Hiện nay, tại Việt Nam không có con số thống kê trong số các vụ TNGT đối với mô tô, xe gắn máy, có bao nhiêu % số người tử vong vì không đội MBH, bao nhiêu % người đội MBH kém chất lượng hay đội không đúng quy cách.
CSGT không có số liệu
Thiếu tá Phạm Hải Nghĩa, Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, quá trình thống kê TNGT, làm báo cáo, không có quy định CSGT phải phân loại TNGT liên quan đến chất lượng MBH. CSGT chỉ phân loại dựa trên nguyên nhân gây TNGT như tốc độ, nồng độ cồn, làn đường…
“Quá trình TTKS, xử lý vi phạm, lực lượng chức năng cũng không có chức năng xử lý vi phạm về chất lượng MBH, chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo người tham gia giao thông”, Thiếu tá Nghĩa thông tin.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Văn phòng Ban ATGT nhiều địa phương cho biết, công tác thống kê TNGT và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT hiện nay đang được thực hiện theo Thông tư 58/2009 của Bộ Công an.
Theo đó, CSGT các tỉnh chỉ phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT và chết người do tốc độ chạy xe, làn đường, phần đường, sử dụng rượu bia... mà không có nguyên nhân liên quan đến MBH. Vì lý do này nên các đơn vị liên quan chưa thống kê, báo cáo số liệu vụ TNGT, nạn nhân tử vong và bị thương liên quan đến MBH. Bởi vậy, trong các buổi tuyên truyền ở cơ sở, Ban ATGT các địa phương cũng chỉ dừng ở việc khuyến cáo người dân phải đội MBH đảm bảo chất lượng, đúng cách khi tham gia giao thông.
Tương tự, Trung uý Phí Đình Tiệp, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng cho biết: “Quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng có thấy một số trường hợp đội MBH mà bằng cảm quan, mắt nhìn là chưa đạt chuẩn. Tuy nhiên, hiện chưa có qui định cũng như chế tài để CSGT xử phạt lỗi đội MBH không đạt chuẩn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay, trong các tiêu chí phân loại TNGT, vi phạm giao thông, không có tiêu chí về chất lượng MBH. Do đó, hiện nay không có số liệu TNGT liên quan đến MBH kém chất lượng.
Đại tá Vũ Minh Đức, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh và Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An đều cho rằng, dù việc không đội MBH là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy bị chấn thương hoặc tử vong nhưng đây không phải là căn nguyên dẫn đến TNGT.
Khi TNGT xảy ra, cơ quan chức năng chỉ tập trung xác định người điều khiển có lấn làn, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do phương tiện khác vi phạm gây ra.
Quá trình làm nhiệm vụ, CSGT chỉ xử lý được lỗi không đội MBH, còn việc MBH có kém chất lượng hay không thì không thể đánh giá bằng mắt thường mà cần phải có cơ quan chuyên trách và phải có thời gian.
“Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần quản lý, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi mua bán MBH kém chất lượng, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại sản phẩm này lưu thông trên thị trường”, Đại tá Minh nói.
Giảm thương vong chỉ là con số ước tính
Theo báo cáo nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á cho thấy, khoảng 500.000 ca chấn thương đầu và 15.000 ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ quy định bắt buộc đội MBH trong 13 năm qua.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu con số đưa ra có phản ánh đúng thực tế về thương vong do người tham gia giao thông không đội MBH hay đội MBH không đảm bảo chất lượng?
Lý giải con số này, ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP) cho biết, các nhà nghiên cứu dự đoán số ca tử vong trong trường hợp quy định bắt buộc đội MBH không được thực thi “trên cơ sở mô hình hồi quy tuyến tính” (một phương pháp phân tích quan hệ giữa biến phụ thuộc Y với một hay nhiều biến độc lập X). Con số dự đoán được so sánh với số liệu tử vong trong báo cáo do Ủy ban ATGT Quốc gia Việt Nam công bố hàng năm.
“Để định lượng gánh nặng kinh tế, chúng tôi sử dụng phương pháp tổng sản lượng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là phương pháp được nhiều nước đang phát triển sử dụng làm điểm xuất phát vì nó có cơ sở lý thuyết vững chắc. Việc so sánh giữa số ca tử vong thực tế và số ca do các nhà nghiên cứu dự đoán đưa ra số lượng người được cứu. Tuy nhiên, số liệu này bao gồm tất cả các ca tử vong trên đường, bao gồm cả các trường hợp không liên quan đến xe máy”, ông Greig Craft nói.
Cũng theo ông Greig Craft: “Ở Việt Nam, 75% số ca tử vong khi tham gia giao thông đường bộ là người điều khiển xe máy. 78% các vụ va chạm xe máy gây chết người xuất phát từ chấn thương vùng đầu và đội MBH giảm 42% nguy cơ tử vong. Để xác định số lượng người được cứu sống nhờ tác động trực tiếp của quy định bắt buộc đội MBH, các nhà nghiên cứu đã sử dụng các giả định này để tính toán”.
Theo PGS. TS. Phạm Việt Cường, Trưởng bộ môn Y tế công cộng, Trường ĐH Y tế công cộng, tỷ lệ tử vong hay thương tích liên quan đến xe máy ở Việt Nam trong 10 năm qua giảm khá nhiều, nhưng bao nhiêu % trong số này do đội MBH thì không có số liệu. Mọi con số đều chỉ là ước tính.
“Hiện không có số liệu báo cáo của cảnh sát tại hiện trường khi thụ lý tai nạn, thống kê nạn nhân thương tích hay tử vong do đội MBH không đạt chuẩn hay đạt chuẩn. Chỉ có công an mới có thể thống kê được con số cụ thể, vì khi xảy ra tai nạn, công an chịu trách nhiệm lập biên bản, bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân”, ông Cường nói và cho rằng, để các chính sách đảm bảo ATGT sát thực tiễn, cần thiết phải có được các số liệu chính xác, trong đó có thống kê tỷ lệ thương vong liên quan đến MBH.
Chấn thương thêm nặng vì đội mũ rởm
Ngày 3/11, tại khoa Cấp cứu BV Việt Đức, bệnh nhân N.V.T (34 tuổi, trú tại Lạng Sơn) vật vã trên giường bệnh, chờ mổ cấp cứu lần 2. Trước đó, bệnh nhân được mổ cấp cứu ở tuyến dưới nhưng tiên lượng nguy kịch. Theo người nhà bệnh nhân, tai nạn xảy ra giữa xe máy do bệnh nhân điều khiển và ô tô. Do chủ quan nên anh T. không đội MBH khi tham gia giao thông và tai nạn bất ngờ ập đến.
BS. Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Việt Đức cho biết: Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 15.000 - 17.000 bệnh nhân TNGT, trong đó khoảng 1.000 người tử vong. Chỉ tính riêng năm 2019, số vụ TNGT xác minh được có liên quan đến MBH là 175 trường hợp và 9 tháng năm 2020 là 155 trường hợp.
Theo ông Hùng, đây là những con số thống kê không được đầy đủ, bởi nhiều nguyên nhân, có thể không rõ hoàn cảnh tai nạn, lúc xảy ra TNGT mũ văng mất hay bệnh nhân và người chưa cung cấp thông tin chuẩn xác. Và một nguyên nhân nữa là do hầu hết các ca TNGT được chuyển đến viện đều rất nguy kịch, cứu người là nhiệm vụ hàng đầu nên thông tin liên quan đến MBH không được khai thác hết.
Tuy nhiên, chỉ qua con số 155 ca TNGT có xác định được yếu tố MBH thì có 50 ca MBH vỡ, 51 ca MBH không cài quai và 59 ca MBH không rõ nguồn gốc… Đặc biệt, đây đều là các ca chấn thương đặc biệt nặng.
“Nếu đội MBH sẽ giảm được va đập, tránh vỡ lún xương sọ găm vào trong não. Những trường hợp bệnh nhân có đội MBH thì tỷ lệ bảo vệ, giảm chấn thương hàm, mặt rất cao. Còn những ca TNGT khi đội MBH kém chất lượng, thậm chí các mảnh vỡ còn góp phần tác động tạo thành dị vật găm vào sọ não của bệnh nhân”.
Uyên Vũ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận