Xã hội

Cháy chung cư mini và bài học thoát nạn

Vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội gây hậu quả nặng nề với 56 người tử vong, nhiều người bị thương.

Từ vụ cháy cũng lộ rõ những lỗ hổng trong quản lý chung cư mini và kiến thức phòng cháy chữa cháy của người dân ở đó.

Sống sót nhờ kiến thức phòng cháy

Ngày 14/9, anh Lưu Văn Công (30 tuổi, quê Nam Định) đã đưa được vợ rời bệnh viện về nhà người quen nghỉ ngơi.

Thoát khỏi vụ cháy chung cư kinh hoàng, anh Công khỏe mạnh. Vợ anh cần vào viện để kiểm tra, theo dõi sức khoẻ một ngày rồi về.

Cháy chung cư mini và bài học thoát nạn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Công Huy bên chiếc thang dây đã cứu sống gia đình.

Anh Công chia sẻ, vợ chồng anh mới cưới nhau, nên thuê căn hộ ở chung cư mini Khương Hạ để sinh sống với giá 5 triệu đồng/tháng. 

Thời điểm xảy ra vụ cháy là khoảng 11h50 ngày 12/9, vợ chồng anh chuẩn bị ngủ thì bỗng nhiên mất điện. 

Lúc này, nghe nhiều người hô hoán cháy, nên anh dắt vợ chạy xuống tầng 2 nhưng lửa từ tầng 1 đã thốc lên, cùng khói đen đặc.

Thấy vậy, vợ chồng anh Công chạy lên ban công tầng 9 nhưng cũng bị sức nóng kèm khói lớn bốc lên.

Thấy không thể thoát khỏi tòa nhà, anh Công bình tĩnh kéo vợ về phòng, đóng kín cửa, lấy quần áo trong tủ ra, thấm nước ướt đẫm để che mũi miệng, rồi chạy ra ngoài ban công bật điện thoại báo hiệu.

"Khoảng gần 4h sáng, vợ chồng tôi được lực lượng cứu hộ cứu sống", anh Công nhớ lại.

Cũng thoát chết nhờ những chiếc khăn mặt ướt sũng nước, chị Lan, quê ở Bắc Ninh cho biết, gia đình chị sinh sống tại tầng 4 của tòa chung cư bị cháy.

Khi biết thông tin cháy, chồng chị chạy ra ban công mở cửa thoát hiểm, còn 4 mẹ con chị tìm tất cả khăn mặt trong nhà, nhúng ướt sũng nước để che mũi miệng rồi chạy lên sân thượng. Sau đó, lực lượng cứu hỏa đã đến cứu kịp thời cả gia đình.

photo-1694712351836

Những nạn nhân may mắn thoát nạn đến nhà văn hóa phường Khương Đình nhận hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Tới nhà văn hóa tổ dân phố nhận cứu trợ chiều 14/9, anh Nguyễn Công Huy (SN 1982) sống tại tầng 3 chung cư mini ở phố Khương Hạ cho biết, năm 2015, ngay khi về chung cư này ở, lập tức anh đã mua thang dây, bình cứu hỏa để ở ban công.

Trước ban công nhà, anh làm song sắt nhưng để lại một cửa và chìa khóa để ở vị trí cả gia đình biết.

"Đêm đó, cả gia đình đang ngủ thì bừng tỉnh khi nghe thấy tiếng tri hô lớn của mọi người, mở mắt ra thấy nhà có khói nhiều. Mở hé cửa tôi thấy sức nóng, khói cực lớn nên thấy không thể thoát ra bằng đường cầu thang, mà phải thoát ra đường ban công", anh Huy kể.

Theo anh Huy, lúc đó gia đình rất bình tĩnh, vợ chồng bảo nhau chạy đi lấy khăn thấm nước để đưa lên miệng vào mũi nhằm ngăn khí độc vào phổi. Anh Huy nhanh chóng lấy chìa khóa ở vị trí định sẵn để mở cửa ở song sắt, sau đó thả thang dây xuống đất.

Anh buộc chặt con nhỏ trên lưng rồi trèo từ thang dây xuống phía dưới. Khi đưa được cháu thứ nhất xuống thì anh tiếp tục lên và đưa con thứ hai xuống bằng biện pháp tương tự. Sau đó vợ anh Huy trèo xuống.

"Tôi có được những kỹ năng này là nhờ từ những buổi tập huấn ở trong bệnh viện – nơi tôi làm việc. Tôi đã về truyền đạt cho những thành viên trong gia đình để khi có hỏa hoạn thì còn biết cách xử lý tình huống", anh Huy nói.

Kinh nghiệm thoát nạn khi cháy chung cư mini

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 12 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hà Nội) chia sẻ, với vụ cháy mà lối ra duy nhất đã bị bịt kín như trường hợp ở Khương Hạ, khi không có thang dây để thoát nạn, mọi người có thể tập hợp vào một phòng có thể mở được cửa sổ; nỗ lực ngăn khói và lửa vào qua cửa bằng cách chặn các khe hở quanh cửa bằng khăn trải giường, chăn, quần áo nhúng ướt nước hoặc băng dính. Sau đó, đứng gần cửa sổ để hít thở và tri hô giúp đỡ.

Về kỹ năng thoát nạn trong các vụ cháy chung cư, thượng tá Quyến cho biết, khi phát hiện vụ cháy, bất kể là đám cháy to hay nhỏ, người dân cần nhanh chóng thoát khỏi tòa nhà, không cố thu những đồ có giá trị hay đi tìm vật nuôi trong nhà.

Trước khi mở cửa, hãy đặt mu bàn tay lên cánh cửa, nếu thấy ấm, đừng mở cửa vì có thể bên ngoài đang cháy tạo ra nhiệt và khói, mở cửa sẽ khiến khói và lửa luồn vào nhà. 

"Dùng mu bàn tay để thử, không dùng lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc thoát thân của bạn khi bạn bò hay xuống thang cứu nạn", thượng tá Quyến lưu ý.

Cháy chung cư mini và bài học thoát nạn - Ảnh 3.

Hàng trăm người dân tự nguyện đến góp tiền để hỗ trợ những người bị nạn trong vụ cháy.

Khi không thể ra ngoài, nếu khói đã lan vào phòng, thì người dân hãy bò dưới sàn nhà, vì không khí sạch hơn ở gần sàn nhà, để mũi càng thấp càng tốt. 

Còn nếu thấy có thể ra ngoài bằng thang thoát hiểm hay chạy lên tầng thượng để chờ cứu hộ đến giải cứu, thì hãy sử dụng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, quần áo thấm ướt nước để ngăn chặn việc hít phải khí độc.

Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho biết, với các chung cư mini, các gia đình nên trang bị cho mình bộ thang dây, tạo thêm đường thoát quan trọng khi hỏa hoạn xuất hiện. 

Đồng thời, mọi gia đình ở chung cư cần có thêm mặt nạ phòng độc để ngăn việc hít phải khí độc trong một thời gian nhất định.

San sẻ nỗi đau, giúp người ở lại

photo-1694712352325

Người thân của nạn nhân trong vụ cháy đến UBND phường nhận hỗ trợ.

Ngày 14/9, mưa tầm tã nhưng rất đông người vẫn đến căn nhà xảy ra vụ cháy để có thể đặt hoa, thắp hương cho những người gặp nạn. Căn nhà xảy ra vụ cháy được đóng cửa 1 phần, phía trước 1 ban thờ tạm được đặt tạm.

Tranh thủ thời gian cùng 4 đồng nghiệp mang hoa đến thắp hương cho các nạn nhân, chị Mai Thị Hiền (nhân viên văn phòng trên phố Khương Hạ) cho biết: "Biết các cư dân ở đây gặp nạn. Chúng tôi đã cùng nhau quyên góp và cử đại diện thắp hương cho các nạn nhân và nhờ chính quyền phường tiếp nhận ủng hộ".

Chia sẻ về việc hỗ trợ các nạn nhân, bà Phạm Thị Hồng, Tổ phó tổ dân phố 20, phường Khương Đình cho biết, gia đình bà đã chuẩn bị sẵn 1 phòng để dành cho các nạn nhân may mắn thoát khỏi vụ cháy đến ở.

Ngoài ra, còn có rất nhiều gia đình trong khu phố đã dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sẵn sàng đón những người may mắn thoát nạn khỏi vụ cháy.

Tuy nhiên, một số người vẫn đang ở trong bệnh viện, một số lại về quê nên ít người ở. Rất đông người dân đã đến đây ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhu yếu phẩm thì rất nhiều, được chuyển về nhà văn hóa.

Nhận nhu yếu phẩm hỗ trợ, anh Nguyễn Công Huy cho biết: "Tôi rất xúc động khi thấy những người xa lạ đang chung tay đùm bọc, hỗ trợ những nạn nhân sau vụ việc. Có những người ở tỉnh xa cũng đến hỗ trợ".

Có cháu gái tử vong trong vụ cháy, ông Nhật vừa khóc vừa nhận suất hỗ trợ ban đầu gồm bộ ấm chén, ấm nước, quạt... tại trụ sở UBND phường Khương Đình.

"Tôi được thông báo sẽ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng trong 6 tháng để thuê nhà và hỗ trợ 37 triệu đồng", ông Nhật cho hay.

Bà Trần Thị Liên (nạn nhân trong vụ cháy) cho biết, sau vụ cháy, cán bộ UBND phường đã liên hệ, thông báo sắp xếp chỗ ở cho các nạn nhân trong vụ cháy. "Nhưng gia đình tôi đã nhờ được người thân nên để dành suất cho người khác, tôi chỉ đến đây để nhận hỗ trợ", bà Liên nói.

Bà Phạm Thị Hải, Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ UBND phường Khương Đình cho biết, hiện nay, phường đã có rất nhiều mạnh thường quân đăng ký để hỗ trợ tạm chỗ ở cho các nạn nhân trong vụ cháy.

Phường cũng đã đặt một bàn để ghi lại danh sách những người dân đến ủng hộ, hỗ trợ người dân gặp nạn.

Số tiền này được đưa tận tay những người bị thương khi trở về và đưa đến cho người thân của những nạn nhân xấu số.

"Các khoản ủng hộ được ghi chép, có phiếu thu rõ ràng. UBND phường và MTTQ phường sẽ lên phương án hỗ trợ tùy vào mức độ bị thương của các nạn nhân và những nạn nhân không may mắn", bà Hải chia sẻ.

P.Đô - Q.Phương


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.