Đậm chất văn hóa Ê Đê
Nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C khiến ngày mới ở Hà Nội bắt đầu muộn hơn. Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Phúc (ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm) vẫn giữ thói quen dậy sớm, khởi đầu buổi sáng bằng tách cà phê Ê Đê pha phin.
Nhấp ngụm cà phê khói nóng, anh Phúc mím môi lại để tận hưởng vị ngòn ngọt đọng lại nơi khoang miệng. Hơi ấm từ hương cà phê kết hợp với tiết lạnh đầu Xuân mang đến cho anh cảm giác tỉnh táo và sảng khoái.
"Tôi bị hấp dẫn bởi nước cà phê vàng trong tinh anh. Đưa gần lên mũi mới cảm nhận được mùi cà phê tươi thanh thanh, thơm thoang thoảng vị quả chín. Nó không sặc mùi, sóng sánh như những loại cà phê ướp hương liệu luôn sực nức", anh Phúc chia sẻ.
Cũng trong buổi sáng lạnh giá, nhiều người ở Hà Nội tìm đến quán Bike Cafe nằm sâu trong con ngõ nhỏ Hoàng Trọng Mậu (phường Mỹ Đình 1) để thưởng thức tách cà phê Ê Đê.
Là người sành cà phê, anh Đỗ Minh Thịnh (chủ quán) phục vụ khách hàng theo cách riêng. Ngoài những đòi hỏi về nhiệt độ nước, cách xay cà phê, nén ép... anh Thịnh đã khéo léo phối trộn 2 loại cà phê hạt Ê Đê arabica và robusta theo tỷ lệ riêng. Việc này nhằm tận dụng tối đa ưu điểm của từng loại cà phê hạt rang xay.
Chủ quán lý giải cà phê robusta đậm đà, cảm giác đầm hơn nhưng nhưng kém hương. Arabica thơm nhưng lại kém vị. Kết hợp hai loại sẽ được một cốc cà phê vừa ngon, vừa thơm tự nhiên.
Còn anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café cho biết, cà phê Ê Đê là đặc sản văn hóa, là biểu tượng, sự tự hào của người Ê Đê. Cà phê phải có mùi thơm, vị đắng, chua, ngọt cân bằng lan tỏa, tạo cảm giác thư thái, tỉnh táo cho người uống.
Để đảm bảo cho ra lò những mẻ cà phê Ê Đê đúng nghĩa, anh Y Pốt Niê đã xây dựng một quy trình về chăm sóc, hái lượm. Hạt cà phê Ê Đê rang xay được làm từ 100% hạt cà phê hữu cơ (cà phê organic) được trồng và chăm sóc trên vùng đất sạch, không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học… Cách trồng này tuy phức tạp, mất thời gian nhưng tạo ra được hạt cà phê sạch, có giá trị đối với sức khỏe.
Anh Y Pốt Niê cũng đưa nguyên tắc "3 chín" vào quy trình sản xuất, đó là hái chín, rang chín và hãm chín. Những hạt cà phê được thu hoạch khi màu đỏ tươi chiếm 2/3 vỏ, chắc chắn, không bị sâu bệnh. Nguyên tắc này được truyền từ thế hệ người Ê Đê này sang thế hệ người Ê Đê khác, được đúc rút từ kinh nghiệm quan sát động vật lựa quả để ăn như khỉ, hoẵng, chồn hương.
Cà phê Ê Đê được rang theo cách truyền thống trên bếp lửa, không thêm gia vị để bảo toàn độ tươi ngon, nguyên chất. Mỗi lần rang chỉ nửa ký và rang đều tay trong khoảng 20 phút.
Khởi nghiệp với chất "lửa"
Ê Đê Café thành lập 5 năm (2019) nhưng nhanh chóng chinh phục thị trường với hơn 10 loại sản phẩm như: cà phê khói, cà phê mix vị, cà phê hòa tan... Hiện, Ê Đê Café có mặt tại hơn 1.000 quán cà phê, 100 đại lý khách hàng trên toàn quốc và xuất khẩu sang các nước Canada, Đức, Hồng Kong, Singapore, Malaysia, Mông Cổ, Thái Lan...
Y Pốt Niê tin rằng, việc khai thác cà phê truyền thống là lối đi riêng để vươn ra thị trường mà không phải đương đầu với những ông lớn có sẵn tiềm lực như: Trung Nguyên, Highlands Coffee, Phúc Long...
Doanh thu của Ê Đê Café năm 2022 đạt 7,5 tỷ đồng, năm 2023 đã tăng thêm 2,5 tỷ đồng. Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ê đê Café ra mắt thêm dòng cà phê nguyên chất hòa tan không đường để phục vụ những vị khách nghiện cà phê, kiêng đường. Đồng thời, công ty mở rộng thêm nhiều chuỗi cà phê tại Buôn Ma Thuột nhằm giúp du khách có cơ hội tìm hiểu văn hóa, giá trị của hạt cà phê Ê Đê.
Tốt nghiệp ngành Y và có việc làm ổn định nhưng Y Pốt Niê lại chọn con đường gắn bó với cà phê. Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Tây Nguyên nắng gió, anh thấu hiểu được sự cơ cực của gia đình và bà con buôn làng khi được mùa mất giá, được giá thì mất mùa do lệ thuộc vào thương lái.
Làm thế nào để nâng cao giá trị cà phê Ê Đê? Làm thế nào để cà phê Ê Đê có được thương hiệu riêng và giúp người trồng cà phê đỡ khổ... đã thôi thúc anh về buôn làng lập nghiệp. Quyết định từ bỏ ngành Y khiến Y Pốt Niê bị bố mẹ từ mặt không nói chuyện suốt 2 tháng. Nhưng sau khi được thuyết phục, chính họ đã thấu hiểu, cho anh mượn sổ đỏ, tài sản giá trị duy nhất của gia đình để vay vốn ngân hàng.
Ngày về làng năm 2018, anh tìm đến những người già trong buôn để học cách rang, pha chế, xử lý hạt cà phê theo kiểu truyền thống. Sau đó ít hôm, tự tin với kiến thức học được, anh vay mượn được 5 triệu đồng để mua hạt cà phê. Nhưng ước mơ thay đổi số phận hạt cà phê Ê Đê không dễ như chàng trai này hình dung. Hơn 20 mẻ phải đổ đi, cháy khét lẹt, không có nổi một hạt lành lặn.
Hết tiền, Niê đi làm phục vụ tại một quán cà phê để trang trải cuộc sống. Dành dụm tiền khi phục vụ bàn, anh tiếp tục mua hạt cà phê về rang rồi chào bán qua các kênh online. Khi khách hàng ngày một nhiều, anh trở lại với con đường đã chọn.
Quãng thời gian năm 2022, hơn 4 tháng trời, anh có mặt ở TP.HCM và Hà Nội. Anh không bao giờ quên hình ảnh cầm bịch cà phê đi tiếp thị hết hàng này sang quán quán khác từ 5h sáng. Những túi cà phê ban đầu bị khách hàng chê vì không nhãn mác. Nhưng với quyết tâm không từ bỏ, cuối cùng những hạt cà phê Ê Đê đậm đà đã thuyết phục được họ.
Anh Đỗ Minh Thịnh, chủ quán Bike Cafe chia sẻ cũng vô tình gặp Niê rồi quyết định hợp tác vì cảm nhận được chất lửa, sự nhiệt huyết của chàng trai Ê Đê này. Đó là tiền đề cho sự ra đời của Ê Đê Café hôm nay.
Nâng cao giá trị hạt cà phê Ê Đê
Với định hướng sản xuất cà phê theo con đường hữu cơ thuận tự nhiên và hỗ trợ bà con người dân tộc Ê Đê làm kinh tế, anh Niê liên kết 100 hộ trồng 50 hecta cà phê. Anh hướng dẫn bà con chăm sóc, bón phân, tưới nước, áp dụng quy trình thu hái, sàng lọc để đảm bảo hạt cà phê đạt chất lượng cao, đáp ứng năng lực xuất khẩu cà phê hạt rang 120 tấn/năm, cà phê nhân 150 tấn/năm, cà phê bột 130 tấn/năm.
Ngoài thu mua cà phê giá cao hơn thị trường 5.000-10.000 đồng/kg để giúp cho bà con có thêm lợi nhuận, anh Niê còn hỗ trợ giống cây trồng ăn quả như sầu riêng, bơ trồng xen canh trong vườn, góp phần thay đổi giá trị kinh tế địa phương.
Có 1,5ha cà phê, chị H’Lidi Bkrông (buôn Kla) cho biết từ khi trở thành người đồng hành với Ê Đê Café, bà con đã có kinh nghiệm về trồng và thu hái cà phê. Trước đây, cà phê chỉ được hái đại trà không qua chọn lọc nên chất lượng không cao. Qua quá trình chăm sóc cà phê dưới hình thức hữu cơ, hái lượm theo nguyên tắc của Ê Đê Café, cà phê cho giá trị cao hơn.
Anh Vũ Trường Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Logistics& XNK Tấn Vinh, đối tác xuất khẩu cà phê Ê Đê ra nước ngoài cho hay, Y Pốt Niê là người tạo ra giá trị khác biệt cho nông sản Việt Nam nói chung và chính đồng bào Ê Đê nói riêng. Điều đó mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận