Đường bộ cần hơn 47.000 tỷ đồng
Thông tin về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tại Hội nghị giao ban công tác quý III, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV/2024 của Bộ GTVT sáng nay (11/10), ông Nguyễn Hữu Quân, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Kết cấu hạ tầng cho biết, năm 2024, trên tổng số vốn bảo trì gần 20.500 tỷ đồng được giao, tính đến nay, giá trị giải ngân trên cả 5 lĩnh vực đạt gần 10.200 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch.
"Công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và đường sắt đã được các Cục chuyên ngành chỉ đạo triển khai thi công từ đầu quý II/2024.
Lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa mới bắt đầu triển khai do đây là thời điểm phù hợp về điều kiện thời tiết, thủy văn để nhà thầu có thể thi công", ông Quân thông tin.
Thông tin từ Bộ GTVT, tính cả ảnh hưởng của bão số Yagi và các đợt thiên tai khác, đến nay, các đơn vị chức năng đã khắc phục 563/567 vị trí sạt lở; toàn bộ các cầu đã được thông xe trở lại; hỗ trợ cấp 15.500 rọ thép cho 7 địa phương khu vực phía Bắc.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã cứu và hỗ trợ 906 người với 51 phương tiện.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng, duy trì nguồn lực, hiệu quả trong công tác bảo trì, Vụ đã phối hợp với các Cục chuyên ngành trong công tác xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2025.
Trong tháng 7/2024, Bộ GTVT đã chấp thuận nhu cầu bảo trì 5 lĩnh vực.
Trong đó, nhu cầu lĩnh vực đường bộ khoảng 47.157 tỷ đồng; Đường sắt khoảng hơn 9.200 tỷ đồng; Đường thuỷ nội địa khoảng 1.196 tỷ đồng; Lĩnh vực hàng hải hơn 1.700 tỷ đồng; Hàng không 630 tỷ đồng; Phóng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là hơn 402 tỷ đồng.
"Đối với danh mục công trình chuẩn bị đầu tư cho kế hoạch bảo trì năm 2025, đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận 391 công trình sửa chữa trên hệ thống quốc lộ với tổng kinh phí gần 8.400 tỷ đồng; Sửa chữa 21 cảng hàng không với tổng kinh phí 458 tỷ đồng", lãnh đạo Vụ Kết cấu hạ tầng thông tin.
Tiếp tục rà soát, nâng cấp cầu yếu
Liên quan đến công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông sau bão lũ, ông Nguyễn Hữu Quân cho biết, tình hình mưa lũ với diễn biến phức tạp xảy ra nhiều đợt từ tháng 6/2024 đến nay đã gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và hư hỏng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo thống kê ban đầu, riêng bão số 3 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 4.177 vị trí, đoạn đường trên hệ thống quốc lộ, trong đó có 820 vị trí bị tắc đường.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị quản lý đường bộ đã nỗ lực thực hiện khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông, cơ bản các tuyến quốc lộ đã thông đường, còn lại 3 vị trí ách tắc trên quốc lộ, gồm: Phú Thọ 1 vị trí (cầu Phong Châu, QL32C), Nam Định 1 vị trí (cầu phao Ninh Cường, QL37B), Quảng Ninh 1 vị trí (Km 10+390/QL.18B) đang được khẩn trương tổ chức khắc phục.
"Bước đầu ước tính giá trị thiệt hại cần khắc phục đối với quốc lộ từ Thanh Hóa trở ra khoảng 3.000 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với dự kiến khoảng hơn 800 tỷ đồng).
Thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng; Thiệt hại của doanh nghiệp khoảng 48 tỷ đồng", đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng nói và cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, thời gian tới, Vụ sẽ phối hợp rà soát, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông.
"Việc rà soát sẽ tập trung vào các cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra.
Vụ cũng sẽ thường xuyên rà soát, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai để có kế hoạch, phương án ứng phó rủi ro do thiên tai gây ra một cách hiệu quả, giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; rà soát điều chỉnh, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình giao thông theo cấp độ rủi ro thiên tai", ông Quân chia sẻ.
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, theo thống kê, tình trạng mưa lũ trong thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông trên các quốc lộ, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
"Đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, Cục Đường bộ đã huy động toàn bộ hệ thống, các khu quản lý đường bộ, các doanh nghiệp bảo trì tập trung công tác ứng phó và nhận được sự đánh giá cao của địa phương về tính kịp thời, hiệu quả", ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, năm 2024, Cục Đường bộ VN được bố trí hơn 12.000 tỷ đồng vốn bảo trì. Giá trị giải ngân đến nay đã đạt 55% kế hoạch.
"Tiến độ giải ngân có thể đẩy nhanh hơn nữa, song, thời gian qua do ảnh hưởng của mưa lũ, công tác giải ngân gặp nhiều khó khăn. Cục đã làm việc, đề nghị các địa phương tăng tốc hơn nữa trong khắc phục kết cấu hạ tầng, vừa đảm bảo thuận lợi cho phương tiện di chuyển, vừa đảm bảo được tiến độ giải ngân", lãnh đạo Cục Đường bộ chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận