Tuy nhiên, để tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này trở thành lựa chọn làm phương tiện di chuyển của họ, vẫn còn nhiều việc phải làm.
Gần 100.000 người đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông 3 ngày đầu
Sáng 9/11, ghi nhận của PV tại tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho thấy, việc tổ chức kiểm soát y tế và phòng, chống dịch Covid-19 chặt chẽ hơn so với 3 ngày đầu vận hành (từ 6/11).
Tại các ga, hành khách được kiểm tra thân nhiệt, phải khai báo y tế và ngồi theo vị trí ngồi giãn cách tại ke ga chờ tàu.
Trong 3 ngày đầu vận hành (6-8/11), tuyến tàu điện đô thị Cát Linh - Hà Đông đã chở miễn phí gần 100.000 lượt hành kháchẢnh: Tạ Hải
Lượng hành khách đi tàu trong sáng 9/11 cũng không còn quá đông như các ngày trước, hầu hết khách có chỗ ngồi, nên bên trong khá thông thoáng… Hành khách đi tàu ga Cát Linh được gửi xe máy, xe đạp miễn phí.
Tại một số nhà ga có lực lượng TTGT, công an phối hợp bảo đảm TTATGT và phòng, chống dịch Covid-19.
Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, sau 3 ngày đầu tiên vận hành miễn phí, tổng số vận hành 386 chuyến tàu và có 99.142 lượt hành khách sử dụng tàu điện Cát Linh - Hà Đông.
Trong đó, ngày đầu tiên chạy 109 chuyến tàu, chở 25.680 lượt khách; ngày thứ hai 141 chuyến, chở 54.121 lượt; ngày thứ ba 136 chuyến, chở 19.341 khách.
Hai ngày đầu tiên có số lượng khách đông hơn ngày thứ 3 do đây là các ngày cuối tuần, tập trung đông hành khách đi để trải nghiệm, tham quan miễn phí tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và cả nước.
Sang ngày thứ 3, vào ngày làm việc đầu tuần nên lượng người đi trải nghiệm, tham quan giảm hơn.
Siết chặt phòng dịch, đảm bảo an toàn cho hành khách
Liên quan công tác phòng dịch Covid-19, đơn vị quản lý tuyến Cát Linh - Hà Đông đã siết chặt hơn so với 3 ngày đầu. Khu vực cầu thang dẫn lên một số nhà ga có lực lượng công an, TTGT phối hợp đảm bảo TTATGT và giám sát việc chấp hành quy định về phòng dịch của khách đi tàu.
Tại các ga, hành khách được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, dãy ghế dành cho khách ngồi chờ lên tàu được bố trí giữ khoảng cách.
Về bất cập trong việc bố trí các điểm trông giữ xe cho khách đi tàu, đại diện Hà Nội Metro cho biết, đơn vị không tổ chức dịch vụ trông xe mà chỉ hướng dẫn để thuận lợi cho khách, còn trách nhiệm tổ chức điểm trông giữ xe thuộc Sở GTVT Hà Nội.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhận được sự quan tâm lớn của người dân sau khi vận hành. Ảnh: Tạ Hải
Liên quan việc khai thác nhà ga tàu Cát Linh - Hà Đông thế nào để sinh lời, hấp dẫn hành khách đi tàu, TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức chia sẻ, doanh thu từ vé tàu Cát Linh - Hà Đông chưa chắc đã đủ để bù chi phí vận hành hàng ngày, đừng nói trả vốn vay Trung Quốc.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đối với tuyến giao thông công cộng nhanh, sức chở lớn, các nhà ga chính phải vừa là tụ điểm hấp dẫn có các hoạt động vui chơi, giải trí về thương mại, kinh doanh, vừa là nơi để kết nối đa phương thức dễ dàng.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao, với 12 nhà ga, trung bình 1,2km có một ga. Từ ngày 6/11, tuyến tàu điện này được đưa vào khai thác vận hành và chở khách miễn phí đến hết ngày 20/11/2021. Thời gian này các đoàn tàu hoạt động từ 5h30 - 22h hàng ngày, tần suất hoạt động 15 phút/chuyến, giá vé một lượt 8.000 - 15.000 đồng, vé ngày 30.000 đồng.
Hà Nội muốn tăng lượng khách sử dụng tuyến này phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, tất cả các tuyến đường dẫn đến nhà ga phải tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ, bởi 70% hành khách sử dụng tuyến giao thông công cộng này là tiếp cận nhà ga bằng đôi chân của mình.
Do vậy, điều kiện đi bộ là điều kiện kiên quyết. Khó khăn, không thuận lợi cho người đi bộ sẽ hạn chế hành khách sử dụng tuyến này.
Cùng đó, bán kính trên 500m phạm vi cho người đi bộ cần phải kết nối trung chuyển với phương thức khác bao gồm xe đạp, xe máy, xe buýt gom để kết nối từ khu đô thị về các ga.
Tại các nhà ga cần phải có bãi đỗ xe giảm giá một nửa hoặc miễn phí cho người đi xe cá nhân đến đi tàu và bãi xe kinh doanh bằng việc cho thuê xe đạp điện, xe máy điện giá rẻ phục vụ nhu cầu của hành khách.
Tổ chức lại giao thông, kết hợp kinh doanh dịch vụ tại các ga
Về hoạt động kinh doanh nhà ga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức cho rằng, tầng 1, tầng 2 phải bố trí các kiot bán lẻ để người dân đến các ga tàu điện không chỉ đi lại mà còn để mua sắm.
Ngoài ra, đơn vị vận hành cũng nên kết hợp quảng cáo, thậm chí từng nhà ga có thể bán cho một số tập đoàn lớn để họ kinh doanh tạo ra nguồn thu.
Ngoài ra, trong phạm vi bán kính 500m phải phát triển khu thương mại xung quanh, cho phép xây dựng nhà cao tầng. Nhà đầu tư phải trả phí cho thành phố để đưa vào quỹ hỗ trợ vận hành đường sắt. Để làm được điều đó phải có điều chỉnh về luật nhằm hỗ trợ cho phát triển đô thị lâu dài.
TS. Tuấn cho rằng, để thu hút hơn nữa hành khách cho tuyến này cần phải có kết nối đa phương thức. Ngoài kết nối về thanh toán, hành khách đi liên thông từ vận tải hành khách công cộng gồm: Taxi công nghệ, xe buýt đến đi tàu điện phải được giảm giá để thu hút khách.
Cùng đó, cần tổ chức lại giao thông phù hợp tại các ga để tránh tình trạng biến nơi đây thành điểm đen ùn tắc.
“Khi vận hành các nhà ga sẽ thu hút hàng nghìn người đi xe cá nhân vào ga gửi xe sẽ làm cho đường dẫn tới nhà ga tắc nghẽn, dẫn tới nguy cơ ùn tắc cục bộ khu vực xung quanh nhà ga càng lớn. Như vậy, cần có nghiên cứu để tái tổ chức giao thông ra - vào”, TS. Tuấn nói.
Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thu hút khách tốt hơn, cần tổ chức tốt dịch vụ trông giữ xe tại các ga và nhất là kết nối tốt với các tuyến buýt.
“Ở nước ngoài, các ga đầu của tuyến đường sắt đô thị đều có bãi trông giữ ô tô, xe máy để phục vụ khách đi tàu. Việc kết nối đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt cũng phải thuận lợi, chẳng hạn như tại ga đầu mối cũng là điểm đầu của tuyến xe buýt, trong ga có các vị trí dành cho xe buýt chờ đón khách”.
Bên cạnh kết nối để chuyển tiếp phương tiện di chuyển, cần nghiên cứu kết nối cả về giá vé để liên thông vé tàu và xe buýt. Chẳng hạn, khách sử dụng vé tháng tàu điện Cát Linh - Hà Đông được liên thông vé tháng đối với 2 - 3 tuyến buýt, với giá vé phù hợp sẽ giúp khuyến khích, thu hút khách sử dụng tàu điện”, ông Thanh nêu vấn đề.
Đề xuất các vị trí phù hợp để trông giữ xe cho khách
Ông Đỗ Việt Hải, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đầu tiên của Hà Nội và cả nước nên quá trình đưa vào sử dụng sẽ cần xây dựng thêm nhiều giải pháp đồng bộ.
“Chúng tôi vừa có văn bản đề nghị các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông rà soát đề xuất các vị trí phù hợp quanh các nhà ga trên tuyến để trông giữ xe cho hành khách đảm bảo thuận tiện, an toàn”, ông Hải thông tin.
Cũng theo ông Hải, tới đây Sở GTVT sẽ tổ chức lại giao thông tại một số khu vực ga, kết nối với xe buýt tiện ích. Về lâu dài sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường sắt còn lại để hành khách đi lại liên tuyến, thuận tiện hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận