Chính phủ Indonesia và Malaysia chấp nhận đưa hàng nghìn người tị nạn trên biển vào bờ. |
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon thăm Việt Nam
Hôm nay (22/5), nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và phu nhân thăm chính thức Việt Nam đến ngày 23/5. Qua chuyến thăm, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai bên và nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nguồn hỗ trợ của LHQ nhằm triển khai chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015, đặc biệt trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Khủng hoảng tị nạn Đông Nam Á
Đây là vấn đề nóng sốt nhất khu vực Đông Nam Á tuần vừa qua. Nhiều con thuyền rách nát chở hàng trăm người tị nạn chủ yếu là người Rohingya nghèo đói ở Myanmar và Bangladesh, mang theo hy vọng đổi đời ồ ạt tiến tới ba nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Không tiếp nhận xuể hàng nghìn người tị nạn, Chính phủ ba nước này buộc phải để họ lênh đênh trên biển. Ước tính, đến nay còn khoảng 8 nghìn người tị nạn trôi dạt trên những chiếc “quan tài trên biển”, thiếu lương thực, nước uống.
Sau cuộc họp khẩn tìm ra biện pháp giải quyết khủng hoảng, Indonesia và Malaysia nhất trí sẽ cho phép những người tị nạn này lên bờ với điều kiện cộng đồng quốc tế phải tái định cư hoặc đưa họ hồi hương trong vòng một năm.
Iraq thất thủ TP Ramadi
Ngày 18/5, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tuyên bố nắm quyền kiểm soát toàn TP Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar, miền Tây Iraq. Không chịu nổi sự lộng hành, bạo tay giết chóc của IS, đã có 25 nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa.
Trước tình thế cấp bách này, Chính phủ Iraq hô hào người dân quay trở về, “đoàn kết đứng lên” chống lại phiến quân IS; kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ. Góp phần hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ đưa một nghìn vũ khí chống tăng tới Iraq trong tháng 6 tới.
Ngoại trưởng Mỹ công du Hàn Quốc - Trung Quốc
Trong chuyến công du tới Trung Quốc và Hàn Quốc từ ngày 16-18/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bàn về những vấn đề nổi cộm tại khu vực châu Á mà cả thế giới đang quan tâm: Tranh chấp trên Biển Đông và bất ổn trên bán đảo Triều Tiên. Thể hiện rõ quan điểm của Mỹ, ông Kerry hối thúc Trung Quốc hành động có trách nhiệm, làm giảm căng thẳng trên biển Đông và quan ngại về tiến độ cũng như quy mô hoạt động bồi đắp của Bắc Kinh tại 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa nơi Việt Nam và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, ông Kerry khẳng định hỗ trợ Hàn Quốc chống lại mối đe dọa an ninh từ phía Triều Tiên ở mức cao nhất kể cả phải triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao tại Hàn Quốc nhằm tăng cường khả năng đối phó với Triều Tiên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận