Đại diện Ban tổ chức lễ hội chùa Hương khẳng định, từ ngày 8/2, lập chốt kiểm tra để thu giữ xuồng máy chở khách hoặc đò không trang bị phao cứu sinh |
Sau khi Báo Giao thông phản ánh tình trạng xuồng máy chui, cò lộng hành trên suối Yến ở Lễ hội chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội), ngày 7-8/2, Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc và lực lượng thanh tra đường thủy trực tiếp kiểm tra thực địa để có giải pháp chấn chỉnh.
Chưa có tổ chức quản lý khai thác, vận hành xuồng, đò
Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bến Vĩ, đền Trình, hoạt động chở khách trên suối Yến vẫn diễn ra tấp nập, nhưng không còn xuất hiện xuồng máy chở khách “chạy chui” hay đò chèo tay chở trên dưới 30 người. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn thừa nhận, trong vài ngày đầu lễ hội xảy ra tình trạng xuồng máy (hiện có 11 chiếc) của một số lực lượng phục vụ lễ hội chở khách sai quy định (ví dụ của đơn vị y tế), cũng như tình trạng trên đò chở khách không có phao cứu sinh, thu phí đò không đúng quy định.
“Chiều 7/2, chúng tôi đã họp, giao Tổ kiểm tra liên ngành số 1 bắt đầu từ ngày 8/2 ra quân kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp phương tiện vi phạm. Bất kỳ xuồng máy nào chở khách hoặc đò chèo tay rời bến mà không có phao cứu sinh đều sẽ bị thu giữ, đưa lên bờ”, ông Thanh nói.
Trong hai ngày 7-8/2, kiểm tra hoạt động vận chuyển khách tại khu du lịch Tràng An (Ninh Bình, có 1.200 đò), đoàn kiểm tra của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc (cùng với Ban ATGT, Sở GTVT, CSGT đường thủy địa phương) đánh giá mẫu đò nơi đây có nhiều ưu điểm như chống chìm, có thể dùng làm phao cứu sinh, việc sắp xếp khách lên xuống trật tự và bố trí tốt lực lượng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, thực tế hoạt động vận chuyển khách du lịch vẫn có phương tiện chở quá số người được phép chở (4 người/đò), không trang bị phao cứu sinh cho khách khi đò rời bến. Ông Nguyễn Quang Trí, Trưởng ban Quản lý lễ hội nơi đây cam kết chấn chỉnh các vi phạm, hạn chế để bảo đảm quyền an toàn cho du khách khi du lịch bằng đò thuyền tại khu du lịch. |
Cùng đó, ông Thanh cho biết thêm, việc quản lý phương tiện, người lái và hoạt động vận chuyển du khách bằng đò, xuồng được giao cho UBND xã Hương Sơn chịu trách nhiệm. Trong khi đó, hoạt động vận chuyển hiện được xã Hương Sơn thực hiện theo hướng “toàn dân tham gia”, nên ai cũng có thể tự mời chào chở khách. Cũng từ nguyên nhân này khiến trên suối Yến có nhiều mẫu đò tự làm, không có căn cứ để xác định số lượng được chở trên mỗi phương tiện để xử lý vi phạm về chở quá tải.
“Bất cập lớn nhất trong hoạt động vận chuyển khách tại Lễ hội chùa Hương là chưa có tổ chức quản lý khai thác, vận hành ngay từ bến bãi. Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu hướng giải quyết là thành lập các hợp tác xã vận chuyển hoặc doanh nghiệp để đưa việc quản lý bến bãi, dịch vụ vận chuyển vào nền nếp”, ông Thanh nói thêm.
Làm việc với đơn vị trực tiếp quản lý lễ hội, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc yêu cầu đơn vị quản lý lễ hội chấn chỉnh công tác quản lý vận chuyển khách bằng đường thủy, hạn chế tối đa việc sử dụng xuồng máy của lực lượng làm nhiệm vụ nơi đây, kiểm soát phương tiện, người lái đò ngay từ các đầu bến để bảo đảm an toàn cao nhất cho du khách. Theo đánh giá của ông Tuấn, so với lễ hội năm trước, dịch vụ vận chuyển bằng đò trên suối Yến năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, hơn 3.500 đò chở khách đã được đánh số thứ tự, được trang bị dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện, cắm các biển thông báo đường dây nóng, công khai mức phí tham quan, vé đò. Tuy vậy, theo ông Tuấn, Ban tổ chức cần tham mưu UBND huyện để kiểm soát chất lượng phương tiện, ghi rõ số người được chở để kiểm soát tải trọng phương tiện, trang bị đủ phao cứu sinh, tổ chức quản lý vận tải từ đầu bến.
Thanh tra trực tiếp giữ gìn an toàn các lễ hội
Bên cạnh chấn chỉnh các vi phạm gây mất TTATGT đường thủy tại các lễ hội có đò chở khách, Cục ĐTNĐ Việt Nam chỉ đạo lực lượng trực thuộc bám sát, quản lý chặt chẽ an toàn đường thủy các lễ hội diễn ra trên sông nước (như rước nước, đua thuyền, rước tượng qua sông, đua thuyền, thả hoa đăng...), trong đó giao lực lượng thanh tra đường thủy trực tiếp giam gia giữ gìn TTATGT lễ hội. Điều này giúp tạo chuyển biến tại nhiều lễ hội đã hoặc sắp diễn ra.
Gần đây nhất, lễ hội rước nước trên sông Hồng tại địa bàn xã Phú Thượng, huyện Khoái Châu, Hưng Yên được tổ chức ngày 27/1 (mùng 2 Tết) đã không còn cảnh 9 tàu chở hàng tham gia đưa hàng nghìn người xuống sông rước nước như những năm trước. Thay vào đó chỉ còn một chiếc phà chở khách, đưa vài chục người có trang bị đủ áo phao thực hiện nghi lễ này, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ông Trần Duy Nghĩa, Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 4 (trực thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc) cho biết: “Trước khi lễ hội diễn ra, chúng tôi nhiều lần đến tận nhà lãnh đạo chính quyền xã, Ban tổ chức lễ hội địa phương để tuyên truyền, vận động tuân thủ Luật Giao thông ĐTNĐ khi tổ chức lễ hội”.
Ông Nghĩa cũng cho biết, tại lễ hội chợ Viềng (Nam Định) mới đây, các thanh tra viên trực tiếp giám sát suốt đêm tại 4 bến đò trên sông Đào để đảm bảo không xảy ra vi phạm chở người quá tải, không trang bị áo phao cho khách qua đò.
Còn Đội trưởng Đội Thanh tra - an toàn số 2 Trần Văn Khiết cho biết, đơn vị đã lên phương án và sẵn sàng tham gia phục vụ, điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho lễ hội rước tượng qua sông Hồng tại lễ hội Đền Và (TX Sơn Tây, Hà Nội, 3 năm tổ chức một lần) được tổ chức vào ngày 11/2 (rằm tháng Giêng) tới đây. “Lễ hội sẽ có 19 tàu thuyền đưa người rước tượng qua sông và quay lại, với khoảng 500 người trên phương tiện thực hiện các nghi lễ. Các phương tiện, người lái đều phải đảm bảo các điều kiện an toàn, mọi người phải mặc áo phao, phao cứu sinh”, ông Khiết nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận