Để đảm bảo ATGT, an ninh trật tự nơi cửa ngõ 6 con sông, là địa bàn giáp ranh của ba tỉnh (Bắc Giang - Bắc Ninh - Hải Dương), lực lượng CSGT chốt trực ở nơi đây 24/24h các ngày trong năm. Địa bàn xa xôi, nhiều phức tạp, có những anh em 5-6 năm chưa từng đón Giao thừa với người thân ở nhà.
Lênh đênh đón Tết trên sông
Lật dở cuốn sổ công tác cuối năm dày đặc chữ, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang, Đội phó Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, năm nay, cũng như mọi năm, những ngày cận Tết anh em trong đội sẽ thực hiện đợt rà soát nhân khẩu sinh sống trên mặt nước, tuyên truyền pháp luật TTATGT tại các bến khách ngang sông trên địa bàn.
Riêng đêm Giao thừa, đã nhiều năm nay, Đội Cảnh sát đường thủy Bắc Ninh đều cử anh em cán bộ, chiến sỹ xuống tặng quà, đón khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới cùng các hộ dân nuôi trồng thủy sản, vạn chài sinh sống trên các khúc sông thuộc địa bàn quản lý. “Bà con xóm vạn chài không có nhà đất trên bờ, cả gia đình lênh đênh trên sông nước, đón Tết còn nhiều thiếu thốn, nên anh em ghé thăm thì vui mừng, nồng nhiệt lắm”, Thiếu tá Quang kể.
Năm 2018, Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức 131 buổi tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ, ký cam kết với 45 bến đò chở khách ngang sông, phát 5.200 tờ rơi; tổ chức 1.788 ca TTKS lưu động, nhắc nhở 11.700 người điều khiển phương tiện, lập biên bản xử phạt hành chính 595 trường hợp vi phạm, thu phạt hơn 613 triệu đồng. 8 năm qua, trên 120km đường sông của tỉnh Bắc Ninh không xảy ra TNGT.
Đội Cảnh sát đường thủy neo người. Trạm trực ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài ở xa khu dân cư, cách xa TP Bắc Ninh 40km. Trong khi hầu hết gia đình anh em cán bộ, chiến sỹ đều ở thành phố, nên thông thường các anh em 3-4 ngày về nhà 1 lần. Những hôm mưa gió, 100% anh em phải trực. Có những đợt, có anh em 2 tháng mới về 1 lần. Dịp Tết, Đội chia 2 ca trực, ai đón Giao thừa trên thuyền thì chiều mùng 1 Tết được về nhà, nhưng nếu có mưa gió, sự cố, chuyện trực xuyên Tết là sự thường.
Theo Đại úy Nguyễn Tiến Cường, Phó trưởng Phòng CSGT Bắc Ninh, anh em đã có kế hoạch trực Tết từ trước, nhưng lo nhất vẫn là những sự cố gia đình bất chợt trong ca trực. Thiếu tá Quang đã có lần nửa đêm phải báo cáo xin lãnh đạo phòng về nhà gấp vì vợ mổ cấp cứu; Thiếu tá Nguyễn Văn Thiện, cán bộ của Trạm Cảnh sát đường thủy Lương Tài 12h đêm báo cáo xin nghỉ về nhà đưa con đi cấp cứu…
8 năm công tác tại Đội Cảnh sát đường thủy Bắc Ninh, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên đã có 6 năm đón Giao thừa cùng đồng đội trên sông nước.
“Công việc của chúng tôi là vậy, vợ con cũng quen rồi. Nhìn vào bờ nhớ nhà, nhưng nhìn ra sông nước cuồn cuộn chảy, vẫn thấy những con thuyền mải miết chở hàng, chở khách trong cả ngày lễ Tết, thấy những xóm vạn chài đón Tết sơ sài mà bọn trẻ vẫn rộn tiếng cười vui. Thấy thuyền trực của trạm có tivi, ngày Tết cũng có đầy đủ bánh chưng, giò chả, trà thuốc… là ấm lòng rồi. Những lúc ấy, anh em bảo nhau cần phải cố gắng, tuyệt đối không lơ là để mọi người cùng có một cái Tết an toàn, đầm ấm”, Thiếu tá Thiên tâm sự.
Buồn vui trên những khúc sông
Toàn tỉnh Bắc Ninh có 120km đường sông (sông Thái Bình 8km, sông Cầu 69km, còn lại là sông Đuống), trong khi Đội Cảnh sát đường thủy tỉnh chỉ có 15 cán bộ, chiến sỹ, vừa đảm nhận công tác đảm bảo ATGT, điều tra cơ bản, lập chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm. Trạm chốt trực của Đội Cảnh sát đường thủy ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh gần kề Lục Đầu Giang, nơi tiếp giáp giữa 6 con sông: Sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình gặp nhau tạo thành nơi địa bàn giáp ranh, công việc của các anh lại càng phức tạp, khó khăn hơn. Bởi đây đều là những tuyến sông huyết mạch nên khi dồn về, lưu lượng phương tiện rất cao và phát sinh nhiều tình huống mất ATGT, an ninh trật tự, gian lận thương mại, khai thác cát trái phép.
Xử phạt giao thông trên đường thủy có những đặc thù riêng. Như tàu thuyền đều là vay vốn ngân hàng, khối lượng hàng chở rất lớn. Vì thế, khi vi phạm, rất ít chủ hàng và người điều khiển phương tiện chấp hành ngay. Trên đường thủy, hầu hết vi phạm đều phạt cho tồn tại, bởi các tổ công tác không thể tạm giữ phương tiện, vì không có chỗ neo đậu, không có phương tiện san tải, cũng khó cưỡng chế vi phạm…
Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên kể, đã có lần, khi trạm trực của Đội Cảnh sát đường thủy Bắc Ninh phối hợp với đồng đội ở Hải Dương bắt giữ tàu khai thác cát trái phép. Hai tổ công tác cùng phối hợp mà đối tượng chống đối rất lâu, sau khi chây ì không chịu trình giấy tờ, không cho lập biên bản xử lý, đối tượng còn cởi cả quần áo để ăn vạ. Suốt từ 16h hôm trước đến 2h sáng hôm sau, hai tổ công tác phải tuyên truyền, giải thích, đồng thời thể hiện thái độ quyết liệt xử lý mới lập được biên bản vụ việc.
Trong lúc ca nô của Tổ công tác Đội Cảnh sát đường thủy Bắc Ninh đang lướt sóng làm nhiệm vụ trên sông Thái Bình hướng về phía Lục Đầu Giang, bỗng có tiếng gọi từ phía một tàu cát. Trên tàu cát, có một đôi vợ chồng giơ tay chào Tổ công tác rất vui vẻ. Mỉm cười chào đáp lễ, Thiếu tá Nguyễn Văn Thiên cho hay, khoảng 3 năm trước, đôi vợ chồng ấy suýt bỏ nhau. Hôm đó, khi đang đi trên tuyến, Tổ công tác của anh thấy có tiếng cãi cọ rất to từ phía một tàu cát, bèn áp ca nô tuần tra đến sát xem sự tình. Mới gần áp sát, người vợ nhảy xuống ca nô tuần tra vừa khóc vừa kêu “Các anh cứu em với”, phía trên tàu cát, người chồng đuổi theo lăm lăm gậy cầm đánh.
Tổ công tác áp mạn, lên tàu, hỏi đầu đuôi câu chuyện, nghe hai vợ chồng giãi bày mâu thuẫn, đòi ly hôn. Sau khi các anh giành thời gian khuyên nhủ, hai vợ chồng đã làm hòa và sống hạnh phúc với nhau suốt ba năm qua. Giờ mỗi lần qua lại trên đoạn tuyến này, thấy cán bộ, chiến sỹ Trạm Cảnh sát đường thủy Lương Tài, hai vợ chồng lại vui vẻ chào hỏi như người thân lâu ngày gặp lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận