TS. Nguyễn Đình Cung - Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) trao đổi với Báo Giao thông về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chống suy giảm kinh tế do dịch bệnh Covid-19.
Có thể hành động trước, thủ tục ban hành sau
Tác động của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế đã được đánh giá qua những báo cáo gần đây của Bộ KH&ĐT, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI... Tuy nhiên, ông có cho rằng thời điểm này vẫn chưa thể đánh giá hết được mức độ ảnh hưởng?
Dự báo tác động của dịch Covid-19 trong quý II đối với nền kinh tế nước ta sẽ còn nghiêm trọng hơn. Các tác động về xã hội sẽ bộc lộ rõ. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp và hộ kinh doanh sẽ giải thể, tạm thời đóng cửa, phần lớn số còn lại có thể phải thu hẹp sản xuất kinh doanh. Hàng triệu người có thể mất việc hoặc không có đủ việc làm, thu nhập giảm xuống đáng kể, đời sống sẽ trở nên khó khăn hơn...
Hệ quả là các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 rất khó để đạt được. Thực trạng sản xuất kinh doanh và kinh tế vĩ mô của đất nước đã chuyển sang trạng thái mới và khác nhiều so với trước đây: Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch; thu ngân sách giảm, chi ngân sách tăng, nhất là tăng chi cho phòng, chống dịch, chi an sinh - xã hội, chi hỗ trợ doanh nghiệp… dẫn tới bội chi ngân sách vượt mức kế hoạch phê duyệt của Quốc hội, cần phải dự báo và tìm nguồn bù đắp.
Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như: Lạm phát, lao động và công ăn việc làm, cung tiền, tín dụng và lãi suất, tỷ giá, nợ xấu, cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối… cũng sẽ thay đổi so với kế hoạch dự kiến từ đầu năm. Hay nói cách khác, điều hành ổn định kinh tế vĩ mô năm 2020 đã chuyển sang một trạng thái khác; Không chỉ khác với kế hoạch mà cả khác với so với 4 năm trước của nhiệm kỳ này.
Để chống suy giảm kinh tế, theo ông đâu là những việc cần phải làm ngay?
Cùng với việc triển khai quyết liệt, khẩn trương các chỉ đạo của Chính phủ, cần có các khảo sát, đánh giá cụ thể để xác định đối tượng bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, mức độ chống chịu của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần được tiến hành khẩn trương hơn, quyết liệt hơn và có quy mô lớn hơn nhiều. Trước mắt, cần thực hiện ngay việc miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất, giảm lãi suất vay đối với tất cả các doanh nghiệp.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ trên, cần thiết tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh mới, cách thức quản lý mới, cách thức làm việc mới… dựa trên nền tảng số hóa. Chẳng hạn như ban hành ngay quy định (ít nhất là thí điểm) để áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử, tăng cường năng lực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử của các cơ quan Nhà nước có liên quan...
Theo ông, cách thức thực hiện chống suy giảm kinh tế nên được triển khai thế nào?
Nhanh và ít tốn kém là tiêu chí phải đạt trong tổ chức thực hiện các giải pháp chống suy giảm kinh tế. Cách thức thực hiện có thể dựa trên một số nguyên tắc: Hành động trước, thủ tục sau thay vì “hành động bám theo sau thủ tục hành chính”; Lấy mục đích và kết quả công việc làm tiêu chí cao nhất đánh giá đối với từng cá nhân, tổ chức, nhất là người lãnh đạo trong thực thi nhiệm vụ; Giao quyền chủ động cho các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, người đứng đầu các tổ chức trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, kể cả trong huy động, phân bố và điều chuyển nguồn lực.
Cần loại bỏ ngay các cá nhân chần chừ, do dự, cố ý không thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, đảm bảo các giải pháp chính sách được thực hiện nhanh, nhất quán trong cả nước.
DN còn phải lách luật thì khó phát triển
Thủ tướng cũng vừa thành lập Tổ công tác về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Ông kỳ vọng gì nếu như các thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở doanh nghiệp tới đây sẽ được gỡ bỏ?
Tôi luôn cho rằng phải thay đổi một cách có hệ thống để không còn rủi ro pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay muốn tồn tại được, muốn phát triển được thì phải lách, phải vi phạm luật pháp. Một hệ thống pháp luật mà người ta muốn tồn tại được người ta phải lách thì làm sao phát triển được.
Cải thiện môi trường kinh doanh cũng đừng chỉ cải cách trên văn bản. Giờ là lúc cần nhìn thẳng để thấy doanh nghiệp vướng mắc ở đâu thì phải gỡ ở đó. Còn về dài hơi, theo tôi cần bỏ ngay hệ thống thanh tra, kiểm tra đi, tăng vai trò của hệ thống tòa án lên. Doanh nghiệp đang làm ăn bình thường, đang vận hành bình thường, không ai kiện tụng gì nhưng tự nhiên lại bị thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật, điều này rất vô lý.
Chẳng hạn như giám sát việc tuân thủ quy định pháp luật về môi trường, cơ quan nhà nước cũng phải làm việc và đánh giá từ xa. Khi nào nhận thấy doanh nghiệp có vấn đề vi phạm về môi trường thì hãy vào. Quản lý nhà nước là phải theo dõi liên tục như thế và chỉ “nhảy” vào khi có vấn đề.
Khi nào có tranh chấp thì nên ra tòa. Cách giải quyết này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn khi thanh tra vào, kết luận nọ kia là chết doanh nghiệp.
Ông có cho rằng, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động và vận động? Phải chăng dịch bệnh cũng là cơ hội, động lực buộc doanh nghiệp phải nghĩ khác, làm khác đi?
Với doanh nghiệp không thể yêu cầu họ phải nghĩ khác, mà cơ quan Nhà nước mới phải nghĩ khác, phải làm những việc khó, đó mới là điều quan trọng. Bởi doanh nghiệp vì sự tồn tại của chính họ nên tự họ sẽ thay đổi.
Ví dụ, chúng ta thường đặt câu hỏi doanh nghiệp nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc mà sao không tự làm? Doanh nghiệp cũng nghĩ chứ, nhưng họ không làm. Bởi nếu làm được thì người ta đã làm rồi. Như THACO bây giờ cũng muốn làm quá đi chứ nhưng tại sao họ không làm? VinFast cũng muốn làm lắm chứ nhưng họ vướng trăm bề mà không tháo gỡ cho họ. Hay bà Thái Hương cũng muốn làm chuỗi nông sản lắm chứ, nhưng cuối cùng bà ấy không mở rộng sản xuất ở Việt Nam được mà phải sang Nga đầu tư.
Doanh nghiệp tư nhân của ta đầu tư thì nhiều nhưng khả năng mất mát lại lớn. Mà doanh nghiệp thì phải sống trước đã. Nên hãy thay đổi nền tảng gốc của thể chế kinh tế. Cho nên người làm chính sách hãy tự hỏi vì sao họ không làm, chứ không phải đi hô hào doanh nghiệp hãy làm đi!
Cảm ơn ông!
Đẩy mạnh đầu tư công, nhất là hạ tầng
Trước mắt cần phải đẩy mạnh đầu tư công. Tất cả những ách tắc, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công lâu nay phải được dẹp bỏ. Nhưng đầu tư công phải giải ngân đúng địa chỉ, có trọng điểm, giải ngân vào những công trình, dự án quan trọng của quốc gia chứ không phải giải ngân theo kiểu chia tiền.
Hiện nay có nhiều dự án cần phải được giải ngân vốn đầu tư công ngay như dự án cao tốc Bắc - Nam hay dự án mở rộng sân bay Tân Sơn nhất, dự án sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc ở ĐBSCL... Tất cả đều cần được triển khai ngay. Dù không kịp “đỡ” cho kinh tế năm nay thì vẫn phải làm vì nó là vấn đề cơ bản và dài hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận