Pháp đình

Cha nạn nhân 24 năm đi kêu oan cho "hung thủ"

09/08/2016, 06:09

Sau phiên xử phúc thẩm, gia đình ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh làm đơn kháng cáo bản án.

 - Nghi án oan “ném lựu đạn giết người” ở Hà Nam:

ong-vot-0543

Ông Trần Văn Vót nói chuyện với người thân qua điện thoại ở trại giam năm 2015

Kêu oan ròng rã 24 năm

Trở lại câu chuyện 24 năm về trước, vào chiều 29/11/1992, xuất phát từ việc tranh chấp đất đai, người dân hai thôn Nhân Phúc và Thanh Nga (thuộc xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã xảy ra xô xát nghiêm trọng.

Khi các xã viên của HTX Nhân Phúc ra trồng khoai trên khu đất mình đang quản lý và canh tác hợp pháp thì dân thôn Thanh Nga kéo sang bắt phải dừng lại, không cho làm việc. Dân hai bên bắt đầu xô xát, dùng đất đá ném nhau. Một người được cho là hung thủ bên làng Thanh Nga đã dùng lựu đạn ném vào đám đông xã viên Nhân Phúc làm anh Trần Hoa Việt (SN 1965) tử vong và 21 người bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố Trần Văn Cự (người dân làng Thanh Nga) về tội “Giết người” và “Tàng trữ vũ khí trái phép”, ra lệnh truy nã Cự trên toàn quốc.

Tuy nhiên, khi Cự vẫn đang bỏ trốn, ngày 23/2/1993, Công an tỉnh Hà Nam đã ra lệnh khởi tố và bắt giam Trần Ngọc Thanh (SN 1974), khi đó đang công tác tại Trung đoàn 139, Bộ Tư lệnh thông tin và di lý Thanh về Công an tỉnh Hà Nam để điều tra tội “Giết người”. Tiếp đến, ngày 27/5/1993, Công an tỉnh Hà Nam tiếp tục ra lệnh khởi tố và bắt giam ông Trần Văn Vót (SN 1949, ở xã Phú Phúc, Lý Nhân), nguyên Đại úy Quân đội.

Bản án sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tại Hà Nội kết tội Trần Văn Vót đã đưa lựu đạn cho Trần Ngọc Thanh để Thanh ném vào đám đông xã viên Nhân Phúc. Cả hai bị cáo cùng gia đình và nhiều người bị hại, nhân chứng đều kháng cáo kêu oan.

“Không để người vô tội chịu oan ức”

Sau phiên xử phúc thẩm, gia đình ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh làm đơn kháng cáo bản án và đưa ra các bằng chứng chứng minh Vót và Thanh bị oan.

Tuy cả bị cáo cùng gia đình bị hại liên tiếp kêu oan, nhưng đến tháng 8/1994, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đã bác kháng cáo của các bị cáo cùng đại diện hợp pháp của bị hại, y án sơ thẩm. Theo đó, Trần Ngọc Thanh phải lĩnh án 15 năm tù về tội “Giết người” (đến nay đã được ra vì hết hạn tù), còn ông Trần Văn Vót lĩnh án tù chung thân cho 4 tội: “Giết người”; “Tàng trữ vũ khí trái phép”; “Phá hoại chính sách kinh tế - xã hội” và “Gây rối trật tự công cộng”.

TAND Tối cao đang xem xét

Trao đổi với Báo Giao thông chiều 8/8, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án TAND Tối cao cho biết, theo yêu cầu của Chủ tịch nước và đề nghị của Văn phòng Chính phủ, TAND Tối cao đã có kế hoạch và đang xem xét về vụ án của ông Trần Văn Vót, tuy nhiên, đến nay chưa có kết luận chính thức.

“Một tổ công tác liên ngành đang vào cuộc làm rõ theo yêu cầu của các cấp có thẩm quyền. Nhưng cùng với vụ án này, chúng tôi cũng phải làm rất nhiều vụ án khác nên cần có thời gian để đưa ra kết luận chính thức”, ông Sơn cho biết.

Nhưng điều có lẽ là hy hữu trong vụ án này là ngay sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, không chỉ gia đình bị cáo mà cả ông Trần Văn Điền (nay đã hơn 80 tuổi, nguyên là một sỹ quan cao cấp trong quân đội) đã thay mặt gia đình có nạn nhân tử vong (con trai ông là anh Trần Hoa Việt) và cả những người bị thương trong vụ xô xát năm 1992 liên tục 24 năm qua đi kêu oan cho các bị cáo Trần Ngọc Thanh và Trần Văn Vót.

Ông Điền cho rằng, kẻ ném lựu đạn khiến anh Việt - con trai ông tử vong không phải Thanh và ông Vót, mà là Trần Văn Cự. Theo hồ sơ vụ án, cơ quan CSĐT đã khởi tố và truy nã Trần Văn Cự, nhưng đến 1/6/1993, cơ quan điều tra bỗng dưng chuyển tội danh cho Cự từ tội “Giết người” và “Tàng trữ vũ khí trái phép” thành tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Đến nay, dù tuổi cao, ông Điền vẫn lặn lội ra Hà Nội tìm gặp Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, gửi đơn đi khắp các cơ quan có thẩm quyền để kêu oan cho bị cáo. Ông cho hay, con trai ông chết là điều đau xót của cả gia đình, nhưng không vì thế mà để cho người không có tội phải chịu oan ức.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.