Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm “sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam”. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp chống dịch, cần có các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Vậy, trong bối cảnh hiện nay, đâu là giải pháp để thực hiện được mục tiêu kép này? TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Sức khỏe người dân là chỉ tiêu quan trọng nhất
Trung Quốc là đối tác thương mại trăm tỷ USD duy nhất của Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước này tác động ra sao đến nền kinh tế của chúng ta?
Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ hàng hoá rất lớn của thế giới. Chính vì vậy, khi đất nước này gặp sự cố, chúng ta chứng kiến giá dầu trên thế giới giảm rất mạnh. Trung Quốc cũng đóng vai trò là một chuỗi cung ứng rất lớn. Chúng ta không ngạc nhiên vì sao khi dịch bùng phát ở Trung Quốc mà các nhà máy Hyundai của Hàn Quốc phải đóng cửa, bởi “đứt” nguồn linh kiện, bán thành phẩm từ thành phố Vũ Hán, từ thị trường Trung Quốc. Có thể nói, nền sản xuất của thế giới cũng chịu tác động rất mạnh.
Việt Nam có đường biên giới trên 1.000km cũng như quan hệ ngoại thương khá lớn với Trung Quốc nên chắc chắn không nằm ngoài tầm ảnh hưởng, trên rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Nhiều doanh nghiệp sản xuất của chúng ta đang phải thu hẹp công suất, thậm chí tạm dừng hoạt động vì thiếu nguồn nguyên liệu từ chuỗi cung ứng Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường nước này, đặc biệt là mặt hàng nông sản đang bị tắc nghẽn, ùn ứ, dù chúng ta bước đầu đã nỗ lực khơi thông.
Khách du lịch Trung Quốc, tiếp đó là Hàn Quốc tới Việt Nam giảm mạnh, kéo theo khó khăn cho các nhà hàng, khách sạn và rất nhiều dịch vụ du lịch khác như hàng không, vận tải…
Khi dịch Covid-19 mới bùng phát ở Trung Quốc, Bộ KH&ĐT đã đưa ra một số dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên hiện tại, dịch bệnh đã lan rộng trên quy mô toàn cầu và diễn biến rất khó lường. Theo ông, những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến kinh tế Việt nam có sự thay đổi ra sao?
Sau Trung Quốc, các nước có người lây nhiễm lớn như: Hàn Quốc, Ý, Iran, Nhật Bản… chắc chắn phải thực hiện nhiều biện pháp mạnh, nên sản xuất, kinh doanh tại các nước này chắc chắn bị ảnh hưởng, kéo theo chuỗi tác động dây chuyền…
Hiện, chúng ta vẫn còn tới 10 tháng trước mắt, mà dịch Covid-19 đang ở giai đoạn bùng phát ghê gớm chứ chưa thu hẹp, kiểm soát được. Do vậy, những dự báo suy cho cùng cũng chỉ là dự báo bước đầu. Chúng ta sẽ phải cập nhật, điều chỉnh liên tục. Kịch bản kinh tế sẽ phụ thuộc vào kịch bản dịch Covid-19, trong khi diễn biến dịch bệnh thì lại cực kỳ bất ngờ, khó lường. Nên chúng ta sẽ phải bày mưu tính kế, tìm mọi cách bù đắp cho sự suy giảm mạnh từ một số lĩnh vực.
Nói cho cùng, sức khỏe của người dân vẫn là một chỉ tiêu quan trọng nhất đối với mọi quốc gia trên thế giới. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, kiểm soát chặt chẽ, an toàn, chủ động trong chống dịch đó là một điều kiện tiên quyết, quyết định cơ bản cho mọi giải pháp để phục hồi nền kinh tế. Không có một gói giải pháp nào, cách thức nào để có thể thực thi trong bối cảnh sức khỏe của người dân không được an toàn. Đây là điều đáng mừng trên con đường phục hồi kinh tế bị suy giảm do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Cách nào chống “virus trì trệ”?
Nhiều dự báo tăng trưởng kinh tế của thế giới năm 2020 có thể giảm 0,5 - 1%. Họ cũng dự báo kinh tế Việt Nam có thể suy giảm khoảng 0,4% do ảnh hưởng của dịch. Nếu chúng ta đẩy mạnh tiêu dùng nội địa; phục hồi các thị trường du lịch, hàng không; tạo niềm tin cho người dân; Nâng hiệu quả đầu tư công, đầu tư tư nhân; đẩy mạnh xuất khẩu…, tôi tin chúng ta có thể kiểm soát tốt mức suy giảm, như đã kiểm soát tốt dịch bệnh do virus Covid-19 thời gian qua.
TS. Trương Văn Phước
Song, như ông nói thì bù đắp từ đâu và bằng cách nào, trong khi sản xuất kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn?
Nền kinh tế của Việt Nam qua bao nhiêu năm vẫn đang đặt ra vấn đề tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta đã làm được một số việc, nhưng vẫn chưa đến đích này. Và còn nhiều vấn đề trong nền kinh tế chưa giải quyết đến tận cùng gốc rễ, thể trạng nền kinh tế cơ bản còn yếu.
Chính vì lẽ đó, đứng trước những đe dọa về suy giảm kinh tế do dịch bệnh, chúng ta buộc phải tái cơ cấu quyết liệt hơn và xem đây là con đường độc đạo phải đi qua. Đi với tốc độ nhanh, chủ động, thông minh, sáng tạo hơn.
Trước hết về tiêu dùng nội địa, thị trường Việt Nam rất dồi dào với dân số khoảng 100 triệu người. Vậy thì chúng ta phải tổ chức lại các mạng lưới phân phối hàng hóa để người tiêu dùng giao dịch thuận tiện. Đồng thời, củng cố cho người dân một niềm tin dịch này sẽ đi qua và thực tế chúng ta đã khống chế cơ bản tốt. Chính niềm tin này sẽ thúc đẩy hành vi tiêu dùng của người dân dần trở lại bình thường để kích cầu.
Về đầu tư, trong những năm trở lại đây hoạt động này có khởi xướng mạnh nhưng kết quả vẫn nằm trong thế chậm chạp, như lời của Thủ tướng nói là “trì trệ”. Rất nhiều dự án đầu tư công bị giải ngân chậm, lụt tiến độ, đội vốn. Giờ chúng ta phải ngồi lại, tính toán để sớm tháo gỡ những vướng mắc.
Trong trường hợp pháp luật đã thông thoáng rồi nhưng do tính ngần ngại, trì trệ trong bộ máy, chúng ta phải đặt ra một kỳ hạn cụ thể: Mắc ở đâu, ai xử lý… Như vậy với tinh thần đó, cách làm đó, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động đầu tư công một cách thực chất hơn. Các dự án Nhà nước, bộ, ngành nhiều vô kể nhưng vẫn chưa thể triển khai rầm rộ, mạnh mẽ. Tôi gọi đó là một dư địa, nếu chúng ta đánh mạnh vào sự yếu kém đó sẽ đánh bật lên sức mạnh của nền kinh tế.
Với các dự án đối tác công tư (PPP) cũng phải tính, cái nào Nhà nước làm, cái nào tư nhân làm, cái nào vừa công vừa tư làm.
Về xuất khẩu, cũng phải rà soát, sau khi ký đến mười mấy hiệp định thương mại thì làm cách nào để khai thác tốt, có rào cản kỹ thuật gì không, tháo gỡ cách nào?... Phải đẩy mạnh xuất khẩu để bù đắp cho suy giảm từ thị trường Trung Quốc. Đa dạng hóa thị trường không phải bây giờ mới nói. Giờ là lúc phải tập trung hơn nữa cho hoạt động này…
Cùng với chống virus Corona, Thủ tướng mới đây yêu cầu phải quyết liệt chống “virus trì trệ”. Theo ông cần làm gì để chống loại “virus trì trệ” đó?
Tôi cho rằng, hệ thống thực thi các công việc trong bộ máy hành chính Nhà nước giống như một chiếc xe đứng trước ngã tư đường phố, trước mặt là một cột đèn với 3 màu xanh, vàng, đỏ. Và sự trì trệ này cũng một phần là do chúng ta để tín hiệu đèn đỏ lâu quá, làm tốc độ xe đi qua ngã tư chậm lại. Muốn đi nhanh, làm nhanh, đôi khi phải vượt đèn đỏ nhưng như thế là vi phạm pháp luật. Chưa nói, ngay trong hệ thống quy phạm pháp luật của chúng ta vẫn còn chồng chéo. Và cần phải có một nghị quyết của Quốc hội để hóa giải những chuyện đó.
Tôi gọi hóa giải đó là tín hiệu đèn vàng để một thời điểm dài hơn thời gian để cho đèn đỏ. Đèn xanh đi được rồi, đèn vàng cũng nên cho người ta đi và chỉ dừng lại khi có đèn đỏ. Tôi đề nghị đèn đỏ có thời lượng ít hơn so với đèn vàng và đèn xanh. Tư duy pháp lý như vậy sẽ làm cho quá trình đẩy nhanh cái gọi là trì trệ.
Đồng thời, làm sao để cho người thực thi công vụ có một niềm tin nếu họ trong sáng, quyết tâm vì lợi ích chung của đất nước thì ta cần phải có hệ thống chế tài phù hợp với thiện chí đó.
Có thể kiểm soát lạm phát dưới 4%
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không cần họp đã ngay lập tức quyết định cắt giảm 0,5% lãi suất đồng USD. Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tác động ra sao đến lạm phát, giá cả của Việt Nam?
Nhìn ra thế giới, tổng cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm, do đi lại, du lịch, tiêu thụ hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại… của thế giới đã yếu nhiều vừa qua. Giá xăng dầu là một điển hình rất rõ nét. Dù cho dịch Covid-19 được dự báo có thể kiểm soát vào giữa tháng 6 hoặc tháng 9 thì giá xăng dầu vẫn giảm 10%. Giá nông sản cũng vậy.
Lạm phát của thế giới thấp xuống, yếu tố bên ngoài tác động vào lạm phát Việt Nam sẽ thấp xuống.
Còn yếu tố bên trong chính là lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNN đang thực hiện nhiều giải pháp tăng nguồn cung nên tôi tin rằng giá thịt lợn tại Việt Nam có thể kiểm soát được thời gian tới.
Giá sản xuất và giá tiêu dùng luôn đi đôi với nhau. Chỉ còn lại giá các dịch vụ công như y tế, giáo dục thì Nhà nước cũng đã có lộ trình. Năm nay, nếu quá khó khăn có thể sẽ không điều chỉnh thêm giá dịch vụ công.
Tôi nghĩ rằng, lạm phát của Việt Nam năm nay có thể được kiểm soát dưới 4%. Như vậy, chúng ta có thể ổn định được tốt kinh tế vĩ mô trong bối cảnh chao đảo của thị trường thế giới trước dịch bệnh.
Theo ông, trong bối cảnh này có cần một gói chính sách và hỗ trợ kiểu như năm 2008?
Hai đối tượng bị tổn thương nhất trong mùa dịch chính là người dân và doanh nghiệp. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ họ như: Giãn nợ, hoãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay vốn. Điều đó hoàn toàn trong tầm tay và không mới mẻ gì. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta không cần dùng gói hỗ trợ lãi suất như hồi năm 2008 mà điều chỉnh những chính sách rất đặc thù để cho doanh nghiệp, người dân có điều kiện vượt qua khó khăn này.
Cùng đó, chúng ta phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí nhiều hơn nữa. Phải xây dựng một bộ máy Nhà nước phục vụ doanh nghiệp và người dân một cách công tâm, trong sáng, nhanh nhạy hơn. Điều này cần phải có sự sâu sát của các bộ, ngành, một hệ thống giám sát chặt chẽ hành vi của cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước…
Tôi tin rằng nếu chúng ta làm quyết liệt như vậy, tạo sự đồng thuận của nhân dân, các doanh nghiệp, thì vẫn có thể bù đắp được những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận