Chuyện dọc đường

Chết vì sợ

22/02/2020, 06:56

Trong dịch Covid-19, một người đàn ông đã chết vì sợ chứ không phải vì bất cứ loại virus nào.

img
Hàng loạt tin giả về dịch bệnh Corona đã bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý

Thuật ngữ chết vì sợ là thuật ngữ y khoa do một tiến sĩ tâm lý tại ĐH Havard đưa ra từ năm 1942.

Thực tế, tin giả ngày nay chẳng khác nào một loại virus độc hại, hủy hoại nhận thức và tâm trí chúng ta, thậm chí còn mang tới cái chết.

Bằng chứng trong dịch Covid-19 đã có một người đàn ông Ấn Độ bị sốt và anh ta nghĩ rằng mình đang nhiễm virus Covid-19.

Từ sáng tới tối, anh chỉ lao vào mạng xã hội tìm đọc thông tin, xem clip về con virus, người nhiễm bệnh, người chết… Quá sợ hãi, anh đã thắt cổ tự tử trên cái cây gần nhà!

Người đàn ông này đã chết vì sợ chứ không phải vì bất cứ loại virus nào.

Không thiếu câu chuyện để có thể chứng minh tin giả hủy hoại một cá nhân như thế nào và cũng không thiếu minh họa cho thấy nó hủy hoại cả một cộng đồng ra sao.

Còn nhớ Việt Nam đã kiểm soát rất tốt thậm chí có thể nói đã khống chế đẩy lùi dịch sởi bằng chiến dịch tiêm phòng vaccine trên cả nước.

Thế nhưng, chỉ vì những tin đồn tiêm phòng sởi có thể gây ra biến chứng chết người, khiến trẻ động kinh, ảnh hưởng trí tuệ… đã khiến cho đồng loạt các bà mẹ không cho con đi tiêm phòng.

Tới năm 2014, khi dịch sởi bùng phát tại Việt Nam lại có tin đồn trẻ điều trị chỗ nọ, chỗ kia tử vong.

Vậy là trong khi các bệnh viện tuyến dưới hoàn toàn có khả năng điều trị bệnh sởi nhưng vì tin đồn, cha mẹ đã mất niềm tin, ôm con mắc bệnh đổ dồn lên các bệnh viện tuyến TƯ để xảy ra tình trạng quá tải.

Có những bệnh viện lớn phải thành lập cả đơn nguyên điều trị bệnh sởi.

Tôi còn nhớ, tại thời điểm đó, kết quả công bố có khoảng 7 nghìn bệnh nhi có xét nghiệm dương tính với sởi nhưng lại có tới 35 nghìn ca âm tính, không nhất thiết phải điều trị trong viện nhưng các bà mẹ nhất quyết yêu cầu cho con được ở lại.

Số bệnh nhi đông khủng khiếp, không đủ giường bệnh cho các con nằm, thậm chí còn không có chỗ ngồi để truyền dịch.

Hậu quả đau lòng khi năm đó có 127 bệnh nhi chết vì viêm phổi biến chứng sởi. Đây là những cái chết của những đứa trẻ vô tội, không đáng xảy ra, đã gây ra áp lực rất lớn đối với ngành y chúng tôi.

Mặc dù con số công bố đã cứu được rất nhiều bệnh nhi nhiễm sởi nhưng ngược lại xã hội ngày đó vẫn nhìn chúng tôi với suy nghĩ nhân viên y tế vi phạm y đức. Chúng tôi bị tấn công không chỉ bằng lời nói mà còn cả vũ lực.

Do vậy trong dịch Covid-19, ngay từ đầu tôi ý thức được rằng nếu chúng ta không phòng chống được những con virus tin đồn, lan truyền trên mạng xã hội thì ngành y sẽ thất bại, khó mà kiểm soát tốt được như ngày hôm nay.

Tin giả thường có đặc điểm dựa trên một tin có thật và sau đó được cố tình biến đổi để trở nên hấp dẫn, thu hút người khác.

Trong khi đó, chế tài xử lý trường hợp tạo và tung tin giả lại chưa đủ sức răn đe, với mức phạt trên dưới 10 triệu đồng còn quá nhẹ.

Do vậy đòi hỏi cộng đồng mạng sạch sẽ không có tin giả, ngay lúc này là điều không thể.

Chỉ mong mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội không tạo ra tin giả, cố gắng có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, không biến mình thành công cụ vô tình lan truyền tin giả, thứ virus độc hại có thể hủy hoại cuộc sống của chính chúng ta.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt ngăn chặn xử lý tin giả. Tuy nhiên kể cả khi dịch bệnh kết thúc, thậm chí ngay bây giờ, tin giả giống như con virus có hình thức biến đổi để thích nghi rất khó phát hiện. Đáng buồn một số bài báo vừa qua cũng đã vô tình tiếp tay cho tin giả.

Các nhà báo cần có sự thay đổi trong cách tác nghiệp, nên đồng hành với những chuyên gia để có sự kiểm chứng xác đáng.

Trách nhiệm của báo chí là phát hiện vấn đề và nâng tầm lên chứ không phải hạ mình ngang với tin đồn trong xã hội.

Nếu không làm được như thế, chức năng phổ biến kiến thức, định hướng dư luận lâu nay của báo chí sẽ thất bại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.