Đủ kiểu lừa đảo
Chiêu thức mạo danh môi giới tại các sàn bất động sản uy tín, để đánh vào lòng tin của khách hàng đang được nhiều đối tượng lừa đảo, sử dụng trong thời gian gần đây.

Trong giao dịch bất động sản, người mua bán cần phải cảnh giác trước nhiều chiêu trò lừa đảo ngày càng mới và tinh vi. Ảnh minh họa.
Anh Nguyễn Quang Hùng (Hà Nội), một nạn nhân bị "dính bẫy" bởi chiêu thức này chia sẻ: "Mình có đăng tin bán căn hộ trên 1 trang mạng. Sau đó có một bạn nhân viên gọi tư vấn giới thiệu làm bên một sàn môi giới lớn và tư vấn gói 500 nghìn đồng, quảng cáo hỗ trợ bán trên các trang rao bán bất động sản lớn khác".
Tuy nhiên, khi chuyển tiền xong, tài khoản lừa đảo mất hút và không thực hiện như đã quảng cáo. Anh Hùng cho biết: "Nhắn Zalo thì im lặng, còn điện thoại thì không bắt máy, 500 nghìn đồng thì mình không tiếc, nhưng là một bài học kinh nghiệm".
Không chỉ mạo danh nhân viên của các sàn môi giới lớn, tình trạng các đối tượng lừa đảo tổ chức lập website, mạo danh công ty, cơ quan cũng là một trong những phương thức lừa đảo tinh vi trong thời gian qua.
Anh Nguyễn Thanh Huy (TP.HCM) chia sẻ về việc đọc được thông tin trên mạng về một dự án tại huyện Củ Chi có mức giá chỉ 5 triệu đồng/m2 và cam kết có sổ hồng ngay khi mua đất.
Trong phần giới thiệu về dự án, đối tượng lừa đảo đã mạo danh UBND huyện Củ Chi với thông báo: "Nhằm phát triển quỹ đất huyện Củ Chi, hiện nay, UBND huyện đang công bố mở bán 50 nền 5×18, 5×20 ngay mặt tiền Quốc lộ 22 để phục vụ cho người dân và nhà đầu tư với giá 5 triệu đồng/m2. Để đảm bảo cho thị trường mua bán diễn ra ổn định, UBND huyện liên kết, bàn giao chủ đầu tư Cát Tường Sài Gòn chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm, với nhiều chương trình ưu đãi như chiết khấu 5%/hợp đồng, phiếu bốc thăm trúng xe SH, máy lạnh, tivi, điện thoại…".
Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, anh Huy phát hiện trên thị trường không có chủ đầu tư nào có tên Cát Tường Sài Gòn (mà chỉ có Công ty Cát Tường). UBND huyện Củ Chi cũng không liên kết với bất cứ doanh nghiệp nào để bán đất.
Không chỉ các chiêu thức lừa đảo trên thị trường mua bán bất động sản ngày càng tinh vi, mà tại thị trường cho thuê cũng đang diễn biến hết sức phức tạp. Hiện nay, lợi dụng nhu cầu đi du lịch tăng cao, nhất là vào mùa cao điểm nghỉ lễ 30/4 – 1/5, nhiều đối tượng đã lập các trang fanpage giả mạo của các khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn để lừa đảo tiền cọc.
Chị Lê Minh Châu, một người dân tại Hà Nội vừa bị lừa mất tiền đặt cọc khi đặt phòng khách sạn tại Ninh Bình để cả gia đình đi nghỉ dưỡng dịp lễ 30/4 – 1/5 chia sẻ: "Do trên mạng thấy fanpage của khu nghỉ dưỡng này có hàng chục nghìn người theo dõi nên chủ quan, nghĩ là địa chỉ liên hệ chuẩn xác. Sau khi đánh vào tâm lý dịp lễ nhanh hết phòng và tôi chuyển tiền cọc gần 10 triệu đồng, fanpage này nhắn tin là nhập sai mã, bảo chuyển tiếp và còn cho thêm một số điện thoại kế toán để liên hệ, tuy nhiên khi liên hệ với số điện thoại trên thì không thể liên lạc được".

Fanpage chính thức của khu nghỉ dưỡng nơi chị Châu bị lừa đảo đã lên tiếng để cảnh báo khách hàng.
Người mua cần làm gì để tránh sập bẫy?
Để phòng ngừa tối đa các rủi ro, luật sư Nguyễn Hữu Toại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, người mua bán các bất động sản cần chú ý kiểm tra tình trạng pháp lý của đất, dự án xem đã đủ điều kiện chuyển nhượng hay chưa. Đối với các dự án chủ đầu tư thực hiện, cần phải kiểm tra về tình trạng pháp lý dự án, quyết định phê duyệt, giấy phép xây dựng, các phê duyệt về phòng cháy chữa cháy, thông báo của Sở Xây dựng địa phương... Sau khi kiểm tra đủ các giấy tờ và điều kiện theo quy định pháp luật, việc nhận chuyển nhượng căn hộ sẽ tránh được tối đa các rủi ro.
Bên cạnh đó, người mua cần cẩn trọng, không giao dịch chỉ dựa vào bản photo hay lời hứa miệng; không chuyển tiền đặt cọc nếu chưa có xác minh pháp lý rõ ràng; ưu tiên giao dịch tại các địa chỉ, thương hiệu uy tín; không thực hiện giao dịch đối với các bất động sản chưa có giấy chứng nhận.
Giữa mê trận lừa đảo đất đai biến hóa khôn lường, ông Lê Bảo Long, Giám đốc Marketing Batdongsan.com.vn khuyến cáo, người mua cần kiểm tra kỹ quy hoạch, pháp lý của sản phẩm.
Theo đó, người mua có thể kiểm tra xem nhà, đất định mua có nằm trong quy hoạch hay không bằng cách kiểm tra thông tin quy hoạch trên sổ, hoặc liên hệ phòng tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai tại quận, huyện nơi có nhà, đất để hỏi thông tin. Bên cạnh đó có thể tra cứu quy hoạch qua các công cụ, cổng thông tin trực tuyến.
Với vai trò là một đơn vị phân phối các dự án bất động sản tới tay người tiêu dùng, đại diện Công ty CP bất động sản Seaholdings khuyến cáo, khách hàng cần hiểu kỹ các thông tin dự án như nguồn gốc pháp lý, vị trí, quy hoạch, thông tin chủ đầu tư…
Đặc biệt, để tránh lọt bẫy lừa đảo, khi mở bán các chủ đầu tư sẽ có kênh tư vấn khách hàng, công khai thông tin trên các trang website, fanpage mang tên thương hiệu cá nhân, khách hàng cần nghiên cứu và tìm đúng địa chỉ để hỏi thông tin về dự án và các thủ tục quan trọng như đặt cọc, nộp tiền… Ngoài ra, chỉ nên giao dịch trực tiếp với chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối uy tín, tránh cò đất không rõ tin tức; cần có hợp đồng rõ ràng, thanh toán an toàn theo quy trình tại hệ thống ngân hàng uy tín và giữ lại hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Phan Đình Phúc, CEO Seenee (đơn vị chuyên review các dự án, sản phẩm bất động sản) cho rằng, để hạn chế lừa đảo, nên áp dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để lọc tự động các tin rao giá thấp "bẫy" nhà đầu tư, đồng thời tăng cường nhân sự kiểm duyệt nội dung trên các nền tảng rao vặt bất động sản để ngăn chặn thông tin ảo xuất hiện tràn lan.
Hiện nay, nhiều nền tảng đăng tin bất động sản đã áp dụng công cụ tính toán bằng AI, đối với những bài đăng bán dưới giá thị trường sẽ bị đưa vào danh sách spam. Sau đó, khi nhân sự kiểm tra nếu không phù hợp sẽ xóa thông tin, điều này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những thông tin rao bán ảo với mục đích xấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận