Chuyện dọc đường

Chấm dứt “nhất bên trọng, nhất bên khinh”

09/09/2019, 06:32

Đã đến lúc Nhà nước phải nâng cấp các văn bản này thành luật về PPP vì luật là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao chỉ sau Hiến pháp.

img
Hầm đường bộ Đèo Cả - một trong những công trình tiêu biểu do nhà đầu tư trong nước thực hiện. Ảnh: Tạ Tôn

Hiện nay, hình thức cao nhất của pháp luật về PPP là Nghị định 63/2018 ban hành ngày 4/5/2018 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và một số văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tôi cho rằng, đã đến lúc Nhà nước phải nâng cấp các văn bản này thành luật về PPP vì luật là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao chỉ sau Hiến pháp.

Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ta hiện nay đều đã được Nhà nước ban hành văn bản dưới hình thức luật để điều chỉnh. Trong khi đó, các hợp đồng PPP, BOT có ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội vô cùng quan trọng nhưng vẫn mới được điều chỉnh bởi nghị định, văn bản pháp luật do Chính phủ ban hành.

Vì vậy, để chấm dứt tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong hoạt động lập pháp của Nhà nước, đảm bảo tính đồng bộ trong việc điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ hợp đồng thì việc “nâng cấp” hình thức văn bản pháp luật về PPP từ nghị định sang luật là một việc làm mà các nhà đầu tư hạ tầng giao thông đang hết sức quan tâm.

Ai cũng biết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một loại hoạt động kinh doanh phức tạp, có sự tham gia của nhiều chủ thể với nhiều loại quan hệ xã hội khác nhau về tính chất. Nói cách khác, Luật PPP có đối tượng và phạm vi điều chỉnh vô cùng rộng lớn và phức tạp.

Các nhà đầu tư BOT cần một dự thảo luật có khả năng đảm bảo sự bình đẳng thực sự giữa họ với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Một thuộc tính bất di bất dịch của hợp đồng là tính bình đẳng giữa các chủ thể tham gia quan hệ đó. Nguyên tắc này được ghi nhận trong tất cả các đạo luật của Nhà nước ta liên quan đến hợp đồng, bất cứ đó là Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại hay một đạo luật nào khác trong việc điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư PPP, có một đặc thù là một bên ký kết hợp đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn bên kia lại là các nhà đầu tư, kinh doanh thuần tuý. Thành phần chủ thể của hợp đồng BOT là không giống nhau, có sự “chênh nhau” về địa vị pháp lý. Đây là một đặc thù của quan hệ hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư PPP nếu không được giải quyết một cách thỏa đáng, hợp lý thì bên thua thiệt luôn là phía nhà đầu tư.

Vì vậy, một vấn đề mà nhà đầu tư PPP rất quan tâm và Luật PPP phải có giải pháp để giải quyết là phải quy định làm sao để khắc phục được tính bất bình đẳng về địa vị pháp lý giữa các chủ thể tham gia hợp đồng. Nếu vẫn cho rằng, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền luôn ở vị trí “cấp trên”, có quyền ra mệnh lệnh hành chính để buộc phía đối tác phải chấp hành thì quan hệ đối tác công tư sẽ không thể tồn tại, chưa nói đến chuyện phát triển được.

Thực tế cho thấy, đã từng xảy ra tình trạng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền áp đặt ý chí của mình cho các nhà đầu tư BOT, gây ra không ít mâu thuẫn, bất đồng trong hoạt động đầu tư công trình hạ tầng giao thông đường bộ, làm ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách khuyến khích của Đảng và Nhà nước ta đối với các nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.