Hạ tầng

Cây cầu đưa những chuyến phà qua sông Hậu vào ký ức

26/09/2020, 06:47

Nhờ có cầu Vàm Cống, việc đi lại, giao thương buôn bán phát triển, mở ra những cơ hội mới cho nhiều người, nhiều địa phương.

img
Những chuyến phà qua sông Hậu (ảnh nhỏ) giờ đây chỉ còn trong ký ức khi cây cầu Vàm Cống được xây dựng, nối liền hai tỉnh Đồng Tháp - Cần Thơ. Ảnh: TL

Không chỉ xóa cảnh qua sông lụy phà, cầu Vàm Cống là một mắt xích quan trọng trong Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Ký ức những chuyến phà

Hơn 1 năm nay, từ khi cầu Vàm Cống - cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu được khánh thành và đưa vào sử dụng, con đường từ nhà đến cơ quan và ngược lại của chị Nguyễn Minh Thư (ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) ngắn hẳn lại.

Ông Lê Văn Mười, Giám đốc Cụm phà Vàm Cống cho biết, ngày 30/6/2019, Bến phà Vàm Cống tạm ngưng hoạt động. Thời điểm này, bến có 10 phà (8 phà 200 tấn, 1 canô), tổng số cán bộ, công nhân viên lao động là 141 người, trong đó có 40 người đã tự nguyện xin nghỉ, chuyển làm công việc khác. Về công tác nhân sự, đối với những trường hợp còn lại được bố trí về 4 bến phà gồm: Đình Khao, Đại Ngãi, Kênh Tắc và Láng Sắt.
Đối với các tài sản, cơ sở hạ tầng đang chờ bàn giao cho địa phương. Riêng về phà, 5 chiếc được điều chuyển về 4 bến phà nói trên, 5 chiếc còn lại giao về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và TP HCM quản lý, khai thác.

Nhà ở Đồng Tháp nhưng làm việc tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, trước đây, chị Thư phải nghỉ lại cơ quan đến cuối tuần mới về nhà. Nhưng từ khi có cầu, mỗi ngày chị đều về nhà, vừa không ảnh hưởng đến công việc lại có thời gian chăm sóc gia đình, con cái.

“Được về nhà hàng ngày, lại không còn cảnh xếp hàng đợi phà cả tiếng, không chỉ bản thân tôi mà cả gia đình đều hết sức vui mừng. Cầu Vàm Cống đã đem đến sức sống mới cho người dân nơi đây”, chị Thư cho biết.

Ngắm nhìn cây cầu Vàm Cống có chiều dài 2,97km, nối liền đôi bờ Cần Thơ và Đồng Tháp, trên cầu là những chuyến xe nối đuôi nhau chạy bon bon, ông Nguyễn Phúc Nguyên, nguyên Trưởng Bến phà Vàm Cống tâm sự, cây cầu đi vào hoạt động cũng là lúc Bến phà Vàm Cống (TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) kết thúc sứ mệnh.

Ông Nguyên cho biết, phà Vàm Cống nối giữa bờ An Giang và Đồng Tháp, vận chuyển hành khách, phương tiện cơ giới và phục vụ việc đi lại của người dân các tỉnh An Giang, Kiên Giang, một phần TP Cần Thơ đi TP HCM và ngược lại.

Khi trước, bến có hơn 100 cán bộ, công nhân viên, người lao động làm việc, mỗi ngày đưa đón không dưới 350 lượt, vận chuyển khoảng 5.500 ô tô, hơn 12.000 xe máy vượt sông. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, lượng phương tiện tăng, bến phà thường xuyên xảy ra ùn ứ do quá tải...

“Áp lực lớn nhưng gắn bó với công việc nhiều năm nên khi bến phà tạm ngưng hoạt động, ai nấy đều không tránh khỏi cảm giác buồn. Nhưng rồi thấy người dân có cầu để đi lại thuận lợi, không còn phải đò giang cách trở, thì lại thấy vui bởi cuộc sống như thế chất lượng hơn, giao thông cũng an toàn hơn”, ông Nguyên nói.

Sau khi phà Vàm Cống ngừng hoạt động, mọi người được phân đều ra về các bến như: Phà Đình Khao (tỉnh Vĩnh Long), phà Đại Ngãi (tỉnh Sóc Trăng), bản thân ông Nguyên được chuyển về làm việc tại bến phà Đình Khao. “Được tạo điều kiện để có việc làm, anh em đều vui mừng, dù có nhiều anh em nhà xa nơi làm việc mới nhưng mọi người đều bảo ban nhau cố gắng thích nghi với công việc mới”, ông Nguyên chia sẻ.

Sau khi có cầu Vàm Cống, anh Võ Hoàng Giàu (38 tuổi, cựu nhân viên Bến phà Vàm Cống, ngụ tỉnh An Giang) dù được bố trí công việc mới nhưng do hoàn cảnh gia đình, anh Giàu quyết định “rẽ sang ngang” xin giảng dạy tại Trường kỹ thuật Nghiệp vụ GTVT An Giang.

“Lực lượng lao động bến phà hơn 140 người. Trong khi đó, có hàng triệu khách/năm đi qua phà, nên có cầu thì lợi ích của người dân là lớn hơn rất nhiều. Anh em làm việc ở phà có luyến tiếc khi phà dừng hoạt động, có gặp khó khăn khi phải đến nơi khác làm việc nhưng đây là nhu cầu xã hội, là lợi ích chung của mọi người thì chúng tôi cũng cảm thấy rất vui”, anh Giàu nói.

Sức sống mới

img
Cầu Vàm Cống là cây cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu

Trong ký ức, Bến phà Vàm Cống đã gắn bó người dân tỉnh An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… xuyên suốt gần nửa thế kỷ, nó đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người. Nơi đâu có bến phà, nơi ấy trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, muốn tạo sức bật mới cho địa phương phát triển thì những chuyến phà phải khép mình lùi vào quá khứ nhường chỗ cho những cây cầu hiện đại kết nối giao thương.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ đánh giá, cầu Vàm Cống kết nối hai bờ sông Hậu, thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên vùng Đồng Tháp Mười, là một mắt xích quan trọng trong Dự án kết nối khu vực trung tâm ĐBSCL và Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây, kết nối TP HCM qua Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang.

“Việc đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng không chỉ đối với TP Cần Thơ mà còn đối với các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Người dân, doanh nghiệp tại các địa phương trên có thêm sự lựa chọn hành trình đi TP HCM và ngược lại, giúp giảm áp lực giao thông cho QL1 hiện đang quá tải, thường xuyên ùn tắc và TNGT. Việc vận chuyển hành khách, hàng hóa, đặc biệt là nông - thủy, hải sản có khối lượng, sản lượng lớn của các tỉnh được rút ngắn thời gian, giảm chi phí, giá thành, tăng sức cạnh tranh”, ông Dương Tấn Hiển nhìn nhận.

img
Chuyến phà cuối cùng của Bến phà Vàm Cống

Theo ông Hiển, từ khi cầu Vàm Cống đưa vào sử dụng, làn sóng thu hút đầu tư tăng mạnh, ngày càng nhiều nhà đầu tư đến với TP Cần Thơ. Điển hình, tại quận Thốt Nốt đã có nhiều nhà đầu tư đến thực hiện dự án như: Tập đoàn Sao Mai đầu tư khu đô thị mới 180ha tại vị trí cuối đường dẫn cầu Vàm Cống; Khu công nghiệp Thốt Nốt hai bên đường dẫn cầu Vàm Cống đang triển khai thực hiện mở rộng tiếp giai đoạn 2 khoảng 400ha; Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đầu tư xây dựng cảng Thốt Nốt, kho bãi logistics…

Gần đây nhất, ngày 7/8/2020 cảng Thốt Nốt chính thức được tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Quyết định số 1565/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, tạo điều kiện phát triển hạ tầng khu cảng Thốt Nốt, phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa tại khu công nghiệp Thốt Nốt.

Hay tại huyện Vĩnh Thạnh, trên cơ sở tận dụng lợi thế cầu Vàm Cống đang khai thác và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chuẩn bị đưa vào sử dụng, TP Cần Thơ đang tổ chức triển khai mời gọi đầu tư trong thời gian tới đối với cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh nằm trên địa bàn xã Thạnh Quới. Thành phố đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 của quận Thốt Nốt để có sức hấp dẫn kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước,

Ngoài ra, TP Cần Thơ sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư các dự án giao thông quan trọng như: Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu; bổ sung khu bến cảng Thốt Nốt vào cảng biển Cần Thơ và các nhánh giao thông còn lại của Dự án Tuyến nối QL91 và tuyến tránh Long Xuyên; đoạn nối từ Ngã ba - Lộ Tẻ QL91 đến nút giao đường dẫn cầu Vàm Cống để giao thông kết nối đồng bộ về đường bộ và đường thủy, nhằm khai thác cầu Vàm Cống trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất…

Ngày 19/5, Bộ GTVT, UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức lễ khánh thành Cầu Vàm Cống nối liền đôi bờ sông Hậu giữa quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp). Việc cây cầu được xây dựng đã góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, tăng cường đảm bảo quốc phòng an ninh trong khu vực.

Dự án cầu Vàm Cống và đường dẫn hai đầu cầu là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông. Công trình được đầu tư bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM) là chủ đầu tư.

Cầu được khởi công xây dựng vào ngày 10/09/2013, với thiết kế có tổng chiều dài 2,97km, đường dẫn 5,88km nằm trên địa phận huyện Lấp Vò và quận Thốt Nốt, huyện Vĩnh Thạnh. Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng hai mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, với 4 làn xe ô tô và hai làn xe thô sơ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.