Camera lắp đặt trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có chức năng tự động giám sát, phát hiện, ghi lại hình ảnh các hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT |
Tại hội thảo, ông Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay chúng ta đã có trên 700 km, dự kiến đến năm 2020 sẽ có 2.000 km đường cao tốc. Thực tiễn đòi hỏi cần có hành lang pháp lý nhưng hiện các quy định vẫn còn nằm ở các văn bản dưới luật. Thậm chí Luật GTĐB năm 2008 cũng chỉ có một điều quy định về đường cao tốc và quy định những nội dung cơ bản.
“Việc áp dụng chung các quy định giao thông đường bộ đối với đặc thù đường cao tốc là chưa phù hợp, không đảm bảo an toàn, kỹ thuật cũng như thông lệ quốc tế. Điều này dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp, phát sinh vướng mắc trong áp dụng khi có xung đột với các luật chuyên ngành khác. Việc điều chỉnh các quy định liên quan đến đường cao tốc đang là vấn đề cấp thiết”, ông Dũng nhận định.
Đại diện cộng đồng những người tham gia giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Quản trị diễn đàn OtoFun cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý, vận hành đường cao tốc để cho các cơ quan này vận hành đường một cách an toàn. “Trên diễn đàn của chúng tôi có nhiều phản ánh về cách thức, văn hoá tham gia giao thông trên đường cao tốc. Nguyên nhân là do chúng ta chưa có quy định rõ ràng về các hành vi bị cấm khi lưu thông trên cao tốc. Vì vậy, cần đó quy định riêng và rõ ràng trong Luật GTĐB để điều chỉnh hành vi của đối tượng vi phạm trên đường cao tốc.”, ông Thắng đề xuất.
Xem thêm video:
Đề cập đến các nguyên tắc khi tham gia giao thông, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần nhanh chóng bổ sung chi tiết về các tình huống phổ biến mà lái xe gặp phải như phương tiện nào được tham gia, phương tiện nào cấm. Bên cạnh đó, các nội dung như các kỹ năng về nhập làn trên cao tốc, khi gần đến nút giao, xe gặp sự cố, bảo đảm phương tiện an toàn trước khi vào cao tốc, dừng xe trên cao tốc...cũng cần được quy định cụ thể.
Bà Trịnh Minh Hiền, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho rằng, cần tổng hợp tất cả nội dung cần điều chỉnh về đường cao tốc, sau đó phân loại hành vi nào cần đưa vào Luật, hành vi nào chỉ cần ở Nghị định, Thông tư và chỉ nên đưa vào Luật những gì cơ bản nhất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận