Tử vong vì bệnh dại từ vết cắn của thú cưng
Tiêm vaccine cho thú cưng là cách phòng lây truyền bệnh dại hiệu quả
Mấy ngày qua, chị Trần Thu Hằng (Tây Hồ, Hà Nội) lo sốt vó đưa cậu con trai đi thêm phòng vaccine dại vì bị chú mèo cưng gia đình nuôi gần 5 năm cắn chảy máu tay.
Chị Hằng than phiền: “Chỉ vì cứ thấy chó, mèo là sán lại trêu, cách đây nửa năm, con tôi đã bị chó nhà hàng xóm cắn, phải đi tiêm 3 mũi vaccine. Giờ lại đến mèo nhà cắn. Tôi chưa từng tiêm phòng dại cho mèo, hơn nữa nó lại vừa đi hoang gần nửa tháng mới về”.
Không phải vô cớ chị Hằng lại lo lắng như vậy. Theo thống kê mới nhất từ Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh dại xảy ra tại 20 tỉnh, thành phố, với 80 ca bệnh và một số ca tử vong được các địa phương báo cáo.
Cuối tháng 3/2023, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận 2 bệnh nhi nguy kịch với chẩn đoán mắc bệnh dại. Đó là bé L.B.T. (40 tháng tuổi, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) được gia đình đưa đến viện trong tình trạng nôn nhiều, co giật kèm theo nhiều đờm dãi, sợ gió, sợ nước. Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh dại.
Theo người thân, bé T. thường xuyên tiếp xúc với chó, mèo và trước đó 1 tháng con chó của gia đình nuôi chết không rõ nguyên nhân. Đáng tiếc, dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng bé T. không qua khỏi.
Tương tự, bé V.Q.H. (9 tuổi, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) đến viện khi đã xuất hiện đủ các dấu hiệu của bệnh dại. Ban đầu, khi bé H. nhập viện với triệu chứng sốt cao, chán ăn, đau cổ và khó nuốt. Ít ngày sau, tình trạng nặng hơn kèm sợ ánh sáng và la hét. Trẻ tử vong sau khi được chuyển lên tuyến trên. Qua khai thác từ người thân của H., rất có thể bé bị chó cắn nhưng không kể với gia đình nên chưa được tiêm vaccine phòng dại.
Theo BS. Trần Văn Cương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây viêm não tủy cấp tính do virus dại truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết thương, vết liếm ở da bị tổn thương của chó, mèo mắc bệnh.
Việc gia đình nuôi con vật trong nhà, nhất là vật khi chưa được tiêm phòng vaccine dại và để trẻ thường xuyên tiếp xúc với chúng cũng mang nhiều nguy cơ. Do thời gian ủ bệnh dại khá dài từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến 1 năm hoặc hơn nên nhiều cha mẹ thường không để ý đến những tổn thương trên cơ thể trẻ.
“Những trường hợp tử vong do bệnh dại từ chính thú cưng trong nhà bị nhiễm virus dại dù liên tục được cảnh báo, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn rất chủ quan không tiêm phòng cũng như không dự phòng khi tiếp xúc với thú cưng”, BS. Cương nói.
BS. Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, việc lựa chọn nuôi thú cưng là chó, mèo cần phải được các gia đình tính toán kỹ nhất là khi trong nhà có trẻ nhỏ, bởi nguy cơ trẻ bị tổn thương, hoặc lây nhiễm bệnh dại rất cao.
Thú cưng tiêm phòng dại, liệu đã yên tâm?
Theo Cục Thú y, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng các trường hợp động vật mắc bệnh dại trong thời gian vừa qua là công tác quản lý chó, mèo tại các địa phương còn lỏng lẻo. Tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng vaccine dại còn rất thấp, đạt 40% tổng đàn.
Tuy nhiên, BS. Trương Hữu Khanh cho biết, kể cả việc chó, mèo nuôi trong nhà đã được tiêm phòng vaccine dại thì cũng chưa thể đảm bảo 100% không nhiễm virus dại. Chính vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả, ngoài việc tiêm vaccine cho thú nuôi, người dân cần tiêm phòng vaccine dại hoặc huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.
Ông Khanh cho biết thêm, thời kỳ ủ bệnh dại ở cơ thể mỗi người phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương. Tuy nhiên, khi cơ thể phát bệnh dại thì tỷ lệ tử vong gần 100%. Hầu hết các ca tử vong vì bệnh dại là do chủ quan không tiêm phòng sau khi bị vật nuôi nhiễm virus dại tấn công.
“Ngay khi bị chó hay mèo dại hoặc nghi dại cắn, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiêm phòng, không nên chờ đợi theo dõi tình trạng của con vật, cũng không phải lo ngại sự ảnh hưởng của vaccine dại đến sức khỏe. Tất cả vaccine tiêm phòng thế hệ mới hiện nay đều rất an toàn.
Đặc biệt, nạn nhân bị chó, mèo cắn tuyệt đối không dùng thuốc nam, đông y, không tự chữa theo phương pháp truyền miệng như dùng dao cào vết thương nhằm loại bỏ máu độc hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại”, BS. Trương Hữu Khanh khuyến cáo.
Để chủ động phòng, chống bệnh dại, đặc biệt trước mùa cao điểm nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận