Tăng tốc số hoá, thông luồng cho tàu thuyền
Đầu tháng 6/2024, Ngân hàng Thế giới World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index – chỉ số hoạt động cảng container) cho 405 cảng container toàn cầu trong năm 2023.
Chỉ số này dựa trên nhiều yếu tố như thời gian tàu vào luồng, cập cảng, năng suất bốc và dỡ hàng lên xuống cảng, tổng lượng hàng/chuyến, tàu rời cảng ra luồng, cũng như các yếu tố về tàu lớn (tiết kiệm nhiên liệu hơn), số hóa.
Vượt qua hàng trăm cảng biển trên thế giới, cảng biển Hải Phòng đã xếp thứ 70 cảng container hoạt động hiệu quả. Thành tích này là cú "lội ngược dòng" ngoạn mục khi cảng biển Hải Phòng đã vươn tới 70 hạng so với năm trước (vị trí thứ 140).
Có được kết quả trên là sự chung tay của cả cộng đồng. Đóng góp không nhỏ trong đó là Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng khi đã luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp cảng hoạt động hiệu quả và bảo đảm cho tàu thuyền ra vào cảng biển an toàn, nhanh chóng.
Năm 2023, có hơn 16.800 lượt tàu thuyền qua cảng biển Hải Phòng với hơn 97,6 triệu lượt hàng hoá thông qua. 6 tháng đầu năm 2024, ước số lượt tàu biển thông qua cảng biển Hải Phòng đạt hơn 8.200 lượt và tổng lượng hàng hoá thông qua ước đạt hơn 52,9 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Với số lượng ấy, ở vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cho tàu thuyền vào, rời cảng biển tại Bộ phận một cửa, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo hoạt động hàng hải tại khu vực diễn ra thông suốt.
Một trong số đó là việc bố trí nhân lực túc trực 24/7 không quản ngày đêm, lễ Tết. Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ chia sẻ, việc bố trí nhân lực để tiếp nhận thông tin, lập kế hoạch, giải quyết thủ tục hành chính và theo dõi, giám sát tàu thuyền hoạt động, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tăng cường nhân lực tại mỗi vị trí tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC. Cảng vụ cũng bố trí riêng máy tính tại khu vực giải quyết TTHC để người làm thủ tục khai báo, sửa đổi, đính chính thông tin trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
"Hướng tới công tác số hoá, Cảng vụ luôn chủ động đẩy mạnh cải cách TTHC nhằm đơn giản hóa, công khai hóa, tạo thuận lợi tối đa cho chủ tàu, chủ hàng và các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động tại cảng biển.
Qua đó, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế hàng hải nói riêng, kinh tế xã hội đất nước nói chung", ông Vũ nói và thông tin thêm, hiện Cảng vụ đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình với tất cả TTHC cho tàu biển vào, rời cảng. Việc tàu cập cầu là được làm hàng ngayđã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giải phóng hàng nhanh hơn.
Ngoài ra, việc bộ phận Một cửa giải quyết TTHC được đặt tại trụ sở Cảng vụ cũng giúp những người làm thủ tục tiết kiệm thời gian, chi phí vì chỉ cần đến 1 địa điểm để giải quyết tất cả các thủ tục liên quan (thay vì đến 5 cơ quan khác nhau như trước). Việc thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền đã giảm thiểu nhiều loại giấy tờ phải nộp.
Bên cạnh những nỗ lực của Cảng vụ là sự đồng hành, phối hợp của các doanh nghiệp tại khu vực. Nhiều doanh nghiệp cảng biển tại Hải Phòng đã đẩy mạnh số hoá để nâng cao hiệu suất khai thác cảng biển.
Theo tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp cảng container tại Hải Phòng đều trang bị phần mềm tiên tiến trên thế giới như PL-TOS, CATOS, TOPS, VTOS, SPM, TTOS để quản lý điều hành khai thác cảng, giúp tăng năng suất, sản lượng hàng hóa thông qua cảng.
Các doanh nghiệp còn sử dụng các giải pháp thông minh khác như cổng thông minh (Smart Gate) để nhận dạng mã container, nhận diện biển số xe đầu kéo, rơ moóc, cùng phần mềm đăng ký làm hàng và thanh toán trực tuyến qua mạng Internet (ePort); lệnh giao hàng điện tử (EDO); hệ thống định vị dẫn hướng tự động (D.GPS) lắp đặt trên các cần cẩu trên bãi cảng (RTG) để nhận diện vị trí container…
Nhờ áp dụng các phần mềm hỗ trợ điều hành, khai thác cảng đã rút ngắn thời gian xếp, dỡ hàng hóa, giảm thời gian tàu nằm chờ tại cảng. Qua đó, tăng sản lượng tàu thuyền và hàng hóa thông qua cảng.
Đảm bảo an toàn cho tàu lớn ra vào cảng
Cuối năm 2022, tàu Wanhai A07 với trọng tải gần 145.000 DWT vào cảng TC-HICT (Lạch Huyện) đã xác lập "cột mốc" mới cho cảng biển Hải Phòng, ghi tên vào bản đồ những cảng container nước sâu đón được tàu siêu trường, siêu trọng trên hải trình thế giới.
Điều này cũng cho thấy việc đáp ứng xu thế tăng kích cỡ, trọng tải tàu của ngành hàng hải. Ngoài cảng nước sâu Lạch Huyện, khu vực Đình Vũ cũng có thể tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 48.000 DWT giảm tải.
Thống kê cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng tàu lớn (hơn 20.000 DWT) vào, rời cảng biển Hải Phòng đạt khoảng 2.044 lượt. Giới chuyên môn nhận định, việc tiếp nhận tàu có trọng tải lớn đến cảng đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của cảng biển Hải Phòng trên trường quốc tế.
Kết quả, ngoài nâng cao sản lượng hàng hóa thông qua cảng, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Hải Phòng đi châu Mỹ, châu Âu và ngược lại, còn giúp giảm chi phí logistics và tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải hiện hữu.
Để những tàu có trọng tải lớn vào, rời cảng thuận tiện, an toàn, nhanh chóng, được biết, Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng đã thực hiện nhiều phương án như hướng dẫn các doanh nghiệp cảng thực hiện quy trình, thủ tục cải tạo, nâng cấp cầu cảng trình cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng thông tin, Cảng vụ đã đề nghị Công ty TNHH MTV Hoa tiêu Hàng hải khu vực II bố trí các hoa tiêu lành nghề, dày kinh nghiệm dẫn những tàu trọng tải lớn ra, vào cảng.
Đặc biệt, khai thác triệt để hệ thống VTS và các trang thiết bị hiện có để điều tiết, hướng dẫn tàu thuyền hành trình an toàn, cũng như cập nhật kịp thời điều kiện khí tượng thủy văn, các sự cố, tai nạn và những rủi ro tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn để xử lý kịp thời.
Cùng đó, phối hợp với doanh nghiệp cảng biển nâng cấp đoạn luồng từ vũng quay trước bến cảng TC-HICT đến bến cảng Nam Đình Vũ bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, từ độ sâu -7m đến nay đã đạt -8m. Sau khi hoàn thành sẽ đạt độ sâu -8,5m. Khi đó, bến cảng Nam Đình Vũ có thể đón được những tàu có trọng tải trên 40.000 DWT chở đầy tải ra, vào làm hàng.
"Thời gian tới, Cảng vụ sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp cảng đề xuất Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN chấp thuận để các doanh nghiệp cảng nâng cấp tiếp đoạn luồng từ bến cảng Nam Đình Vũ đến chân cầu Bạch Đằng từ -7m đến -8,5m. Khi đó các bến cảng khu vực Đình Vũ có thể khai thác những tàu có mớn sâu vào, rời cảng", ông Vũ thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận