cầu.

“Để sớm giải quyết nút thắt về vận tải của tuyến Hành lang đường thủy số 1, Bộ GTVT mới đây đề nghị Thủ tướng xem xét, cho phép cải tạo cầu Đuống theo phương án nâng, hạ nhịp khoang thông thuyền với chiều cao tĩnh không 9,5m, chiều rộng 50m và giữ nguyên các nhịp còn lại. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 360 tỷ đồng, đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025”, Bộ GTVT thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.