Dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp dài 16km, tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng vào cuối năm 2025. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án là 2,3 triệu m3.
Làm cầu để bù tiến độ
Có mặt tại gói thầu do Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An phụ trách thi công, PV Báo Giao thông ghi nhận có trên 100 công nhân cùng 35 máy móc, thiết bị để việc thi công cầu được vận hành liên tục.
Anh Phan Văn Hạnh, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An (nhà thầu thi công) cho biết, đoạn tuyến công ty thực hiện có tổng chiều dài 3,5km.
Hiện tại, do thiếu cát đắp nền đường nên công ty tổ chức cho công nhân làm các công việc như khoan cọc nhồi, đóng cọc bê-tông cốt thép, lao dầm ngang các cây cầu đã được cho lao dầm trước đó…
"Trong toàn gói thầu do công ty phụ trách thi công có 8 cây cầu. Trong đó có 6 cây cầu đang thi công phần móng, hai cây còn lại sẽ được thực hiện trong thời gian tới", anh Hạnh cho biết thêm.
Trong khi đó, tại đoạn tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN thực hiện, số lượng công nhân trên công trường là 130 người và 50 thiết bị, máy móc... đang làm việc khẩn trương.
Anh Nguyễn Quang Tuân, Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN (nhà thầu thi công) cho biết, vị trí công ty phụ trách có tổng chiều dài 10,6km - dài nhất trong ba đoạn tuyến dự án thành phần 1 cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, với 9 cây cầu.
"Hiện tại, công ty tổ chức cho toàn bộ công nhân đang làm 6 cây cầu, trong đó, có cầu Cái Bèo sẽ hoàn thành vào tháng 9/2024", anh Tuân cho biết thêm.
Cát được cấp trong tháng 3 sẽ đảm bảo tiến độ thi công
Cũng theo anh Hạnh, gói thầu thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do công ty phụ trách cần 450.000m3 cát. Trong đó, năm 2023, đơn vị cần 250.000m3 cát để đắp nền đường. Nhưng đến nay, phía công ty chỉ mới nhận được có 50.000m3 cát.
Hiện tại, mỗi ngày, Công ty TNHH MTV Cơ khí và Xây dựng Thiên An không được nhận thêm bất kỳ số lượng cát nào để phục vụ cho việc thi công nền đường chính tại vị trí thi công do công ty thực hiện.
"Số lượng cát đã nhận được chúng tôi dùng để thi công xong đường công vụ. Nhờ đường công vụ hoàn thành nên việc vận chuyển máy móc, thiết bị thi công cầu cơ bản đáp ứng được yêu cầu về tiến độ theo kế hoạch đề ra", anh Hạnh nói.
Còn theo anh Tuân, đoạn tuyến thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN phụ trách thực hiện có 70% là thi công đường và 30% còn lại thuộc về các cây cầu.
Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để đảm bảo yếu tố kỹ thuật, tùy thuộc vào từng vị trí mà có thời gian gia tải khác nhau, chủ yếu dao động từ 12-19 tháng.
"Trong năm 2023, nhà thầu cần 600.000m3 cát để thi công nền đường chính. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN chỉ mới nhận được 51.000m3 cát.
Số cát hiện có không đủ để thi công đường công vụ khi tuyến đường dùng để vận chuyển thiết bị, máy móc cần 150.000m3 cát. Do vậy, việc thi công các cây cầu có trong đoạn tuyến do công ty thực hiện cũng không được thuận lợi", anh Tuân nói.
Và anh Tuân cho biết thêm, toàn đoạn tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu do công ty thi công cần 1,8 triệu m3 cát. Hiện tại, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng và Kỹ thuật VNCN đang phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan để sớm có thể khai thác mỏ cát được cấp theo cơ chế đặc thù với tổng trữ lượng 1,7 triệu m3 cát.
"Nếu như công tác thực hiện thủ tục được thuận lợi và mỏ cát cấp cho công ty được khai thác trong tháng 3/2024 thì việc thi công mới đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã được đề ra", anh Tuân chia sẻ.
Trong báo cáo mới đây của UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy, hiện tại, nhu cầu cát đắp nền đường thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu trong năm 2024 trên 1,7 triệu m3.
Tuy nhiên, ba mỏ cát do UBND tỉnh giao để cung ứng cho dự án đến nay vẫn đang thực hiện các thủ tục để đưa mỏ cát vào khai thác, chưa cung cấp cát cho dự án.
Nguyên nhân là do đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vẫn chưa có hướng dẫn về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (cát san lấp) áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 106/2023/QH15.
Do vậy, tỉnh mong muốn Ban Chỉ đạo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT sớm hướng dẫn việc thực hiện các thủ tục cơ chế đặc thù để sớm khai thác các mỏ cát phục vụ cho dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 cũng như các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Trong đó, dự án thành phần 1 có chiều dài 16km đi qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng.
Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc bốn làn xe. Mặt cắt ngang giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô bốn làn xe, với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận